A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ sâm Lai Châu

Cùng với trồng thảo quả, thất diệp nhất chi hoa, những năm gần đây, người dân trên địa bàn xã Sì Lở Lầu (huyện Phong Thổ) còn mở rộng diện tích trồng cây sâm Lai Châu. Hiệu quả bước đầu do cây sâm mang lại đang tạo động lực khích lệ bà con vùng biên chăm chỉ lao động để thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Nhắc đến Sì Lở Lầu chắc hẳn nhiều người sẽ hình dung đến một vùng đất xa xôi, hẻo lánh, giao thông cách trở, còn rất nhiều những khó khăn trong đời sống, kinh tế chậm phát triển; tuy nhiên đó chỉ là câu chuyện chục năm trở về trước. Sì Lở Lầu bây giờ đã khoác lên mình diện mạo mới với những tuyến đường bêtông nội bản sạch sẽ; hàng quán khu vực trung tâm xã phong phú.

Vào những ngày “con có sừng”, chợ phiên nơi 12 tầng dốc lại đông vui, tấp nập, người mua, người bán trao đổi hàng hóa. Không những vậy, khắp bản trên, bản dưới, người dân mua sắm được xe máy làm phương tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa, nhiều hộ làm được nhà mới khang trang.

Sâm Lai Châu là loại dược liệu quý tốt cho sức khỏe.

Sâm Lai Châu là loại dược liệu quý tốt cho sức khỏe.

Có được kết quả đó bên cạnh sự vào cuộc của của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc triển khai hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế; vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện thâm canh, tăng vụ. Người dân trong xã còn tận dụng lợi thế khí hậu mát mẻ, tán rừng nhiều để trồng các loại cây dược liệu, đặc biệt nhất phải kể đến cây sâm Lai Châu.

Cũng theo chia sẻ của anh San và người dân, hiện cả xã đã có 8,4ha sâm tập trung ở các bản: Lản Nhì Thàng, Lao Chải, Gia Khâu, Thà Giàng, Phố Vây… Tùy theo độ tuổi, kích thước củ sâm mà có giá bán khác nhau. Có những củ sâm bán được giá lên đến cả trăm triệu đồng. Điều này góp phần nâng cao thu nhập, khích lệ các hộ trồng sâm quy mô lớn hơn và theo hướng đầu tư chiều sâu, trồng số lượng cây lớn, thuê người chăm sóc, làm tường bao, mua lưới che chắn cẩn thận, trang bị hệ thống camera giám sát đề phòng mất trộm. Các hộ trồng sâm nhiều có thể kể đến gia đình các anh: Tẩn Đức Toàn (bản Phố Vây), Tẩn Sài Sông (bản Lản Nhì Thàng), Phàn Phủ Tông (bản Gia Khâu), Tẩn Sài Nhuần (bản Sín Chải)…

Người dân xã Sì Lở Lầu trồng sâm theo luống để tiện chăm sóc và hạn chế bị ngập úng vào mùa mưa.

Người dân xã Sì Lở Lầu trồng sâm theo luống để tiện chăm sóc và hạn chế bị ngập úng vào mùa mưa.

Gia đình anh Nhuần bắt đầu trồng sâm từ năm 2019 với diện tích 400m2 sâm. Thấy sâm phù hợp với khí hậu địa phương, mỗi năm gia đình anh đều đầu tư kinh phí mua giống, vật liệu làm vườn, mở rộng diện tích sâm, hiện nay là 1ha. Trong đó, lượng cây sâm từ 1 năm tuổi trở lên là gần 2.000 cây, loại 5 năm tuổi có gần 800 cây. Dự kiến hết năm 2023 sẽ mở rộng diện tích lên 2ha.

Tương tự như gia đình anh Nhuần, gia đình anh Phàn Phủ Liêu ở bản Thà Giàng 6 năm nay cũng lựa chọn trồng sâm để bán ra thị trường. Theo chia sẻ của anh Liêu, gia đình đầu tư 800 triệu đồng xây tường rào, làm mái che chắn, lắp đặt camera bảo vệ, mua giống về trồng. Giờ đây gia đình anh đang có: 5.000 cây thất diệp nhất chi hoa, 2.000 cây tam thất, 1.000 cây sâm ngọc linh. Với cây sâm Lai Châu đã phát triển từ 4.000 cây lên 2 vạn cây. Bước đầu mang lại thu nhập cao cho gia đình.

… Nhiều hộ dân đầu tư lưới che chắn, làm hàng rào bảo vệ, lắp đặt camera khu vực vườn sâm để bảo vệ tài sản.

Nhiều hộ đầu tư lưới che chắn, làm hàng rào bảo vệ, lắp camera khu vực vườn sâm để bảo vệ tài sản.

Sâm Lai Châu đang cho thấy phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu địa phương, phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế. Đồng thời, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giúp người dân từng bước cải thiện cuộc sống.

Giờ đây, mức thu nhập bình quân đầu người của xã là 25 triệu đồng/năm. Cả xã còn 618 hộ nghèo (chiếm  50,06%). Tuy nhiên, cái khó của Nhân dân trong xã hiện nay là muốn mở rộng diện tích trồng sâm nhưng thiếu vốn. Do đó, bà con mong các cấp quan tâm hỗ trợ vốn và tổ chức các lớp tập huấn để người dân nâng cao kiến thức… phấn đấu đưa cây sâm trở thành cây giảm nghèo, làm giàu của địa phương, chung tay bảo tồn nguồn dược liệu quý của Lai Châu.


Tác giả: Thanh Hoa
Nguồn:https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/c%C6%A1-h%E1%BB%99i-tho%C3%A1t-ngh%C3%A8o-v%C6%B0%C6%A1n-l%C3%AAn-l%C3%A0m-gi%C3%A0u-t%E1%BB%AB-s%C3%A2m-lai-ch%C3%A2u Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT tỉnh mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 529
Hôm qua : 1.702