Diện mạo mới ở bản Thèn Xin
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng và sự đoàn kết, nỗ lực vươn lên của người dân, bản Thèn Xin, xã Ma Li Pho đang ngày càng phát triển, khoác lên mình diện mạo mới ấm no, khang trang, sạch đẹp. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt.
Từ trung tâm xã Ma Li Pho, chúng tôi men theo con đường bê tông rộng rãi, uốn lượn quanh những sườn núi để đến với bản Thèn Xin – nơi có 92 hộ, 457 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Khác với khung cảnh tiêu điều, nhà lụp xụp, nhỏ hẹp, đường đất của 15 năm về trước, giờ đây toàn bộ đường trục bản đã được bê tông hóa, nhiều ngôi nhà xây kiên cố, khang trang với những lớp sơn bắt mắt cũng xuất hiện bên cạnh những vườn cây ăn quả. Điều này tạo nên một bức tranh sinh động, một diện mạo mới, sức sống mới ở bản vùng biên.

Ông Hoàng Quang Dùng – Trưởng bản Thèn Xin kể: từ năm 2009 trở về trước, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của bà con trong bản gặp rất nhiều khó khăn nhất là vào mùa mưa, đường đất trơn trượt, lầy lội, người lớn, trẻ nhỏ ngã là bình thường. Năm 2012 được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bản được làm đường giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đến năm 2023, khi đường xuống cấp, bản tiếp tục được nhà nước đầu tư làm lại. Giờ ô tô, xe máy vào tận bản, thương lái đến từng hộ, từng nương mua nông sản, kinh tế của bản nhờ thế mà được thúc đẩy phát triển”.
Nhân dân trong bản mùa nào thứ nấy gieo trồng theo đúng khung lịch thời vụ. Lúa, ngô canh tác giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, đảm bảo nguồn lương thực sinh hoạt hàng ngày và chăn nuôi. Bên cạnh đó, bà con còn phát triển cây khoai sọ, sắn có giá bán ổn định, kết hợp phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm với tổng đàn gần 4.000 con. Một số hộ dân còn đi thu mua nông sản trong bản bán cho thương lái; làm công nhân tại các tỉnh vùng xuôi. Chính sự nỗ lực của bà con đã giúp đời sống cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người của bản đạt 40 triệu đồng/người/năm. Trong bản xuất hiện nhiều hộ làm kinh tế giỏi có mức thu nhập từ 100-200 triệu đồng/năm như gia đình các anh, chị: Hoàng Phủ Dùng, Hoàng Vần Phà, Hoàng A Đẩu, Lý Chỉn Thông, Phàn Dâu Pao, Hoàng Xa Kin…
Chị Hoàng Xa Kin chia sẻ: Trước đây gia đình tôi chủ yếu trồng chuối, tuy nhiên vài năm gần đây khi chuối bị bệnh nhiều, năng suất giảm, đầu ra không ổn định thì gia đình tôi đã quyết định chuyển toàn bộ 1ha diện tích trồng chuối sang trồng khoai sọ, trồng thêm 6.000m2 sắn. Mỗi năm bình quân gia đình tôi thu được 5 tấn khoai sọ, 4 tấn sắn, với giá bán 20.000 đồng/kg khoai sọ, 2.000 đồng/kg sắn, nuôi trên dưới 10 con lợn. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi trên 100 triệu đồng/năm. Gia đình có của ăn của để, cuộc sống ổn định.

Kinh tế phát triển giờ đây 70% số hộ trong bản đã có nhà xây, 100% số hộ có xe máy, 4 hộ có ô tô. Cả bản chỉ còn 9 hộ nghèo. Các hộ quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, việc chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, chung tay xây dựng nông thôn mới. Qua thống kê, đến nay 100% trẻ em của bản trong độ tuổi đi học được đến trường. Khi ốm đau người dân chủ động đến cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh. Các cuộc vận động, phong trào, hoạt động địa phương thu hút đông đảo nhân dân tham gia nhất là các hoạt động bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan sạch đẹp. Cả bản có đến 90% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh.
“Sự đổi thay tích cực nữa ở bản trong những năm gần đây cũng phải kể đến đó là sự chung tay của người dân trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thông qua việc may, mặc các trang phục truyền thống. Nhiều hủ tục lạc hậu được xóa bỏ, người dân tích cực thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ. Tình trạng tảo hôn, sinh con thứ 3 giảm hẳn. Nếu như trước đây trong bản mỗi năm có từ 3-5 cặp vợ chồng sinh con thứ 3, học sinh THCS nghỉ học ở nhà lấy chồng vẫn còn, thì giờ trong bản không còn tình trạng học sinh THCS nghỉ học giữa chừng lấy chồng, vài năm trong bản mới có 1 cặp vợ chồng sinh con thứ 3” – Ông Dùng cho biết thêm.

Không những vậy, trong bản không có người nghiện ma túy, an ninh trật tự đảm bảo, trình trạng mất trộm cắp vặt ít khi xảy ra. Nhiều năm bản được công nhận bản văn hóa, năm 2024 cả bản có 91% số hộ được công nhận gia đình văn hóa. 100% số hộ được sử dụng điện, 100% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Đời sống người dân cải thiện rõ rệt.
Tin rằng, với kết quả đạt được sẽ là động lực để bản tiếp tục vươn lên thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị đề ra, đưa vùng biên Phong Thổ ngày càng phát triển.