Đấu tranh chống nạn buôn bán người
Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, những người ham sự giàu sang, mong muốn “việc nhẹ lương cao” ở vùng nông thôn, biên giới để rồi bị lừa bán sang nước ngoài đang là vấn nạn diễn ra ở nhiều địa phương. Xác định nạn buôn bán người gây ra nhiều hậu quả và vi phạm nghiêm trọng tới nhân quyền, thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh tăng cường nhiều giải pháp, quyết liệt đấu tranh ngăn chặn tội phạm buôn bán người.
Người dân ở bản Tung Chung Vang (xã Mù Sang, huyện Phong Thổ) vẫn chưa hết bàng hoàng, lo sợ, xen lẫn vui mừng khi nhớ và nhắc lại chuyện của gia đình cháu Sùng Chỉnh Tuấn (SN 2006) - nạn nhân bị lừa bán sang Campuchia để làm việc vừa được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh phối hợp Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Tây Ninh và Tổ chức trẻ em Rồng Xanh giải cứu, bàn giao thành công cho chính quyền địa phương vào tháng 10 vừa qua.
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Dào San tăng cường tuần tra, phát quang đường tuần tra biên giới nhằm phát hiện, ngăn chặn các trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép và mua bán người qua tuyến biên giới.
Trước đó, giữa tháng 9 vừa qua, Đồn Biên phòng Dào San nhận được tin báo của ông Sùng A Dơ – người nhà của Sùng Chỉnh Tuấn về việc cháu Tuấn bị lừa sang Campuchia lao động. “Từ Campuchia, Tuấn gọi điện về báo cho gia đình hiện đang bị chủ quản lý lao động bắt làm việc liên quan đến lừa đảo trên mạng. Nhưng do không làm theo nên Tuấn bị chủ đánh đập và ép buộc gọi về gia đình chuẩn bị số tiền hơn 100 triệu đồng để chuộc lại” - ông Sùng A Dơ cho biết.
Nhận thấy đây là vụ việc phức tạp, có dấu hiệu bị lừa, cưỡng bức lao động tại nước ngoài và khi không nhận được số tiền chuộc như mong muốn phía chủ bên Campuchia có thể bán nạn nhân sang chỗ khác để kiếm tiền, Đồn Biên phòng Dào San phối hợp chính quyền xã Mù Sang báo cáo vụ việc về Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh để triển khai những biện pháp nghiệp vụ điều tra, xác minh, thu thập hình ảnh của nạn nhân và định vị nơi ở để làm rõ vụ việc.
Sau một thời gian điều tra, trao đổi, hợp tác với các cơ quan chức năng trong nước và phía Campuchia về việc hỗ trợ điều tra, giải cứu Tuấn cùng các công dân bị lừa đảo, môi giới đi lao động trái phép tại Campuchia, may mắn em Tuấn đã được giải cứu và trở về nhà an toàn.
Được biết, các nạn nhân trên địa bàn tỉnh bị lừa sang Campuchia hoặc các nước khác chủ yếu là con em đồng bào các dân tộc, trẻ vị thành niên, lao động từ 15 - 18 tuổi. Nạn nhân chủ yếu bị các đối tượng lừa đảo đánh vào tâm lý nhẹ dạ, cả tin vào những lời hứa hẹn ngon ngọt về một cuộc sống tốt đẹp, giàu sang nơi nước bạn hoặc với chiêu trò “việc nhẹ lương cao”.
Để rồi, sau khi vượt biên sang đất Campuchia, Trung Quốc… bị lừa bán cho các chủ chứa mại dâm hoặc bắt làm thuê những công việc vi phạm pháp luật, nặng nhọc với mức lương thấp, thậm chí là không trả lương và khi không làm theo sẽ bị chủ quản lý đánh đập, đòi tiền chuộc hoặc bán trao tay để kiếm lợi nhuận.
Công an xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ) tăng cường tuần tra, tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm pháp luật và không tiếp tay cho tội phạm vi phạm pháp luật.
Lai Châu là tỉnh miền núi, với đường biên giới dài 265,165km có nhiều đường mòn, lối mở qua lại biên giới. Địa bàn rộng, chủ yếu là đồi núi, giao thông đi lại khó khăn; trình độ dân trí của một bộ phận người dân ở khu vực biên giới còn hạn chế. Những khó khăn đó là yếu tố để các đối tượng lợi dụng vi phạm pháp luật trên tuyến biên giới.
