A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bài học về thời cơ của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự vận dụng trong điều kiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, làm giàu thêm truyền thống cách mạng Việt Nam nói riêng và góp phần bổ sung lý thuyết về cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin nói chung. Trong đó, vấn đề thời cơ cách mạng là một trong những nội dung có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu và phát triển sáng tạo trên nền tảng học thuyết cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tiễn Việt Nam. Bài học đó vẫn giữ nguyên giá trị trong việc nắm bắt và tận dụng những thời cơ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.

Quá trình nhận thức của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Ngay từ khi ra đời, trên cơ sở vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về khởi nghĩa vũ trang, về chiến tranh đế quốc và chiến tranh giải phóng dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã bước đầu xác định: Chiến tranh đế quốc sẽ tạo thời cơ cho cách mạng giải phóng dân tộc. Năm 1930, trong cuốn “Ngày quốc tế đỏ”, Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ: “Trong xã hội tư bổn, sự chiến tranh là không thể tránh khỏi […]. Trong cái thời kỳ chiến tranh đế quốc và cách mạng toàn thế giới này, sự chiến tranh của vô sản chống tư bổn không thể tránh khỏi; sự chiến tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức cũng không thể tránh khỏi […]. Khi các nước đế quốc đánh nhau […] các dân tộc bị áp bức ở thuộc địa phải nổi lên, đổi sự chiến tranh đế quốc ra làm sự chiến tranh giải phóng chống đế quốc chủ nghĩa”(1). Đây là sự phát triển từ khẩu hiệu “biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng” của V.I. Lê-nin trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất giữa các nước đế quốc, vào hoàn cảnh thực tiễn ở các thuộc địa, trong đó có Việt Nam. Ngày 1-11-1930, trong “Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm Ngày Cách mạng Tháng Mười ở Liên Xô”, Đảng ta khẳng định: “Nếu chủ nghĩa đế quốc tuyên bố chiến tranh, phải đứng lên làm cách mạng, phải biến chiến tranh đế quốc thành chiến tranh giải phóng”(2).

Vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về khởi nghĩa vũ trang và tình thế cách mạng, trong tác phẩm Con đường giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên ba điều kiện của thời cơ khởi nghĩa: Một là, chính quyền thực dân đế quốc đã lung lay bối rối đến cao độ, chúng đã cảm thấy không thể nào ngồi yên giữ địa vị của chúng như trước. Hai là, quần chúng nhân dân đói khổ đã căm thù thực dân đế quốc đến cực điểm, đã thấy cần phải đồng tâm hiệp lực, nổi dậy lật đổ ách thống trị của đế quốc thực dân, vì mọi người hiểu rằng nếu ngồi yên cũng chết. Ba là, đã có một chính đảng cách mạng đủ sức tổ chức lãnh đạo quần chúng nhân dân nổi dậy khởi nghĩa theo một đường lối đúng đắn, một kế hoạch phù hợp, bảo đảm giành thắng lợi cho cuộc tổng khởi nghĩa(3).

Trước tình hình cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai ngày càng lan rộng và trở nên khốc liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về nước, triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (tháng 5-1941). Trung ương Đảng nhận định và dự đoán: “Nếu cuộc đế quốc chiến tranh lần trước đã đẻ ra Liên xô, một nước xã hội chủ nghĩa thì cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, sẽ do đó mà cách mạng nhiều nước thành công”(4). Đây là một bước cụ thể hóa thêm những dự đoán của Đảng ta về thời cơ của cách mạng Việt Nam.

Sau khi phát xít Nhật đảo chính hất cẳng thực dân Pháp độc chiếm Đông Dương, trong Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (ngày 12-3-1945), Trung ương Đảng đã nhận định sáng suốt rằng, bây giờ tình hình đã có nhiều thuận lợi mới, nhưng “điều kiện khởi nghĩa… hiện nay chưa thực chín muồi”. Đồng thời, Trung ương Đảng cũng dự kiến những hoàn cảnh thuận lợi để thực hiện tổng khởi nghĩa, như khi quân Đồng minh kéo vào Đông Dương đánh Nhật đã bám chắc, tiến sâu trên đất ta và quân Nhật kéo ra mặt trận ngăn cản quân Đồng minh, để phía sau lưng sơ hở thì đó là lúc phát động khởi nghĩa vô cùng thuận lợi. Hoặc cũng có thể là lúc “nếu cách mạng Nhật bùng nổ, và chính quyền cách mạng của nhân dân Nhật thành lập hay nếu giặc Nhật mất nước như Pháp năm 1940, và quân đội viễn chinh của Nhật mất tinh thần, thì khi ấy dù quân Đông minh chưa đổ bộ, cuộc tổng khởi nghĩa của ta vẫn có thể bùng nổ và thắng lợi”(5).

