Hội nghị phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập
Sáng nay (20/8), Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị tại điểm cầu Chính phủ còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương; các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước có liên quan…Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết nối từ điểm cầu Chính phủ đến 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có đồng chí Trần Tiến Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh và các đơn vị có liên quan…
Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã báo cáo tình hình thị trường lao động và một số giải pháp trọng tâm nhằm phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập. Theo đó, đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng mạnh đến thị trường lao động thời gian qua. Với các giải pháp mạnh mẽ để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút vốn đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng số lượng lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Hệ thống pháp luật được hoàn thiện tương đối đồng bộ và toàn diện, quyền lợi của người lao động được học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp ngày càng được quy định cụ thể. Các chính sách, chương trình và giải pháp tạo việc làm đã được triển khai đồng bộ, tích cực, hiệu quả. Giai đoạn 2012-2019 bình quân giải quyết việc làm trong nước cho khoảng 1,5 đến 1,6 triệu lao động mỗi năm...
Giai đoạn 2016-2020, cả nước hỗ trợ tạo, duy trì và mở rộng việc làm cho 728.939 lao động. Năm 2021, doanh số cho vay đạt 10.043,824 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 308.410 người lao động. 6 tháng đầu năm 2022, doanh số cho vay đạt 13.112,135 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 592.037 người lao động. Thông qua nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, nhiều lao động nông thôn, lao động nữ, lao động yếu thế đã được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho bản thân và cộng đồng.
Hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hiện nay, có trên 600.000 người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với thu nhập ổn định, gửi về nước lượng kiều hối lớn, khoảng 3,5 tỷ Đôla Mỹ/năm.
Từ năm 2021 đến nay, thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo các Nghị quyết số 68/NQ-CP, số 116/NQ-CP của Chính phủ, từ năm 2021 đến nay, trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí hơn 82 nghìn tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ gần 728.500 lượt người sử dụng lao động, trên 49,7 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác.
Tính đến ngày 19/8/2022, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện tại 60/63 địa phương đã tiếp nhận hồ sơ của 93 nghìn lượt doanh nghiệp với hơn 4 triệu lượt lao động với kinh phí đề nghị hỗ trợ gần 3 nghìn tỷ đồng. Hiện nay, các địa phương đang tích cực đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt, giải ngân.
Hiện nay, thị trường lao động Việt Nam đang phục hồi tương đối nhanh với mức tăng khá cả trong lực lượng lao động và việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, chất lượng việc làm được cải thiện, thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng, tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm được cải thiện. Lực lượng lao động 6 tháng đầu năm 2022 là 51,4 triệu người, tăng 400 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Lao động có việc làm 6 tháng đầu năm 2022 là 50,288 triệu người, tăng 417 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, cho thấy tín hiệu phục hồi nhanh của thị trường lao động sau đại dịch COVID-19. Thu nhập bình quân của lao động 6 tháng đầu năm 2022 là 6,5 triệu đồng, tăng 326 nghìn đồng, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước…
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu các bộ, ngành, địa phương, các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước tập trung vào các vấn đề như kinh nghiệm trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải pháp ứng phó với tình hình trong nước, quốc tế; các khuyến nghị, chính sách đối với thị trường lao động tại Việt Nam…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Phát triển thị trường lao động hiện đại, linh hoạt và hội nhập, tạo việc làm có năng suất cao và bền vững là một trong những nội dung quan trọng đã được xác định trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Do vậy, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về thị trường lao động, việc làm cho người lao động; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng linh hoạt, hiệu quả, nội lực hóa, cụ thể hóa các tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế về thị trường lao động, việc làm. Đẩy mạnh hơn nữa hệ thống đào tạo nghề cho người lao động, nắm bắt nhu cầu thị trường, đảm bảo đi đúng hướng, hiệu quả tập trung vào những lĩnh vực như chuyển đổi số, năng lượng xanh… Nâng cao chất lượng nguồn lao động, xây dựng thị trường lao động hiện đại, minh bạch, tạo điều kiện cho người lao động, doanh nghiệp tiếp cận thông tin về thị trường việc làm, nguồn cung – cầu lao động. Quan tâm đến dịch chuyển lao động đảm bảo cung – cầu hợp lý, đẩy mạnh liên kết thị trường lao động trong và người nước, tạo việc làm cho lao động nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đổi mới công tác đào tạo nhân lực, lao động, huy động nguồn lực cho phát triển nguồn nhân lực, tăng tính hội nhập, năng động sáng tạo cho người lao động. Phát triển thị trường lao động theo hướng hiện đại, linh hoạt và hội nhập. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nâng cao kỹ năng, đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực… đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn hiện nay.