Thứ hai, 09/09/2024 - 09:09
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiệu quả bước đầu của mô hình sinh kế nuôi gà bản địa tại Khổng Lào

Thời gian qua, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện phối hợp với Ban quản lý dự án Plan đã thực hiện mô hình sinh kế nuôi gà bản địa tại xã Khổng Lào. Qua mô hình đã chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các học viên là hội viên phụ nữ và đoàn viên thanh niên, từ đó giúp các học viên áp dụng vào thực tiễn sản xuất và chuyển giao cho các hộ khác góp phần thay đổi tập quán chăn nuôi tại địa phương từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi bán chăn thả và chăn nuôi tập trung lớn.

 
Các học viên và nhân dân tham quan mô hình sinh kế nuôi gà bản địa tại bản Huổi Phặc

 

Chị Thùng Thị Mai là một trong những hội viên phụ nữ ở bản Huổi Phặc xã Khổng Lào tham gia mô hình sinh kế nuôi gà bản địa. Cũng như nhiều hội viên phụ nữ khác, khi mới tham gia mô hình, chị Mai chưa có kinh nghiệm nuôi gà với số lượng nhiều, bởi vì từ trước đến nay, chị chỉ nuôi gà với số lượng nhỏ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình với hình thức chăn nuôi thả vườn, do vậy việc chăm sóc đàn gà theo hình thức chăn nuôi tập trung còn nhiều bỡ ngỡ. Tuy nhiên, chị Mai đã được cán bộ chuyên môn hướng dẫn tỉ mỉ cho nên chỉ trong một thời gian ngắn, chị đã nắm vững kỹ thuật và thường xuyên hướng dẫn lại cho các hội viên phụ nữ khác cùng tham gia mô hình. Chị Mai chia sẻ: Được hội phụ nữ xã Khổng Lào quan tâm, hỗ trợ tham gia mô hình sinh kế nuôi gà bản địa, sau hơn 2 tháng chăm sóc, hiện giờ đàn gà của gia đình đã lớn, gia đình dự định sẽ bán một phần để trang trải cuộc sống, một phần sẽ để làm giống cho những lứa gà tiếp theo.

Các học viên và nhân dân tham quan mô hình sinh kế nuôi gà bản địa tại bản Co Muông

 

Mô hình sinh kế nuôi gà bản địa tại xã Khổng Lào có 82 học viên ở các bản Co Muông, Huổi Phặc, Bản Đớ và Phai Cát tham gia. Mỗi học viên tham gia mô hình được cấp 40 con giống gà Ri chân vàng thuần chủng, thức ăn hỗn hợp phù hợp với từng độ tuổi của gà, cót quây phòng chống rét, vắc xin và thuốc thú y phòng chống dịch bệnh cho đàn gà. Bên cạnh đó, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyên và Ban quản lý dự án Plan thường xuyên cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn các học viên cách chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho đàn gà vì vậy tỷ lệ nuôi sống đạt 95%. Hiện nay, đàn gà đang sinh trưởng, phát triển mạnh, trọng lượng trung bình đạt từ 1,6 đến 1,8kg một con. Theo đánh giá, mô hình nuôi gà bản địa mang lại hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với các điều kiện khí hậu, phù hợp với trình độ lao động tại địa phương; với giá bán bình quân 120 nghìn đồng/1kg sẽ cho thu nhập khoảng 800 nghìn đồng/1 hộ/1 tháng. Đồng chí Lê Thị Liên, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Phong Thổ cho biết thêm: Trong quá trình thực hiện mô hình sinh kế nuôi gà bản địa tại xã Khổng Lào, các học viên tham gia rất nhiệt tình, tích cực có tinh thần học hỏi áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; Cán bộ chỉ đạo kỹ thuật chủ động bám nắm địa bàn hướng dẫn các hộ thực hiện mô hình theo đúng tiến độ đề ra; Mô hình triển khai phù hợp với nguyện vọng của các học viên, công tác hỗ trợ kịp thời và đầy đủ nên mô hình rất thành công.

Quang cảnh buổi hội thảo tổng kết mô hình sinh kế nuôi gà bản địa tại xã Khổng Lào

 

Mô hình sinh kế nuôi gà bản địa ở Khổng Lào đã khai thác hiệu quả nguồn lao động tại địa phương. Từ những con giống khỏe, chất lượng của mô hình sẽ giúp phát triển nhân rộng đàn gà trong những năm tiếp theo, qua đó người dân ngày càng chủ động được nguồn thực phẩm chỗ cũng như đáp ứng nhu cầu của thị trường và từng bước nâng cao đời sống vật chất.


Tác giả: Trịnh Toản
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT tỉnh mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 366
Hôm qua : 1.702