A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiệu quả bước đầu các hoạt động giáo dục nghề nghiệp cho học sinh ở Phong Thổ

Linh hoạt và sáng tạo trong việc lựa chọn nội dung và hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục nghề nghiệp là cách làm của nhiều trường học bậc trung học cơ sở (THCS) ở huyện Phong Thổ trong thời gian vừa qua. Đây là hướng đi đã mang lại hiệu quả giáo dục cao trong việc định hướng nghề nghiệp trong tương lai cho các em học sinh.

Các em học sinh tham gia trải nghiệm làm bàn, ghế đá

 

Trường THCS Khổng Lào có 8 lớp, 271 học sinh. Từ giữa năm 2021, trường đã phối hợp với tổ chức Quốc tế Plan tại Việt Nam thực hiện mô hình làm bàn ghế đá để các em học sinh được trải nghiệm và định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Thực hiện mô hình này, nhà trường được tổ chức Plan hỗ trợ khuôn, máy phun sơn và nguyên vật liệu ban đầu. Nhằm tạo sự kết nối giữa kiến thức sách vở và kiến thức thực tế, nhà trường đã phân công giáo viên phụ trách hướng dẫn các em học sinh kỹ thuật làm bàn, ghế đá; các em học sinh sẽ tham quan, ghi chép lại các hướng dẫn của thầy giáo và tham gia những công việc nhẹ nhàng như: lắp ghép, phun sơn, trang trí. Sau gần 2 năm thực hiện mô hình, trường THCS Khổng Lào đã làm được 20 ghế, 3 bàn để bày tại khuôn viên nhà trường tạo cảnh quan sạch đẹp và bán ra thị trường 6 bộ bàn, ghế đá (gồm 6 bàn, 18 ghế) để có kinh phí mua nguyên vật liệu cho những lần sản xuất tiếp theo. Em Vàng Hùng Anh,  học sinh lớp 8B chia sẻ: tham gia hoạt động trải nghiệm em được các thầy, cô dạy cách làm bàn, ghế đá; trong các công đoạn em thấy trộn vữa là khó nhất vì nếu trộn các vật liệu không đều sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm. Qua hoạt động này, em thấy làm bàn, ghế đá là một nghề phù hợp để giúp em và các bạn có thêm thu nhập sau khi tốt nghiệp.

Học sinh được thầy giáo hướng dẫn kỹ thuật cơ khí thông qua mô hình trải nghiệm hướng nghiệp

 

 

Bên cạnh đó, xuất phát từ đặc thù là một môn học bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được đưa vào dạy học ở lớp 6, 7; trường THCS Khổng Lào đã thực hiện các tiết dạy hướng nghiệp cho học sinh là 3 tiết/tuần, trong đó một tiết là hoạt động sinh hoạt dưới cờ vào thứ 2 hàng tuần, các tiết còn lại được thực hiện theo chủ đề và kết hợp với sinh hoạt lớp. Thông qua các tiết dạy này, nhà trường đã tổ chức chương trình trải nghiệm hướng nghiệp đúng với quy định và mục tiêu đề ra là học sinh vừa được học, vừa được trải nghiệm và qua đó định hướng nghề nghiệp. Thầy Nguyễn Đức Tiệp, Hiệu trưởng trường THCS Khổng Lào cho biết: nội dung giáo dục hướng nghiệp cho học sinh  đã có những hiệu quả bước đầu rất thiết thực góp phần giúp các em tự nhận biết khả năng của mình, hiểu về các ngành để có những định hướng, lựa chọn phù hợp sau khi tốt nghiệp THCS. Đối với các thầy, cô giáo ngay  khi được tập huấn các Module đã áp dụng vào tổ chức các hoạt động giáo dục và các tiết dạy trên lớp hướng đến phát triển phẩm chất năng lực của học sinh.

Một tiết học tích hợp giáo dục hướng nghiệp

 

Trong thời gian qua, các trường học bậc THCS trên địa bàn huyện Phong Thổ đã và đang đẩy mạnh thực hiện các hoạt động, mô hình sinh kế giáo dục nghề nghiệp gắn với đặc thù vùng miền và điều kiện thực tế của địa phương. Trong đó, hướng tới phương châm và cách tổ chức sao cho linh hoạt, sáng tạo, phù hợp và thiết thực. Được biết năm 2021, toàn huyện có 5 trường được tổ chức Plan hỗ trợ thực hiện các mô hình làm chậu hoa, trồng nấm, làm xưởng cơ khí, làm bàn ghế đá và trồng rau. Sau khi thấy hiệu quả của các mô hình này đối với việc định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh đặc biệt là các em ở khối lớp 8,9. Năm 2022, Phòng giáo dục và đào tạo huyện đã tiếp tục hỗ trợ cho 13 trường còn lại giúp các nhà trường chủ động tổ chức các hoạt động trải nghiệm tại chỗ gắn với đặc thù để học sinh dễ dàng tiếp cận, giảm chi phí, kết hợp với sự tương tác, hỗ trợ của các thầy, cô giáo và phụ huynh học sinh từ đó các em được hòa mình với kiến thức thực tiễn và có cơ hội để hình thành những ý tưởng hướng nghiệp trong tương lai. Đồng chí  Phan Như Thắng, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phong Thổ cho biết thêm: Trong chương trình đổi mới giáo dục phổ thông 2018 có nội dung giáo dục hướng nghiệp đặc biệt là hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp cho học sinh bậc THCS, vì vậy phòng đã chỉ đạo các đơn vị trường cần thực hiện tốt nhiệm vụ này. Đến thời điểm hiện tại, đa số các nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp cho học sinh phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, các mô hình đang thực hiện đều có hiệu quả thiết thực và có tác dụng hướng nghiệp cho học sinh của các đơn vị trường trên địa bàn huyện.

Giáo viên và học sinh tương tác trong tiết học tích hợp giáo dục hướng nghiệp

 

Tăng cường hoạt động giáo dục nghề nghiệp vừa rèn kỹ năng, vừa giúp học sinh kết nối giữa kiến thức sách vở bản thân học được với kiến thức thực tế để định hướng nghề nghiệp trong tương lai là hướng đi hiệu quả của việc đổi mới phương pháp dạy học mà yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đặt ra. Từ những hoạt động phong phú, sinh động và hiệu quả được các trường học bậc THCS trên địa bàn huyện Phong Thổ tổ chức đã minh chứng cho việc chủ động, tích cực và linh hoạt của các nhà trường, các thầy cô giáo để các em học sinh được hòa nhập với thực tiễn cuộc sống với những trải nghiệm thú vị và ý nghĩa.


Tác giả: Trịnh Toản
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT tỉnh mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 116
Hôm qua : 786