Như vậy về cơ bản, cho đến trước Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, nhận thức của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh về thời cơ cách mạng, thời cơ của tổng khởi nghĩa giành lại độc lập dân tộc đã được định hình và thể hiện rất cụ thể trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng. Nhưng vấn đề mấu chốt ở đây là, để có thể nhận thức đầy đủ những điều kiện, những thời cơ của cách mạng ấy, Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã phải trải qua một quá trình đấu tranh thực tiễn đầy gian khổ và tổng kết lý luận không ngừng, với sự hy sinh của biết bao chiến sĩ, đồng bào, trên cơ sở sự vận dụng, phát triển sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và truyền thống đấu tranh của dân tộc, từ đó mà xây dựng nên lý luận cách mạng Việt Nam. Đó là điều kiện quan trọng nhất để những nhận thức về thời cơ và những dự đoán về thời cơ cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn luôn phù hợp với thực tiễn, với xu thế phát triển của hiện thực khách quan.

Những ngày Tháng Tám sôi sục ở Thủ đô Hà Nội_Ảnh: TTXVN

Những ngày Tháng Tám sôi sục ở Thủ đô Hà Nội_Ảnh: TTXVN

Kiên quyết chớp thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Chớp đúng thời cơ khởi nghĩa là một vấn đề có ý nghĩa quyết định tới thắng lợi của mọi cuộc cách mạng. Nhận thức rõ tính chất quyết định, ý nghĩa chiến lược của thời cơ khởi nghĩa, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hành động kịp thời và kiên quyết trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Thời cơ của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chỉ xuất hiện khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh không điều kiện, hàng ngũ chỉ huy của Nhật ở Đông Dương chia rẽ đến cực điểm, quân lính Nhật tan rã, mất tinh thần, bọn Việt gian thân Nhật hoảng sợ. Đồng thời, thời cơ cách mạng xuất hiện cũng là lúc mọi chuẩn bị của Đảng ta về lực lượng, đường lối, phương châm tác chiến đã hoàn thiện, khi mà cao trào cứu nước của toàn dân đã dâng lên tới đỉnh cao nhất. Các cuộc khởi nghĩa từng phần đã nổ ra và thắng lợi ở nhiều vùng. Khu giải phóng và căn cứ địa được lập ra trong cả nước, quân đội cách mạng đã được thành lập, chiến tranh du kích phát triển và lan rộng; “đội quân chính trị” của quần chúng nhân dân bao gồm hàng chục triệu người được tập hợp trong Mặt trận Việt Minh đã sẵn sàng chiến đấu.

Nhưng thời cơ này không tồn tại vĩnh viễn, mà sẽ biến mất khi quân Đồng minh tiến vào nước ta để tước vũ khí của phát xít Nhật. Với bản chất thực dân đế quốc phản cách mạng, quân Đồng minh chắc chắn sẽ cấu kết với lực lượng phản cách mạng mà đàn áp lực lượng cách mạng trong cả nước, dựng ra một chính quyền tay sai bù nhìn trái với ý chí và nguyện vọng của dân tộc ta. Thực tế diễn ra ở Phi-líp-pin khi quân Mỹ đổ bộ đã chứng minh cho nhận định này. Hơn thế nữa, đế quốc Pháp dưới sự ủng hộ của Chính phủ Anh cũng đang lăm le khôi phục lại địa vị cũ ở Đông Dương. Bọn phản động ở trong nước cũng đang tìm cách “thay thầy đổi chủ”, mong tìm cơ hội cho bản thân. Thời cơ cách mạng chỉ tồn tại từ khi phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh đến trước khi quân Đồng minh vào Việt Nam. Đó là lúc kẻ thù cũ đã đứng im, nhưng kẻ thù mới chưa kịp đến, tạo thành tình thế so sánh lực lượng có lợi nhất cho cách mạng: “Phát xít Nhật đã chết gục theo phát xít Đức, Ý. Quân đội Nhật đang bị tan rã và bị tước khí giới ở khắp các mặt trận. Quân Đồng minh sắp kéo vào Đông Dương. Giờ hành động quyết liệt đã đến”(6).

Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào quyết định phát động toàn dân nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Kiên quyết chớp thời cơ, Hội nghị chỉ rõ: “Tình thế vô cùng khẩn cấp. Tất cả mọi việc đều phải nhằm vào ba nguyên tắc: a) Tập trung - tập trung lực lượng vào những việc chính. b) Thống nhất - thống nhất về mọi phương diện quân sự, chính trị, hành động và chỉ huy. c) Kịp thời - kịp thời hành động, không bỏ lỡ cơ hội”(7).

Ngày 16-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta… Chúng ta không thể chậm trễ”(8).

