Thứ năm, 25/04/2024 - 14:00
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng: Hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao

Mạnh dạn và quyết đoán trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Phong Thổ không chỉ khắc phục được những khó khăn của huyện vùng cao biên giới mà còn thích ứng kịp thời với biến đổi khí hậu, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế. Qua đó, đưa kinh tế địa phương phát triển, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống Nhân dân.

Lản Nhì Thàng là xã cửa ngõ của huyện Phong Thổ. Nơi đây, tiếp giáp với thành phố Lai Châu, có đường quốc lộ 4D chạy qua, giao thông các bản được bê tông hóa thuận lợi. Tận dụng điều này, những năm gần đây, xã hướng dẫn người dân mở rộng diện tích đất trồng chè, mắc ca, gừng, địa lan theo hướng hàng hóa gắn với phát triển du lịch và thị trường tiêu thụ nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển.
Anh Trịnh Khắc Tấn – Chủ tịch UBND xã Lản Nhì Thàng cho biết:  “Từ năm 2017-2019 xã mở rộng diện tích đất trồng chè Shan tại 9/9 bản với diện tích 105ha. Điều đáng mừng, dưới bàn tay chăm sóc của người nông dân, diện tích chè sinh trưởng, phát triển tốt. Đến nay, 20/105ha đã cho thu hoạch, nâng tổng diện tích chè toàn xã lên 138,5ha, sản lượng đầu ra ổn định do các thương lái, công ty đặt mua với giá giao động từ 6.000-15.000 đồng/kg chè búp tươi. Với cây Mắc ca được trồng theo 2 hình thức: xen chè (20ha) ở 3 bản Hồng Thu Mán, Hồng Thu Mông, Lùng Cù Seo Pả; trồng thuần (30ha) ở bản Chiêu Sải Phìn, 3ha đã cho thu hoạch. Tại bản Tô Y Phìn có khí hậu mát mẻ, bản Cung Mù Phìn gần trục đường quốc lộ, xã khuyến khích người dân trồng địa lan dưới tán rừng và trồng gừng bán cho khách hàng gần xa. Giờ đây, các cây trồng này đang trở thành nguồn thu chính, có giá trị kinh tế cao của nhiều gia đình”.
Giống như xã Lản Nhì Thàng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý cũng là hướng đi mang đến nguồn thu cho Nhân dân xã Dào San. Có thể kể đến việc xã đưa các giống lúa mới ngắn ngày, có năng suất, chất lượng, khả năng kháng sâu bệnh vào gieo cấy, khắc phục được tình trạng thiếu nước sản xuất, hạn chế sâu bệnh gây hại. Chỉ tính riêng trong năm 2019, từ diện tích lúa mùa 393ha đã mang lại năng suất 47,2 tạ/ha, sản lượng đạt 1.855 tấn (tăng 14 tấn so với năm 2018). Hay việc chuyển đổi diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng lê, chuối, đưa tổng diện tích cây ăn quả toàn xã lên 250,7ha, năng suất đạt 10,7 tấn/ha, sản lượng 2.521,99 tấn.
Mang trong mình đặc điểm của huyện cùng cao biên giới, địa hình phân hóa thành 2 vùng thấp, cao rõ rệt, huyện Phong Thổ từ lâu đã xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng là “Chìa khóa” xóa đói giảm nghèo. Nhất là trong giai đoạn 2015-2020, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ngày càng được huyện đẩy mạnh trên cơ sở khai thác các tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương. Trọng tâm là mở rộng diện tích lúa nước; chuyển đổi diện tích đất trồng ngô, lúa nương, vườn tạp sang trồng chuối, soài, đào, lê, mận; phát triển thêm chè; trồng mới mía, mắc ca, sa nhân, nghệ. 
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban, UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách phát triển nông nghiệp đến người dân. Đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật thông qua các mô hình điểm theo hình thức “Cầm tay chỉ việc” và khuyến khích bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, huyện chỉ đạo các địa phương sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thu hút và mời gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trong và ngoài tỉnh đến liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Nhờ đó, cơ cấu cây trồng chuyển đổi theo hướng tích cực. Hiện nay, toàn huyện Phong Thổ có 3.887,1ha chuối (tăng 2.532,1ha so với năm 2015), năng suất bình quân trên 14,2 tấn/ha; 269ha chè, sản lượng búp tươi bình quân đạt trên 70 tấn/năm. Ngoài ra, huyện còn có 1.737,88ha dược liệu, 1.384,72ha cao su, 80.497 chậu địa lan, 182ha mắc ca, 155ha lê, 35ha mận, 65ha đào, 20ha mía, 70ha soài và 66,31ha sơn tra.
Đồng chí Vương Thế Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ khẳng định: “Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện mang lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng sản xuất lớn tập trung như: cây ăn quả nhiệt đới (chuối, xoài) ở Huổi Luông, Ma Ly Pho, Bản Lang, Mường So, Khổng Lào; cây ăn quả ôn đới (đào, lê, mận) ở Mù Sang, Dào San, Sin Suối Hồ; chè và địa lan ở Sin Suối Hồ, Lản Nhì Thàng; cây dược liệu ở Sì Lở Lầu, Mồ Sì San, Tung Qua Lìn, Dào San. Trong huyện bước đầu hình thành liên kết doanh nghiệp, HTX với hộ dân để sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Năng suất, chất lượng, uy tín sản phẩm ngày càng được nâng cao”.
Nhiều sản phẩm nông sản (chuối, sắn, ngô, thảo quả, nghệ) được người tiêu dùng ưa chuộng, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Giá trị suất khẩu hàng địa phương ở mức cao. Năm 2020 ước đạt trên 20,1 triệu USD (tăng 10 lần so với năm 2015). Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của huyện lên mức 28 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 4,3%/năm, đến năm 2020 còn trên 20%. Đời sống Nhân dân được cải thiện, nâng cao.
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới huyện Phong Thổ tiếp tục quy hoạch vùng sản xuất tập trung thông qua việc phát triển cây chè theo Đề án của tỉnh; đưa cây lúa tẻ râu lên các xã vùng cao. Huyện phát triển vùng dược liệu gắn du lịch; vùng chuối từ 3.500-4.000ha; soài, nhãn 500-700ha; vùng chè chất lượng cao 500-600ha (riêng chè cổ thụ khoảng 10.000 cây). Tập trung trồng cây gỗ lớn (lát, giổi, tếch) tạo giá trị “kép” phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu xây dựng huyện Phong Thổ từng bước phát triển bền vững.
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT tỉnh mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.342
Hôm qua : 2.384