A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cải thiện cuộc sống nhờ xuất khẩu lao động

Quan tâm, chú trọng công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ), vài năm trở lại đây, xã Mồ Sì San (huyện Phong Thổ) đã có bước tiến mới trong việc phát triển kinh tế, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Diện tích tự nhiên không nhiều (2.227,43ha), địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt là những trở ngại và thách thức rất lớn đối với cấp ủy, chính quyền địa phương và Nhân dân xã Mồ Sì San trong việc phát triển kinh tế. Bài toán “trồng cây gì, nuôi con gì và làm sao để nâng cao thu nhập cho người dân” luôn là nỗi trăn trở của mỗi cán bộ xã.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và các chương trình, dự án về phát triển kinh tế, từ năm 2020 đến nay, song song với việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích các loại cây mới, có giá trị kinh tế cao như: sâm Lai Châu, thất diệp nhất chi hoa, chè cổ thụ… thì xã còn khuyến khích Nhân dân tham gia XKLĐ.

Gia đình chị Phùng Tả Mẩy dần cải thiện cuộc sống nhờ chồng đi xuất khẩu lao động.

Gia đình chị Phùng Tả Mẩy dần cải thiện cuộc sống nhờ chồng đi xuất khẩu lao động.

Đồng chí Tẩn Chin Lùng - Chủ tịch UBND xã Mồ Sì San cho biết: “Lý do chính để chúng tôi lựa chọn XKLĐ là hướng đi nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình bởi diện tích đất sản xuất trong xã ít, trước đây tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống bà con còn gặp nhiều khó khăn. Nguồn vốn để đầu tư làm kinh tế với các hộ gia đình cũng cực kỳ khiêm tốn. Trong khi đó, XKLĐ đúng hướng chỉ cần vài năm đi làm ăn là bà con có thể có chút vốn quay trở về làm nhà cửa hoặc phát triển kinh tế”.

Nghĩ là làm, cán bộ xã phối hợp với các bên liên quan tuyên truyền về thị trường lao động tiềm năng, các công việc phù hợp với người dân… trong các cuộc họp bản. Cùng Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hoàn thiện hồ sơ, tạo mọi điều kiện để người lao động vay vốn XKLĐ nhanh gọn. Sau khi lao động đi xuất khẩu, cán bộ xã thường xuyên giữ liên lạc với người dân để nắm bắt tình hình việc làm, đời sống. Nhờ đó, việc XKLĐ trên địa bàn xã đang đi đúng hướng và mang lại hiệu quả tích cực.

Từ năm 2020 đến nay, toàn xã đã có 121 người dân đi XKLĐ ở các thị trường: Đài Loan, Nhật Bản, Singapo… Trong đó, phần lớn lao động làm việc tại Đài Loan làm các công việc: xây dựng và hàn xì, mức lương trung bình mỗi lao động nhận được khoảng trên 20 triệu đồng/tháng. Hiện, còn 15 người đã đăng ký XKLĐ và đang chờ hoàn thiện thủ tục XKLĐ trong thời gian tới.

Gia đình bà Lý Xa Mẩy ở bản Mồ Sì San là một trong số những hộ khó khăn bởi đất sản xuất rất ít và ¾ thành viên trong gia đình là người cao tuổi, không có khả năng lao động. Cả gia đình chỉ dựa vào con trai bà là anh Tẩn Láo Sử. Mong muốn có điều kiện kinh tế, phụng dưỡng mẹ và ông, bà, tháng 4/2021 anh xin đi XKLĐ tại Đài Loan làm công việc xây dựng, mức lương trên 20 triệu đồng/tháng.

Cán bộ xã Mồ Sì San thường xuyên gặp gỡ những người thân của lao động đi xuất khẩu để nắm bắt tình hình người lao động tại nước ngoài.

Cán bộ xã Mồ Sì San nắm bắt tình hình người lao động tại nước ngoài thông qua người thân của họ.

Kể về người con trai của mình, bà Lý Xa Mẩy vui mừng nói: “Từ ngày con trai tôi đi làm ăn xa rất hay gọi điện về hỏi thăm sức khỏe ông, bà và mẹ. Hàng tháng còn chuyển tiền về để tôi trả nợ ngân hàng. Đến nay, gia đình tôi đã trả được 80/130 triệu đồng. Ngoài ra, còn tiết kiệm được vài chục triệu gửi ngân hàng. Cuộc sống của chúng tôi được cải thiện hơn rất nhiều. Nếu công việc cứ thuận lợi như thế này tôi tin kinh tế gia đình sẽ ngày càng khá hơn”.

Với gia đình chị Phùng Tả Mẩy cùng ở bản Mồ Sì San thì việc chồng chị là anh Tẩn Chin Quang đi XKLĐ cũng giúp gia đình rất nhiều. Mỗi tháng từ số tiền 21 triệu đồng anh gửi về, chị trả bớt nợ ngân hàng. Ngoài ra, chị còn tiết kiệm được 60 triệu đồng gửi ngân hàng lấy vốn làm kinh tế khi anh trở về.

XKLĐ đúng hướng, người dân xã Mồ Sì San đang nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Nếu như năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của xã là 18 triệu đồng/năm thì đến nay đã tăng lên 21,5 triệu đồng/năm. Những ngôi nhà tạm, chưa được kiên cố ngày xưa nay đã được thay thế bằng những ngôi nhà xây kiên cố. Một số hộ còn xây nhà 2 tầng diện tích sử dụng trên 100m2, trị giá 500-600 triệu đồng/nhà, điều mà trước đây trong xã chưa từng có.

Có thể khẳng định, XKLĐ đang góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo xã vùng biên, đẩy nhanh quá trình xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

 

Tác giả: Thanh Hoa
Nguồn:https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/c%E1%BA%A3i-thi%E1%BB%87n-cu%E1%BB%99c-s%E1%BB%91ng-nh%E1%BB%9D-xu%E1%BA%A5t-kh%E1%BA%A9u-lao-%C4%91%E1%BB%99ng Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Bản đồ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT tỉnh mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 90
Hôm qua : 2.186