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả dân tộc Việt Nam nhất tề nổi dậy với tinh thần: Dù hy sinh tới đâu, dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng kiên quyết giành cho được độc lập. Cách mạng Việt Nam nhanh chóng chuyển từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa. Nhờ có sự chuẩn bị lực lượng chu đáo, lại nổ ra đúng lúc, đúng thời cơ, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã giành được thắng lợi “nhanh, gọn, ít đổ máu”. Đó là một điển hình thành công về nghệ thuật tạo thời cơ, dự đoán thời cơ, nhận định chính xác thời cơ; đồng thời, kiên quyết chớp thời cơ, phát động toàn dân nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Vận dụng sáng tạo bài học chớp thời cơ của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trong điều kiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay

Bài học mẫu mực về tận dụng thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã không ngừng được phát huy, phát triển trong các thời kỳ chiến đấu và chiến thắng vẻ vang của toàn quân, toàn dân ta, lập nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 mang tầm cao thời đại… Trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, nhiều cơ hội được mở ra, không bỏ qua, nhưng cũng không chờ đợi bất cứ ai, bất cứ dân tộc nào, quốc gia nào. Quá trình toàn cầu hóa đang tạo ra những điều kiện chưa từng có cho các quốc gia xích lại gần nhau, tăng cường hội nhập, hợp tác, phát huy lợi thế cạnh tranh; xu hướng dân chủ hóa đời sống xã hội, đời sống quốc tế đang tạo hành lang rộng mở cho các chủ thể, các quốc gia khẳng định vai trò, vị trí của mình.

Bài học chớp thời cơ của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn nguyên giá trị trong điều kiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại cơ hội phát triển cho nhiều lĩnh vực, như kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục,… Về kinh tế, thị trường thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng đến 16%, đạt mốc 14 tỷ USD trong năm 2021. Dự báo đến năm 2025, quy mô thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt 52 tỷ USD, trở thành nền kinh tế có thị trường thương mại điện tử đứng thứ 3 khu vực ASEAN(9). Nhờ kết nối mạng internet, thương mại điện tử giúp người tiêu dùng có thể mua hàng hóa, dịch vụ ở khắp mọi nơi mà không phụ thuộc vào không gian, thời gian; nguồn hàng hóa đa dạng, phong phú, mang lại cho người mua nhiều sự lựa chọn; chất lượng sản phẩm được nâng cao, trong khi giá thành giảm nhờ việc áp dụng công nghệ cao (công nghệ nano, in 3D, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo,…). Nền tảng của công nghệ 4.0 cũng tạo cơ hội cho ngành du lịch, dịch vụ phát triển, cùng sự gia tăng của nền kinh tế trải nghiệm,… nhờ áp dụng công nghệ thực tế ảo, cá nhân hóa siêu dữ liệu…

Về văn hóa - xã hội, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo sự liên kết, hỗ trợ rất lớn cho sự phát triển thông tin số, góp phần gìn giữ và bảo lưu, quảng bá các giá trị văn hóa của dân tộc. Ngành công nghiệp văn hóa phát triển, vừa mang lại giá trị tinh thần, giá trị truyền thống, góp phần giáo dục đạo đức nhân văn, vừa tạo nên các giá trị kinh tế đóng góp cho GDP của đất nước(10).

Ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao_Ảnh: TTXVN

Ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao_Ảnh: TTXVN

Để có thể nắm bắt được những thời cơ và cơ hội mà Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại cho Việt Nam, đội ngũ trí thức cần phát huy vai trò tiên phong, từ việc nghiên cứu đến ứng dụng, chuyển giao công nghệ, góp phần tạo nên thành công trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Cần coi trọng và tận dụng những thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đổi mới phương pháp dạy học, nội dung giảng dạy… nhằm xây dựng được đội ngũ nhân lực của Việt Nam có trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng nâng cao, tiến tới chuẩn quốc tế.

Thời gian gần đây, đại dịch COVID-19 đã và đang gây ảnh hưởng to lớn tới sự phát triển của đất nước và đời sống của nhân dân. Nhờ áp dụng những sản phẩm của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, như tự động hóa để tránh tiếp xúc gần giữa mọi người, in 3D để sản xuất nhanh các thiết bị y tế, tư vấn hỗ trợ chữa bệnh từ xa, phần mềm truy vết Bluezone, Ncovid, Code QR…, nên chúng ta đã từng bước khống chế được dịch bệnh, chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, “biến nguy thành cơ”, đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Mỗi thành tựu của Việt Nam trong công cuộc đổi mới đều có sự kế thừa và phát triển những bài học kinh nghiệm quý báu được đúc kết qua các thời kỳ cách mạng, trong đó, bài học kinh nghiệm về tạo dựng, nắm bắt và chớp thời cơ của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 luôn luôn có giá trị lâu bền và ý nghĩa thời đại, cần được thấm nhuần và vận dụng sáng tạo trong giai đoạn phát triển mới./.


Nguồn:https://baolaichau.vn/ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B/b%C3%A0i-h%E1%BB%8Dc-v%E1%BB%81-th%E1%BB%9Di-c%C6%A1-c%E1%BB%A7a-c%C3%A1ch-m%E1%BA%A1ng-th%C3%A1ng-t%C3%A1m-n%C4%83m-1945-v%C3%A0-s%E1%BB%B1-v%E1%BA%ADn-d%E1%BB%A5ng-trong-%C4%91i%E1%BB%81u-ki%E1%BB%87n-c%C3%A1ch-m%E1%BA%A1ng-c%C3%B4ng-nghi%E1%BB%87p-l%E1%BA%A7n-th%E1%BB%A9-t%C6%B0-hi%E1%BB%87n-nay Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT tỉnh mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 501
Hôm qua : 1.901