A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tuyên truyền PCCCR mùa khô 2023 - 2024

Rừng là lá phổi xanh của trái đất, có tác dụng điều hoà khí hậu và có vai trò rất to lớn đối với đời sống của con người; rừng cung cấp gỗ và lâm sản ngoài gỗ như cây thuốc để chữa bệnh ... rừng có tác dụng phòng hộ bảo vệ nguồn nước, cung cấp nước sinh hoạt hàng ngày cho đời sống con người, nước phục vụ cho sản xuất và chăn nuôi. Bảo vệ rừng sẽ hạn chế được thiên tai lũ lụt, chống sói mòn sạt lở đất, bảo vệ an ninh biên giới.

Các lực lượng tham gia làm đường băng cản lửa trong chữa cháy rừng ở Phong Thổ

 

Cháy rừng, phá rừng sẽ làm mất đi toàn bộ nguồn tài nguyên rừng như gỗ, động vật rừng, cây thuốc, cây dược liệu để chữa bệnh bị giảm dần và có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên và làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống dân sinh, kinh tế của đồng bào các dân tộc sống ven rừng và gần rừng. Cháy rừng, phá rừng đầu nguồn sẽ làm cạn kiệt nguồn nước dẫn đến thiếu nước sinh hoạt và nước sản xuất của người dân và thường xuyên xảy ra hạn hán, lũ lụt và sạt lở đất đá ….Cháy rừng cũng phải huy động người và phương tiện đi chữa cháy vì thế sẽ rất tốn công, tốn tiền chi phí cho việc chữa cháy và trồng lại rừng ...

Trong những năm gần đây thời tiết khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, hiện tượng Elnino xuất hiện. Mùa khô năm 2023 – 2024 trên địa bàn tỉnh Lai Châu nói chung đã xảy ra rất nhiều vụ cháy làm thiệt hại lớn diện tích rừng với quy mô đám cháy lớn, có những vụ cháy làm thiệt hại hàng trăm ha rừng. Trên địa bàn huyện Phong Thổ nói riêng, số vụ cháy rừng và phá rừng có chiều hướng gia tăng do thời tiết khí hậu ngày càng khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài làm cho thực bì trên đất lâm nghiệp bị khô kiệt, ý thức chấp hành các quy định về Bảo vệ rừng và PCCCR của một bộ phận người dân trên địa bàn còn hạn chế. Vì vậy, tất cả mọi người dân đều phải có trách nhiệm bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. nếu ai mà phát hiện có xảy ra cháy rừng hoặc phát hiện bất kì ai có hành vi xâm hại  đến rừng như khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ và động vật rừng như ( Rắn, chim thú, phong lan ....) trái phép hoặc gây cháy rừng phải báo ngay cho trưởng bản, tổ bảo vệ rừng của bản, Kiểm lâm địa bàn  và UBND xã để xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật lâm nghiệp quy định các biện pháp kỹ thuật an toàn khi đốt dọn thực bì trên nương như sau:

- Thực bì (cỏ, cây, lau lách ...) sau khi phát xong phải được gom lại thành từng đống hoặc từng dải, tuỳ độ dốc mà phân bố khoảng cách giữa các đống, các dải cho phù hợp nhưng khoảng cách trung bình giữa các đống, các dải cách nhau từ 3m đến 5m; phải dọn sạch thực bì cỏ lau lách xung quanh đám nương tạo thành một đường băng trắng có chiều rộng từ 8 mét đến 10 mét.

- Khi đi đốt nương phải báo cho trưởng bản và tổ bảo vệ rừng của bản biết để phân công người trực cháy.

- Khi đốt phải bố trí từ 3 đến 5 người canh gác lửa xung quanh đám nương và phải mang theo dụng cụ dập lửa như dao phát, cành cây tươi

- Đốt lúc trời râm mát, lúc trời lặng gió, đốt từ trên đốt xuống.

- Thời gian đốt nương là vào buổi sáng từ 6 giờ đến 9 giờ, không đốt nương vào buổi chiều.

- Sau khi đốt xong phải đi kiểm tra lại toàn bộ đám nương khi thấy lửa tắt hẳn mới về.

- Nếu trường hợp đốt nương mà để xảy ra cháy lan vào rừng thì phải báo ngay cho Trưởng bản và tổ Bảo vệ rừng của thôn, bản để huy động người chữa cháy kịp thời.

Theo Nghị đình số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp thì Hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy rừng gây cháy rừng, bị xử phạt như sau:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các trường hợp sau:

a) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh chưa có trữ lượng thuộc các loại rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng có diện tích dưới 500 m2;

b) Rừng sản xuất có diện tích dưới 400 m2;

c) Rừng phòng hộ có diện tích dưới 200 m2;

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các trường hợp sau:

a) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh chưa có trữ lượng thuộc các loại rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng từ 500 m2 đến dưới 1.500 m2;

b) Rừng sản xuất có diện tích từ 400 m2 đến dưới 600 m2;

c) Rừng phòng hộ có diện tích từ 200 m2 đến dưới 400 m2;

3. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các trường hợp sau:

a) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh chưa có trữ lượng thuộc các loại rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng có diện tích từ 25.000 m2 đến dưới 30.000 m2;

b) Rừng sản xuất có diện tích từ 3.500 m2 đến dưới 5.000 m2;

c) Rừng phòng hộ có diện tích từ 2.500 m2 đến dưới 3.000 m2;

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; buộc trồng lại rừng hoặc thanh toán chi phí trồng lại rừng đến khi thành rừng theo suất đầu tư được áp dụng ở địa phương tại thời điểm vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 và khoản 8 Điều này.

5. Hành vi cố ý gây cháy rừng, đốt rừng với bất kỳ mục đích gì thì xử phạt theo quy định tại Điều 20 của Nghị định này.

Vì sự phát triển bền vững của môi trường sống, Nhân dân huyện Phong Thổ hãy tích cực tìm hiểu và thực hiện tốt Luật lâm nghiệp năm 2017; nghiêm túc thực hiện các quy định trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; tích cực trồng cây, gây rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.


Tác giả: Trịnh Toản
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT tỉnh mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.016
Hôm qua : 2.387