Đẩy mạnh truyền thông Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025
Hàng năm, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm là dịp để toàn xã hội cùng chung tay nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Năm 2025, với chủ đề "Bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố", chúng ta hãy cùng nhau hành động quyết liệt để ngăn chặn thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng, hướng tới một cuộc sống an toàn và chất lượng hơn.
An toàn thực phẩm không chỉ là vấn đề sức khỏe cá nhân mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Thực phẩm không an toàn có thể gây ngộ độc, bệnh tật, thậm chí tử vong, đồng thời làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng. Vì vậy, việc đảm bảo ATTP là trách nhiệm chung của toàn xã hội, từ nhà sản xuất, người bán hàng đến người tiêu dùng.
Đối với người sản xuất, kinh doanh:
Tuyệt đối không sử dụng chất cấm, hóa chất độc hại, phẩm màu không rõ nguồn gốc.
Tuân thủ quy trình sản xuất sạch, ghi rõ nguồn gốc, hạn sử dụng trên sản phẩm.
Thường xuyên vệ sinh dụng cụ, kho bảo quản để đảm bảo vệ sinh.
Đối với người tiêu dùng:
Chỉ mua thực phẩm có tem kiểm định, nhãn mác rõ ràng tại các cửa hàng uy tín.
Thực hiện nguyên tắc "ăn chín, uống sôi", rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn.
Bảo quản thực phẩm đúng cách, tránh ôi thiu, nhiễm khuẩn.
Tố giác ngay các cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn đến cơ quan chức năng.
Triển khai Tháng hành động năm 2025, Ban chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm huyện Phong Thổ đã ban hành Kế hoạch số 35/KH-BCĐ ngày 06/4/2025 về triển khai “Tháng hành động vệ sinh an toàn thực phẩm” trên địa bàn huyện Phong Thổ.
Để triển khai hiệu quả công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện, Ban chỉ đạo huyện đề nghị các cơ quan chức năng, tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền các cấp cần tập trung triển khai đồng bộ các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm thông qua nhiều hình thức: tổ chức hội nghị; phát thanh; sử dụng mạng xã hội; treo băng rôn, khẩu hiệu, áp phích tại các khu dân cư, chợ, siêu thị, trường học và cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm với thông điệp “Vì một tương lai khỏe mạnh, chúng ta hãy cùng nhau thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn thực phẩm. Mỗi hành động nhỏ sẽ góp phần xây dựng một cộng đồng văn minh, an toàn và phát triển bền vững!”
Đối với các bếp ăn tập thể tại trường học, bệnh viện việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cần được đặt lên hàng đầu. Các cơ sở này cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định về nguồn gốc nguyên liệu, quy trình chế biến và bảo quản thực phẩm. Nhân viên phục vụ phải được khám sức khỏe định kỳ, sử dụng đồ bảo hộ đầy đủ. Đặc biệt cần tách biệt khu vực chế biến thực phẩm sống và chín để tránh nhiễm khuẩn chéo.
Các cơ sở dịch vụ ăn uống như nhà hàng, quán ăn cần công khai nguồn gốc nguyên liệu, không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục cho phép. Việc vệ sinh dụng cụ, bếp núc phải được thực hiện thường xuyên bằng các chất tẩy rửa an toàn. Các cơ sở cần bố trí khu vực bảo quản thực phẩm hợp vệ sinh, có đủ thiết bị bảo quản ở nhiệt độ thích hợp.
Đối với thức ăn đường phố, người bán hàng cần tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm như sử dụng găng tay, khẩu trang khi chế biến, che đậy thực phẩm cẩn thận. Người tiêu dùng nên lựa chọn những quán ăn có địa điểm bán hàng sạch sẽ, tránh xa nguồn ô nhiễm, dụng cụ ăn uống được vệ sinh đúng cách.
Mỗi chúng ta hãy là người tiêu dùng thông thái, lựa chọn những thực phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng. Khi phát hiện các vi phạm về an toàn thực phẩm, hãy mạnh dạn tố giác đến cơ quan chức năng. Chỉ bằng những hành động thiết thực, chúng ta mới có thể cùng nhau xây dựng một môi trường thực phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cộng đồng.