A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chặng đường 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn huyện Phong Thổ

Trải qua 20 năm thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện Phong Thổ theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, ngày 4/10/2002 của Chính phủ tại NHCSXH đã phát huy hiệu quả thiết thực trong cuộc sống. Với sự quan tâm của cấp ủy Đảng, Chính quyền nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp các hộ phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Phong Thổ là một huyện vùng cao Biên giới có 17 xã, thị trấn. Trong đó 13 xã biên giới, 12/17 xã đặc biệt khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo còn cao. Từ khi thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác, đời sống Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện ngày một nâng lên, các hộ có thêm vốn để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, từng bước ổn định cuộc sống tiếp tục phát triển kinh tế xã hội bền vững. Đến nay, tỉ lệ hộ nghèo trong huyện đã giảm chỉ còn 48,48%, tỉ lệ hộ cận nghèo là 16,91% theo tiêu chí mới. Đ/c: Mai Thị Hồng Sim – Ủy viên BTV Huyện ủy- Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo triển khai kịp thời các chương trình cho vay đến với đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa đặc biệt là đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn, qua đó giúp cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các nguồn vốn vay, từ đó giúp họ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Từ một hộ có điều kiện kinh tế khó khăn, song nhờ phát huy tốt nguồn vốn vay của NHCSXH để phát triển mô hình kinh tế chế biến nông sản kết hợp với chăn nuôi lợn và trồng cây ăn quả, gia đình Anh Tẩn Thanh Hương, bản Sàng Giang, xã Bản Lang đã trở thành một trong những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện. Năm 2013, gia đình anh vay 50 triệu đồng của Ngân hàng chính sách xã hội huyện theo chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn để mua cây, con giống. Đến năm 2019, gia đình anh tiếp tục vay 100 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm để mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm máy say sát phục vụ chăn nuôi. Nhờ nguồn vốn này mà gia đình anh đã trở thành hộ có kinh tế khá trong bản. Anh cho biết, trừ chi phí mỗ năm gia đình có thu nhập trên 100 triệu đồng. 

Hộ dân xã Bản Lang phát triển kinh tế nhờ nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Phong Thổ

 

Hộ dân xã Bản Lang phát triển kinh tế nhờ nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Phong Thổ

20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, công tác lãnh đạo thực hiện tín dụng chính sách xã hội được lãnh đạo huyện Phong Thổ chỉ đạo thống nhất, UBND huyện luôn quan tâm hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đến nay, toàn huyện đã thành lập được 251 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại 171 thôn bản do các tổ chức Hội, đoàn thể nhận uỷ thác quản lý. Tổng nguồn vốn đạt 483.677 triệu đồng, tăng 478.260 triệu đồng so với năm 2002, tăng dư nợ là 89,3 lần. Trong đó, nguồn vốn Trung ương chuyển về là 404.615 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 83,7% tổng nguồn vốn; nguồn vốn huy động tại địa phương là 64.435 triệu đồng, chiếm 13,3%/ tổng nguồn vốn. Nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang để cho vay hộ nghèo và tạo việc làm là 14.627 triệu đồng, chiếm 3% tổng nguồn vốn, trong đó UBND tỉnh là 9.550 triệu đồng; UBND huyện là 5.077 triệu đồng. Những nguồn vốn này được phân bổ, giải ngân kịp thời cho các đối tượng thụ hưởng, góp phần tiếp vốn cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn mạnh dạn phát triển sản xuất, kinh doanh.

Quang cảnh Ngân hàng chính sách xã hội huyện Phong Thổ giải ngân vốn vay cho người dân tại xã Khổng Lào

 

Cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Phong Thổ giải ngân vốn cho các đối tượng được vay tại xã Khổng Lào.

 

Ông Lê Quang Ngọc  – Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện cho biết thêm: Với nhiệm vụ được giao là thực hiện chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác, giúp các hộ có vốn phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, từng bước ổn định cuộc sống. Ngân hàng CSXH huyện đã thực hiện triển khai 14 chương trình cho vay gồm: Cho vay hộ nghèo; hộ cận nghèo; hộ mới thoát nghèo; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; Giải quyết việc làm; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn; thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn; xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài; hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn theo QĐ 32, 54; QĐ 2085; QĐ 755; hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo QĐ 167, 33 của Thủ tướng Chính phủ; cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015//NĐ-CP..v..v.. Ngân hàng CSXH đã giải quyết cho 51.911 lượt khách hàng được vay vốn với tổng doanh số cho vay đạt 1.315 tỉ 241 triệu đồng, tổng thu nợ là 804 tỉ 326 triệu đồng.

Đ/c: Sùng A Nủ – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện định hướng việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện Phong Thổ trong thời gian tới: chỉ đạo các tổ chức Đảng, các ban ngành, đoàn thể tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định 78 của Chính phủ gắn với thực hiện Chỉ thị 40 của Ban bí thư về tăng cường công tác của Đảng với hoạt động tín dụng các đối tượng chính sách; tăng cường công tác phối hợp, tham mưu để lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả hoạt động tín dụng trên địa bàn; củng cố hoạt động của các tổ chức đoàn thể, ban đại diện ngân hàng chính sách, hoạt động của MTTQ và đặc biệt là tăng cường sự giám sát của nhân dân, của các tổ chức góp phần đảm bảo cho hoạt động tín dụng minh bạch, hiệu quả.

“Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, trong 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP có thể khẳng định, đây là một chính sách đúng đắn, hoàn toàn phù hợp với thực tiễn. Từ mô hình hoạt động của NHCSXH đang triển khai đã tạo cơ hội cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận với dịch vụ tín dụng Nhà nước, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần ngăn chặn tệ nạn tín dụng đen, cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn để phát triển kinh tế, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống vươn lên thoát nghèo. Không những thế việc thực hiện theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn còn huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn tổ chức, thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả mục tiêu về giảm nghèo bền vững mà Đảng, Nhà nước đã đề ra, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế xã hội tại địa phương./.


Tác giả: HẢI CHÂU
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Bản đồ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT tỉnh mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 541
Hôm qua : 2.343