Chủ nhật, 19/05/2024 - 20:27
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thôn Đoàn Kết bảo tồn văn hóa dân tộc Thái gắn với phát triển du lịch cộng đồng

Thực hiện Nghị quyết số 71/NQ-HĐND ngày 18/3/2022 của Hội đồng nhân dân huyện Phong Thổ ban hành thông qua Đề án “Phát triển du lịch huyện Phong Thổ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh’’. Trong những năm qua, phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc đang là hướng đi được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu lựa chọn. Thời gian qua Thôn Đoàn Kết đã tích cực bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Thái gắn với phát triển du lịch, giờ đây bộ mặt của thôn ngày một thay da đổi thịt và đang dần là một trong những điểm đến được du khách trong và ngoài tỉnh biết đến.

Thôn Đoàn Kết hiện có 228 hộ dân với 951 người, 90% là người dân tộc Thái, còn lại là dân tộc khác. Trong những năm qua để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn thị trấn, Đảng ủy, HĐND, UBND thị trấn đã ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện. Qua đó đã huy động cả hệ thống chính trị và người dân vào cuộc, như khơi dậy gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc thái trên địa bàn. Đặc biệt thành lập câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân gian dân tộc thái tại thôn đoàn kết, đây là mô hình được Huyện ủy phong thổ chọn làm điểm trong việc thực hiện Kết luận số 01 của Bộ chính trị trong việc tiếp tục thực hiện chỉ thị số 05 về đẩy mạnh học tập làm  theo tư tưởng đạo đức phong cách HCM giai đoạn 2021 – 2025. Trên cơ sở đó thị trấn đã tập trung việc phát triển gìn giữ bản sắc văn hóa gắn với xây dựng bản du lịch cộng đồng tại thôn Đoàn kết.  Trong đó tập trung thành lập Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân gian Dân tộc Thái thôn Đoàn Kết thị trấn Phong Thổ, câu lạc bộ tập trung vào 5  nội dung như: duy trì dệt vải thổ cẩm, truyền dậy các làn điệu dân ca, đạo cụ cho thế hệ trẻ, mở các lớp học chữ viết, xây dựng nhà trưng bày truyền thống dân tộc thái; khuyến khích các hộ gia đình, nhóm hộ thành lập các điểm du check in, homestay nhằm bảo tồn văn  hóa vật thể của những ngôi nhà sàn thái.

Đ/C Trần Bảo Trung – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ trao đổi với CLB về việc bảo tồn Văn hóa dân gian dân tộc Thái gắn với phát triển du lịch cộng đồng

 

Nếu như người Mông, người Hà Nhì trồng lanh thì người Thái trắng trồng bông để dệt vải. Hầu hết các loại vải và quần áo của người Thái đều được dệt từ sợi bông, trước đây những cô gái Thái ai cũng phải biết quay sợi, dệt vải và phải tự may những đồ để dùng trong cuộc sống hàng ngày và làm của hồi môn mang về nhà chồng. Toàn bộ quá trình để làm ra được tấm vải truyền thống đều được làm thủ công với những công cụ thô sơ nên đòi hỏi sự tỉ mẩn và nhẫn lại của những người làm ra nó. Tuy nhiên, những năm gần đây, do nền kinh tế phát triển, các mặt hàng may sẵn nhiều nên người Thái không còn thường xuyên mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình mà chỉ diện trong các dịp lễ, tết, cưới hỏi. Do vậy, để nghề dệt không bị mai một theo thời gian, thành viên câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân gian dân tộc Thái thôn Đoàn Kết, thị trấn Phong Thổ đã và đang từng bước khôi phục lại nghề truyền thống này với mục tiêu thu hút khách du lịch, tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Bà Điêu Thị Ngải - Chủ nhiệm CLB bảo tồn văn hóa dân gian dân tộc Thái thôn Đoàn Kết, thị trấn Phong Thổ cho biết: Câu Lạc bộ bảo tồn văn hóa dân gian dân tộc thái thôn Đoàn Kết, Thị trấn Phong Thổ được thành lập vào tháng 4 năm 2021, đến nay đã có 54 thành viên ở hầu hết các lứa tuổi. Câu lạc bộ là nơi duy trì, bảo tồn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Thái, giáo dục cho các thế hệ trẻ biết yêu quý và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, không bị mai một theo thời gian. Và điều quan trọng nhất đó là thông qua CLB, lớp trẻ cũng như nhân dân trong khu vực sẽ được đắm mình vào những bài dân ca, điệu múa, được thưởng thức những món ăn mang đậm đà bản sắc riêng của người Thái.

