Thứ năm, 25/04/2024 - 13:40
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đánh thức tiềm năng cây lê

Lê là cây ăn quả ôn đới vừa mới được đưa vào trồng ở một số xã khu vực biên giới của huyện Phong Thổ. Tuy mới được trồng vài năm, nhưng cây lê đã cho thấy nhiều ưu điểm vượt trội so với các cây trồng khác, bước đầu quả lê được thị trường ưa chuộng, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người nông dân.

Vườn lê của gia đình anh Ma A Dình (bản Xì Phài, xã Dào San) năm nay được mùa. Cây nào cây nấy quả đều sai trĩu, tròn trịa, căng mọng nước. Trong suốt gần nửa tháng thu hoạch, ngày nào vườn lê của gia đình anh cũng nhộn nhịp người ra, người vào hái quả rồi vận chuyển đi bán. Mỗi sản phẩm xuất đi, thu nhập lại về, tạo động lực để gia đình anh thêm gắn bó lâu dài với cây lê.
Anh Dình chia sẻ: “Gia đình tôi trồng 150 cây lê trên đất vườn từ năm 2013. Sau 5 năm chăm sóc, cây lê bắt đầu cho thu hoạch, năm ít thu được 8 triệu đồng, năm nhiều được hơn 10 triệu đồng. Riêng năm nay, điều kiện thời tiết thuận lợi, cây đậu nhiều quả, ăn giòn, ngọt, khách hàng ưa chuộng. Trong 2 ngày đầu tiên, các thương lái ở huyện, thậm chí trên địa bàn thành phố Lai Châu, huyện Tam Đường vào tận vườn mua tổng số 8 tạ quả. Một số khách hàng ở các tỉnh miền xuôi, khi thấy lê ngon, bắt mắt, đặt mua lê qua mạng rồi vận chuyển bằng xe khách về vừa ăn, vừa bán. Vài ngày sau, gia đình tôi tiếp tục bán được 3 tạ quả, nâng tổng số lê bán được lên đến 11 tạ, với giá trung bình 10.000-15.000 đồng/kg tại vườn, gia đình tôi thu được trên 13 triệu đồng”.

Cây lê giúp gia đình anh Ma A Dình ở bản Xì Phài (xã Dào San) tăng thêm thu nhập.

Cây lê giúp gia đình anh Ma A Dình ở bản Xì Phài (xã Dào San) tăng thêm thu nhập.

Niềm vui được mùa, có thêm thu nhập từ lê của gia đình anh Dình cũng là niềm phấn khởi của nhiều hộ dân khác trên địa bàn các bản: Xì Phài, Dền Thàng A, Dền Sang của xã Dào San. Bởi sau nhiều năm vất vả chăm sóc, diện tích lê trên 20ha toàn xã cho thấy phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu mát của địa phương (trong đó 3ha đã cho thu hoạch). Cây ít bị sâu bệnh, sinh trưởng phát triển tốt, ra nhiều quả và chất lượng đạt như mong đợi.
Đồng chí Ma A Già - Chủ tịch UBND xã Dào San cho biết: “So với các cây trồng khác, cây lê có giá trị kinh tế cao hơn. Năm nay, một số hộ thu được trên 50 triệu đồng tiền bán lê. Với bà con trong xã thì đây là số tiền không nhỏ, giúp bà con có thêm thu nhập trang trải cuộc sống cũng như tái đầu tư phát triển kinh tế. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân mở rộng diện tích lê thêm 34ha để bà con có cơ hội đẩy lùi đói nghèo, đảm bảo cuộc sống”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ được trồng ở xã Dào San, lê còn được người dân đưa vào trồng ở các xã: Mù Sang, Sin Suối Hồ, Sì Lở Lầu và Hoang Thèn. Hầu hết, lê được đưa vào trồng trên đất vườn tạp, diện tích đất bỏ hoang hoặc trồng ngô năng suất thấp, theo các chương trình 135/CP, 30a/CP... Khi tham gia trồng, bà con được hỗ trợ giống, phân bón (những năm đầu mới trồng), cán bộ chuyên môn huyện hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, tỉa cành.
Qua thống kê, hiện tổng diện tích lê trên địa bàn huyện trên 270ha. Mỗi hécta lê cho thu hoạch từ 3-4 tấn quả với giá bán trung bình 15.000 đồng/kg, người dân thu lãi 45-60 triệu đồng. Cây lê đang góp phần khai thác tiềm năng lợi thế địa phương, thực hiện hiệu quả chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn và giải quyết việc làm lúc nông nhàn cho người nông dân.
Chị Giàng Thị Phang, người dân ở xã Tả Lèng (huyện Tam Đường) chia sẻ: “Thời điểm nông nhàn, không có việc làm, tôi cùng một số bà con trong xã tranh thủ nhập các loại rau, củ, quả của bà con trên địa bàn tỉnh mang đi các chợ trên thành phố bán kiếm lời. Khi biết đến lê của người dân huyện Phong Thổ ngon, ngọt, tôi trực tiếp lên mua tận vườn. Mỗi chuyến mua 60-70kg về bán. Sau khi trừ chi phí, tôi lãi 300.000 đồng. Tôi có thêm thu nhập chi tiêu sinh hoạt gia đình”.
“Bén rễ” trên đất Phong Thổ, cây lê đang cho thấy nhiều ưu điểm, giúp người dân giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Tuy nhiên, điều chúng tôi trăn trở hiện nay là quả lê sai nhưng đến thời điểm thu hoạch kích thước, trọng lượng quả nhỏ. Mà nguyên nhân (theo cán bộ chuyên môn) do cây quá sai quả, người dân chưa tỉa bớt trong khi giá phân bón tăng cao, bà con chưa đầu tư đủ lượng phân bón cho cây.
Đồng chí Vũ Hữu Lưỡng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ cho hay, trong định hướng phát triển của huyện, cây lê vẫn được xác định là cây ăn quả ôn đới tiếp tục được mở rộng diện tích trồng. Trước mắt, là từ nay đến cuối năm, toàn huyện dự kiến sẽ trồng mới 60ha ở Dào San và Sin Suối Hồ, theo chương trình phát triển du lịch. Do đó, phòng tiếp tục phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, chính quyền các xã đưa cây lê vào trồng, kết hợp hướng dẫn cho người dân về kỹ thuật chăm sóc như: bón phân cân đối, làm cỏ, tỉa, vít cành, bọc quả… cải thiện kích thước, trọng lượng quả. Ngoài ra, phòng sẽ đẩy mạnh truyền thông tiềm năng, lợi thế của cây lê; kêu gọi một số doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho bà con”.


Tác giả: Thanh Hoa
Nguồn:https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/%C4%91%C3%A1nh-th%E1%BB%A9c-ti%E1%BB%81m-n%C4%83ng-c%C3%A2y-l%C3%AA Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT tỉnh mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.289
Hôm qua : 2.384