Để ngăn chặn nạn mua bán người trên các tuyến biên giới, thời gian qua, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn Bộ Chỉ huy và các đồn biên phòng trên địa bàn chú trọng công tác bám nắm địa bàn, những vấn đề phát sinh tại cơ sở do đồn quản lý.
Tăng cường tuần tra, kiểm soát các đường mòn, lối mở, khu vực cửa khẩu, sông suối nơi có thể vượt biên và đưa người xuất, nhập cảnh trái phép sang biên giới; tập trung lực lượng, phương tiện và vận dụng các biện pháp nghiệp vụ chủ động phòng ngừa, kiên quyết tấn công tội phạm, triệt phá các tổ chức, đường dây vi phạm xuất, nhập cảnh trái phép. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho Nhân dân tại khu vực biên giới. Phát động thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.
Năm 2022, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tiếp nhận, trao trả 44 vụ/222 trường hợp công dân Việt Nam do phía Trung Quốc trao trả; các đồn biên phòng phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính 23 vụ/70 trường hợp nhập cảnh trái phép. Bàn giao cho lực lượng chức năng phía Trung Quốc 4 vụ/18 công dân Trung Quốc về hành vi nhập cảnh trái phép. Qua đó, từng bước kiểm soát, giữ vững an ninh biên giới, ngăn chặn nạn mua bán người qua biên giới.
Tại huyện Phong Thổ, những năm qua, Công an huyện tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền từ huyện tới xã, bản và các đồn biên phòng trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về Luật Phòng, chống mua bán người, các hành vi, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội tới người dân.
Chú trọng vào các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới nhằm nâng cao nhận thức và ý thức cho người dân trong đấu tranh, tố giác tội phạm về mua bán người. Chỉ đạo công an các xã, thị trấn, nhất là các xã biên giới phối hợp với các đồn biên phòng tăng cường tuần tra kiểm soát, bám nắm địa bàn, đường biên, mốc giới, các đường mòn lối mở để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những đối tượng lạ xâm nhập địa bàn thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Thường xuyên mở các đợt tấn công, truy quét, trấn áp tội phạm…
Duy trì các “Hòm thư tố giác tội phạm” ở những xã, bản trên địa bàn huyện và Công an huyện, các xã, thị trấn công khai số điện thoại để người dân có thể nắm và khi phát hiện hay nghi ngờ các đối tượng, hành vi mua bán người, người mất tích kịp thời cung cấp thông tin.
Đồng thời, chú trọng công tác quản lý người nghiện ma tuý, thanh thiếu niên hư, đối tượng mãn hạn tù trở về địa phương để hạn chế họ vi phạm và tái vi phạm pháp luật. Qua đó, nắm thông tin, ngăn chặn nạn mua bán người sang nước ngoài và các hành vi vi phạm pháp luật.
Ngăn chặn nạn mua bán người, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thông qua các buổi sinh hoạt chi hội, họp bản, tổ dân phố truyền thông, nói chuyện trực tiếp và tư vấn gia đình về công tác phòng, chống tội phạm mua bán người. Các nội dung, hình thức tuyên truyền được các cấp hội phụ nữ lựa chọn thực hiện sinh động, dễ hiểu, dễ tiếp thu.
Bà Lý Hồng Quyên - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Hội phụ nữ các cấp đẩy mạnh triển khai các phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Vận động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế bền vững, triển khai và thực hiện hiệu quả chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; phối hợp với Dự án Inkota tiếp cận và triển khai thực hiện “Các tiểu dự án cộng đồng do các nhóm dân tộc thiểu số tự quản nhằm cải thiện điều kiện sống”.
Phối hợp với các ngân hàng hỗ trợ phụ nữ vay vốn; mở các lớp dạy nghề, tập huấn kiến thức chăn nuôi, trồng trọt cho phụ nữ. Từ đó, giúp phụ nữ có vốn, kỹ thuật đầu tư phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao mức sống, phụ nữ, Nhân dân tin tưởng vào những chủ trương, chính sách và hỗ trợ của Đảng, Nhà nước.
Tin rằng, với những giải pháp, việc làm thiết thực, cụ thể và quyết liệt sẽ góp phần ngăn chặn nạn mua bán người, để không còn cảnh nạn nhân, gia đình nạn nhân chia lìa, đau thương. Nhân dân tin tưởng vào cấp ủy, chính quyền, ANTT trên địa bàn được giữ vững, đem lại cuộc sống bình an cho Nhân dân.