Thành viên CLB truyền dậy nghề dệt thổ cẩm

 

Qúa trình xử lý vải thổ cẩm

 

Với bản sắc văn hóa đa dạng phong phú thị trấn đã lựa chọn xây dựng thôn Đoàn Kết trở thành địa điểm phát triển du lịch cộng đồng. Khai thác lợi thế những nét văn hóa phong phú, đặc sắc từ lâu đời, như: Không gian kiến trúc nhà sàn, trang phục, nghề thủ công hay những món ăn truyền thống... thị trấn cùng với thôn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân giữ nguyên cảnh quan, kiến trúc, trang phục truyền thống, tạo không gian văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc nhằm phát triển du lịch cộng đồng. Không riêng về cơ sở vật chất mà đến những món ăn ở đây cũng khá dân dã, nhưng đậm đà hương vị của đồng bào dân tộc Thái.

Đội văn nghệ thôn Đoàn Kết tham gia biểu diễn tại Lễ hội Đua Thuyền huyện Phong Thổ

 

Để du khách được trải nghiệm trong không gian văn hóa ngôi nhà sàn của người Thái, các gia đình mở dịch vụ cho khách nghỉ ngơi tại nhà cũng sử dụng các đồ dùng có chất liệu thổ cẩm - nét đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái, như mô hình Nhà hàng Homestay Nậm Na….. Trong bối cảnh chung của sự phát triển, xuất hiện một số mâu thuẫn giữa bảo tồn văn hóa truyền thống với yêu cầu về phát triển toàn diện theo xu hướng hiện đại. Nhiều phong tục tập quán đã bị mai một, nhưng với sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền thị trấn những nét đẹp văn hóa dân tộc vẫn được gìn giữ và phát huy. Việc khai thác những giá trị văn hóa đa dạng và phong phú của các dân tộc gắn với phát huy nét đẹp trong dân ca, dân vũ, dân nhạc, các lễ hội, nghề truyền thống, ẩm thực, phong tục tập quán… dần hình thành những sản phẩm du lịch cộng đồng độc đáo, hấp dẫn. Tạo chuỗi nghỉ dưỡng khu vực suối nước nóng Vàng Bó với diện tích quy hoạch là 6.0719ha kết nối với du lịch tại bản văn hóa cộng đồng thôn Đoàn Kết và các điểm du lịch khác trên địa bàn của huyện Phong Thổ. Là nơi để quảng bá các sản phẩm du lịch của địa phương (bao gồm tiêu thụ các sản phẩm về ẩm thực, các món ăn đậm đà bản sắc dân tộc thái và các sản phẩm văn hóa phi vật thể như các sản phẩm mây, tre, thổ cẩm, đàn tính tẩu, …., tạo công ăn, việc làm và thu nhập cho người dân địa phương từng bước giảm nghèo nhanh và bền vững).

Không gian trưng bày giá trị văn hóa vật thể của đồng bào Thái trắng thôn Đoàn Kết

 

Có thể nói với những kết quả bước đầu trong thực hiện các Nghị quyết của huyện phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với du lịch cộng đồng trên địa bàn thị trấn Phong Thổ sẽ là tiền đề quan trọng để thị trấn tiếp tục có những bước đi vững chắc, phát huy tiềm năng sẵn có, tạo sản phẩn du lịch đặc trưng của địa phương, thu hút khách du lịch. Trong thời gian tới, UBND thi trấn Phong Thổ sẽ tập trung phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, môi trường du lịch. Đồng thời, phối hợp tuyên truyền cùng người dân phát huy giá trị văn hóa vùng miền xây dựng  hình ảnh du lịch thân thiện, hài lòng, mang lại tâm lý thoải mái cho du khách. Góp phần vào việc Thực hiện thành công Nghị quyết số 71/NQ-HĐND ngày 18/3/2022 của Hội đồng nhân dân huyện Phong Thổ về thực hiện Đề án “Phát triển du lịch huyện Phong Thổ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.


Tác giả: Nguyễn Tuyển – UBND thị Trấn Phong Thổ
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT tỉnh mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 833
Hôm qua : 1.075