A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cây dược liệu - mở hướng xóa đói giảm nghèo

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế địa phương, vài năm gần đây, xã Mồ Sì San (huyện Phong Thổ) đã mở rộng diện tích trồng cây dược liệu. Đáng mừng, hướng đi đúng đắn này đang mở ra cơ hội xóa đói giảm nghèo cho Nhân dân vùng biên giới.

Gia đình anh Lý Vần Niền ở bản Tân Séo Phìn trước đây từng “rơi” vào danh sách hộ nghèo do thu nhập bấp bênh, đời sống khó khăn, nhà ở chật hẹp đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ mạnh dạn thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” trong việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất với những cây trồng quen thuộc, kết hợp chăm sóc tốt diện tích cây thảo quả, trồng cây dược liệu, nguồn thu nhập của gia đình anh từ đó được cải thiện đáng kể.

Anh Niền chia sẻ: “Mỗi năm gia đình tôi thu được 8 tạ thóc, gần 2 tấn ngô, gần 1 tạ thảo quả khô, đảm bảo nguồn lương thực và chi tiêu sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh đó, trên 1.000 cây dược liệu trồng năm 2018, thỉnh thoảng gia đình tôi có bán ra thị trường thu được gần 100 triệu đồng. Số tiền này cùng với số tiền tích cóp trước đó, gia đình tôi xây dựng được ngôi nhà mới với tổng trị giá trên 200 triệu đồng. Gia đình rất phấn khởi yên tâm sinh sống, lao động sản xuất”.

Cách gia đình anh Niền vài trăm mét, ngôi nhà màu vàng 2 tầng khang trang, có diện tích sử dụng trên 100m2 của gia đình anh Lý Láo Lở nổi bật giữa bản Tân Séo Phìn. Được biết, bước ngoặt giúp gia đình anh Lở có cuộc sống như hôm nay một phần là nhờ chăn nuôi gà thương phẩm, trồng lúa, ngô. Với phương châm “Lấy ngắn nuôi dài”, tháng 7/2021, gia đình anh đầu tư kinh phí vài trăm triệu đồng xây nhà vườn có diện tích trên 100m2, mua 12.000 hạt giống sâm Lai Châu và đến tháng 12/2021 tiến hành gieo hạt.

Anh Lở tâm sự: “Học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, gia đình tôi làm đất cẩn thận, gieo hạt theo tỷ lệ cân đối, làm bạt che chắn khi trời mưa và có tấm lưới trên cùng bảo vệ do đó tỷ lệ sâm nảy mầm rất cao. Hiện, cả vườn có khoảng 10.000 cây sâm, đang phát triển tốt, mỗi cây có tầm 3 lá. Số lượng sâm này sau 7 năm nữa hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình”.

Cán bộ xã Mồ Sì San thăm vườn sâm Lai Châu của gia đình anh Lý Láo Lở (thứ 2 từ phải sang) ở bản Tân Séo Phìn.
Cán bộ xã Mồ Sì San thăm vườn sâm Lai Châu của gia đình anh Lý Láo Lở (thứ 2 từ phải sang) ở bản Tân Séo Phìn.

 

Mồ Sì San là xã vùng biên có 4 bản gồm: Tô Y Phìn, Tân Séo Phìn, Mồ Sì San và Séo Hồ Thầu. 540 hộ, trên 2.300 nhân khẩu đang sinh sống, chủ yếu là dân tộc Dao (chiếm 99%). Với đặc điểm địa hình phức tạp, chủ yếu là núi cao, diện tích đất sản xuất ít, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, chỉ sản xuất được lúa 1 vụ nên bài toán “xóa đói giảm nghèo” luôn là vấn đề được xã quan tâm. 

Đồng chí Tẩn Chin Lùng - Chủ tịch UBND xã Mồ Sì San cho biết: “Chúng tôi vận động, hướng dẫn Nhân dân trồng lúa, ngô, cây ăn quả, chăm sóc thảo quả, chè cổ thụ, phát triển chăn nuôi đại gia súc, quản lý bảo vệ rừng. Từ năm 2018 đến nay, nhận thấy xã có khí hậu mát mẻ rất thuận lợi để phát triển cây dược liệu, một số hộ dân đưa cây sâm và thất diệp nhất chi hoa vào trồng. Ban đầu chỉ lác đác vài hộ, càng về sau thấy giá trị kinh tế do cây dược liệu mang lại cao, đầu ra sản phẩm dễ dàng chúng tôi tuyên truyền, vận động Nhân mở rộng diện tích trồng dưới tán rừng và trong vườn nhà”.

Qua thống kê, hiện nay, toàn xã Mồ Sì San có 12 hộ gia đình và 1 hợp tác xã Biên Cương trồng cây dược liệu với tổng diện tích 0,55ha (tương đương hơn 5.000m2, tăng 4.000m2 so với năm 2020), tập trung ở 2 bản: Tân Séo Phìn và Tô Y Phìn. Nắm bắt được nhu cầu của khách hàng thích mua những cây dược liệu mọc tự nhiên nên bà con tuân thủ rất nghiêm ngặt. Quy trình trồng, chăm sóc chỉ sử dụng 1 ít phân hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng phân hóa học. Về giá thành, cây dược liệu có giá thành khác nhau tùy theo loại cây, độ tuổi và trọng lượng. Ví như thất diệp nhất chi hoa có giá khoảng 2 triệu đồng/kg; trong khi sâm ruột vàng có giá trung bình 20-30 triệu đồng/kg, củ to có trọng lượng 1 lạng trở lên có giá 70 triệu đồng/kg. Công tác bảo vệ cây trồng được bà con chú trọng. Từ đó, cây dược liệu góp phần tích cực trong việc nâng cao thu nhập bình quân đầu người của xã lên mức 20 triệu đồng/năm (tăng 3 triệu đồng so với năm 2021).

 “Cây dược liệu là một trong số những cây trồng được đưa vào quy hoạch phát triển và mở rộng diện tích của huyện, xã. Phấn đấu đến hết năm 2025, toàn xã có 3ha cây dược liệu. Ngoài ra, xã còn vận động Nhân dân trồng thêm cây hoàng tinh đỏ. Và chúng tôi cũng mong muốn, trong thời gian tới, Hiệp hội sâm Lai Châu và các cơ quan chuyên môn của huyện có thể mở các lớp tập huấn để bà con có cơ hội học hỏi thêm những kinh nghiệm hay trong trồng, chăm sóc để cây dược liệu phát triển tốt, mang lại hiệu quả cao nhất” - Anh Lùng cho biết thêm.

Tin tưởng rằng, với hướng đi phù hợp, cây dược liệu sẽ cùng với các cây trồng khác giúp người dân xã Mồ Sì San tiếp tục nâng cao thu nhập, từng bước xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống.


Tác giả: Thanh Hoa
Nguồn:https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/c%C3%A2y-d%C6%B0%E1%BB%A3c-li%E1%BB%87u-m%E1%BB%9F-h%C6%B0%E1%BB%9Bng-x%C3%B3a-%C4%91%C3%B3i-gi%E1%BA%A3m-ngh%C3%A8o Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT tỉnh mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 106
Hôm qua : 1.901