Thứ tư, 24/04/2024 - 11:58
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiệu quả mô hình nuôi chim cút ở bản Thèn Thầu

Câu chuyện về mô hình nuôi chim cút lấy thịt, trứng kinh doanh và giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi ở bản vùng cao Thèn Thầu (xã Bản Lang, huyện Phong Thổ) trong 3 năm qua đã lan truyền khắp bản trên, mường dưới. Và, chúng tôi quyết định về bản để được mắt thấy, tai nghe.

Trở lại Phong Thổ những ngày cuối thu. Khác với lần đầu chúng tôi đến, Thèn Thầu giờ đổi thay rất nhiều với con đường nông thôn mới, nhà nhà xây dựng khang trang và từng đám trẻ bụ bẫm, khỏe mạnh nô đùa bên khoảng sân trống hay ven đường. 100% hộ dân trong bản là dân tộc Dao. Dù thuần nông nhưng trong tư duy, phương thức sản xuất của dânm bản có nhiều đổi thay. Bởi, nhiều giống lúa, ngô mới dần thay thế trên đồng đất, mang lại những mùa no ấm. Vui hơn cả là phụ huynh quan tâm chăm sóc sức khỏe để con em phát triển toàn diện về thể chất. 

Chúng tôi tìm đến nhà chị Tẩn Thị Hồng – tình nguyện viên của Tổ chức Plan (tổ chức phi Chính phủ quốc tế phát triển cộng đồng lấy trẻ em làm trung tâm) tại Phong Thổ. Trong căn nhà rộng rãi, sạch sẽ, chị Hồng đang cùng các con chơi đùa. Như lời hứa trong cuộc điện thoại hẹn gặp trước, chúng tôi được chị dẫn đến thăm một số gia đình đang nuôi chim cút được Tổ chức Plan tài trợ.

 

Đầu tiên là nhà chị Lù Thị Hương. 3 năm trước, gia đình thuộc diện hộ nghèo của bản. Chị Hương nhớ lại: “Tôi có 2 con nhỏ, lúc ấy đứa nào cũng ốm nheo ốm nhóc, còi lắm. Nhà nghèo nên không có điều kiện chăm sóc con cũng xót. Tôi cứ nghĩ cuộc sống khốn khó này sẽ còn đeo đuổi đến lúc chết...". Năm 2018, thông qua nguồn hỗ trợ từ Tổ chức Plan, gia đình chị được nhận 50 con chim cút giống và hướng dẫn cách chăm sóc, làm tổ. Sau 3 tháng chăm theo đúng quy trình, đàn chim cút phát triển khá tốt, bắt đầu đẻ trứng. Thời gian đầu, trứng chim cút được chị để dành cho con và chia cho một số gia đình khó khăn có con nhỏ trong bản.

Thấy chim cút đẻ nhiều, chị quyết định nhân đàn và tích cóp tiền mua máy ấp trứng vừa phục vụ nhu cầu của gia đình và làm dịch vụ. Đến nay, gia đình chị Hương đã có đàn chim cút hơn 400 con; cung cấp ra thị trường trên 3.000 quả trứng. Bình quân mỗi tháng bán từ 300 – 400 quả trứng, giá từ 700 – 1.000 đồng/quả. Đó là chưa tính thu nhập từ bán con giống. Chỉ sau 2 năm, kinh tế gia đình chị dần ổn định và chính thức thoát nghèo. Chị có thời gian, điều kiện chăm con tốt hơn. Giờ đây, hàng tuần trong bữa ăn của 2 bé, khẩu phần dinh dưỡng luôn có thịt và trứng chim cút. Bởi theo chị tìm hiểu, loại chim này cung cấp hàm lượng dinh dưỡng cao đối với trẻ nhỏ.

Mô hình nuôi chim cút còn được triển khai tại 4 hộ trong bản và đều thuộc hộ nghèo. 250 con giống cung ứng cho 5 gia đình nay đã tăng lên 700 con với hơn 9.000 quả trứng và 11 hộ tham gia nuôi. Nhờ đó, thu nhập của các hộ tăng lên rõ nét. Quan trọng hơn, trẻ nhỏ được chăm sóc tốt với nguồn thực phẩm đảm bảo chất và lượng. Kết quả, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng của trẻ trong bản giảm từ 22% (năm 2018) còn 20% (nửa đầu năm 2019).

Chị Hồng cũng cho hay: “Ngoài mô hình này, các tình nguyện viên của Tổ chức Plan còn tổ chức sinh hoạt, hướng dẫn cha, mẹ kỹ năng nuôi dạy con về dinh dưỡng; nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hành cho cha mẹ về chăm sóc và phát triển trẻ thơ. Qua 3 năm vận động, tuyên truyền, chúng tôi nhận thấy, nhiều bà mẹ trong bản nuôi dạy con khoa học, cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu hay biết cho ăn bột, cháo đúng cách, chế biến bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng bằng các loại rau, củ, quả có sẵn trong vườn… ”.

Một mô hình - hai lợi ích, hy vọng nuôi chim cút lấy trứng, thịt sẽ tiếp tục được nhân rộng tại bản Thèn Thầu nói riêng và các địa phương khác trong huyện thời gian tới.  


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Bản đồ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT tỉnh mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.117
Hôm qua : 2.017