A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chung tay bảo tồn văn hóa dân tộc Thái

Sau hơn 3 năm thành lập, Câu lạc bộ (CLB) “Bảo tồn văn hóa dân gian dân tộc Thái” ở thôn Đoàn Kết, thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ đã có nhiều hoạt động thiết thực trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn. Đồng thời làm phong phú đời sống tinh thần cho nhân dân, chung tay xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Thành viên CLB “Bảo tồn văn hóa dân gian dân tộc Thái” thôn Đoàn Kết se sợi dệt vải.

 

Thực hiện chủ trương xây dựng thủy điện Sơn La, năm 2006 rất nhiều hộ dân là đồng bào dân tộc Thái ở xã Chăn Nưa (huyện Sìn Hồ) đã di chuyển ra khỏi khu vực vùng ngập về thôn Đoàn Kết (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) sinh sống. Thời gian qua, bà con trong thôn tập trung lao động sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định đời sống và yên tâm gắn bó lâu dài với vùng đất mới. Đặc biệt, trước xu thế hội nhập, giao thoa giữa các nền văn hóa, nguy cơ mai một bản sắc văn hóa tiềm ẩn, trước thực tế đó bà con trong thôn cùng đồng lòng tham gia CLB “Bảo tồn văn hóa dân gian dân tộc Thái” để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Thành viên CLB “Bảo tồn văn hóa dân gian dân tộc Thái” thôn Đoàn Kết se sợi dệt vải.

 

CLB được hành lập cuối tháng 4/2021 với 32 thành viên. Đây là mô hình CLB được Ban Thường vụ Huyện ủy Phong Thổ xác định là mô hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025 của huyện. Để CLB hoạt động có hiệu quả, UBND thị trấn đã ban hành Quyết định số 253/QĐ-UBND ngày 17/6/2022 về việc kiện toàn Ban chủ nhiệm CLB gồm 7 đồng chí. Ban chủ nhiệm CLB cùng các thành viên duy trì sinh hoạt vào các ngày thứ 7 hàng tuần với nhiều nội dung phong phú, đa dạng.

Bà Điêu Thị Phe – Phó Chủ nhiệm CLB “Bảo tồn văn hóa dân gian dân tộc Thái” cho biết: “Khi thành lập CLB các thành viên tham gia nhiệt tình theo 5 nhóm: ẩm thực, dạy đánh đàn tính tẩu, dạy múa hát, dệt thổ cẩm, cắt may đo trang phục dân tộc. Các thành viên bám sát nhiệm vụ của mình để thực hiện một cách hiệu quả, thu hút thêm nhiều người dân ngoài CLB nhất là thanh thiếu niên tham gia. Bên cạnh đó, CLB còn thành lập và duy trì hoạt động của 3 đội văn nghệ biểu diễn tại các sự kiện của thị trấn và thôn nhân dịp hội họp, các ngày lễ lớn của đất nước”.

Qua quá trình hoạt động thường xuyên, CLB đã làm thay đổi dần nhận thức của người dân trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Thái. Người dân cùng chung tay ủng hộ ngày công, kinh phí làm nhà trưng bày các sản phẩm văn hóa đặc trưng dân tộc Thái tại thôn. Động viên và tạo điều kiện cho con cháu tham gia các lớp truyền dạy văn hóa dân tộc Thái. Về phía thành viên CLB tham gia các hoạt động nhiệt tình hơn. Đến nay, CLB duy trì việc dệt vải hàng tháng với các sản phẩm chủ lực: dệt vải trắng được 200 mét, dệt ga trải giường được 18 tấm, dệt khăn dài 20 cái, dệt khăn lau tay để bàn được 100 cái. Các sản phẩm sau khi dệt một phần để trưng bày và một phần bán khi khách có nhu cầu thi về tổng số tiền gần 20 triệu đồng.

Về ẩm thực, thành viên CLB vận động nhân dân duy trì nấu các món văn truyền thống trong cuộc sống hàng ngày, dịp lễ tết và sẵn sàng nấu ăn phục vụ du khách khi có nhu cầu. Qua thống kê, CLB đã nấu ăn phục vụ hơn 600 lượt khách đến tham quan, du lịch tại bản, thu về trên 150 triệu đồng. Số tiền này được chính các thành viên thống nhất gây quỹ hoạt động của CLB và trích một phần tăng thu nhập cho các gia đình. Bên cạnh đó, thành viên CLB cũng truyền dạy cách sử dụng, trình diễn đàn tính tẩu cho 14 học sinh; truyền dạy các làn điệu dân ca múa hát dân tộc Thái cho 36 học sinh.

Các nghệ nhân thôn Đoàn Kết truyền dạy đánh đàn tính tẩu cho các cháu thiếu niên trong thôn

 

Em Hoàng Thị Văn 12 tuổi chia sẻ: “Em tham gia học đánh đàn tính tẩu đã được 3 năm nay. Trong quá trình học được các bà trong CLB “Bảo tồn văn hóa dân gian dân tộc Thái” truyền dạy hết sức nhiệt tình. Giờ đây, em có thể đánh thành thạo đàn và tự tin biểu diễn trong các tiết mục văn nghệ tại trường và thôn. Điều đặc biệt nhất là từ việc học đàn em thấy hiểu, yêu thích hơn về bản sắc văn hóa dân tộc mình từ đó cùng các bạn trẻ khác trong thôn có ý thức giữ gìn mãi mãi, không để mai một theo thời gian”.

Trao đổi với chúng tôi về hoạt động của CLB, đồng chí Nguyễn Văn Tuyển – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phong Thổ khẳng định, trong thời gian qua CLB “Bảo tồn văn hóa dân gian dân tộc Thái” đã hoạt động một cách hiệu quả, đóng góp tích cực vào việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn. Thời gian tới, Đảng ủy, UBND thị trấn tiếp tục động viên, khuyến khích CLB hoạt động và truyền cảm hứng để người dân trong thôn thắt chặt tinh thần đoàn kết, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, hướng đến mục tiêu giúp người dân tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống và làm phong phú đời sống tinh thần, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Tin tưởng, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng với những kết quả đạt được, CLB “Bảo tồn văn hóa dân gian dân tộc Thái” thôn Đoàn Kết sẽ hoạt động ngày càng hiệu quả, lan tỏa giá trị tốt đẹp trong cộng đồng. Từ đó, góp phần quảng bá hình ảnh đẹp về mảnh đất, con người Phong Thổ đến người dân, du khách gần xa; hoạt động của CLB cùng với những lợi thế, điểm đến du lịch sẵn có tạo động lực giúp thị trấn Phong Thổ nói riêng, huyện Phong Thổ nói chung trở thành điểm đến hấp dẫn của tỉnh.


Tác giả: Nguyễn Tuyển – UBND thị Trấn Phong Thổ
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT tỉnh mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 471
Hôm qua : 2.234