Hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 với các địa phương
Sáng nay (29/7), Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 tổ chức Hội nghị trực truyến với các địa phương về kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia 6 tháng đầu và nhiệm vụ, giải pháp trọng 6 tháng cuối năm 2022. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến đến điểm cầu 63 tỉnh, thành phố toàn quốc. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021 - 2025 chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị tại điểm cầu Lai Châu có đồng chí Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Lai Châu; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Lai Châu…
6 tháng đầu năm 2022, các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 đã tập trung xây dựng, ban hành, trình cấp có thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống cơ chế, chính sách khung, làm cơ sở để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai.
Về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tính đến tháng 7/2022, cả nước có 5.813/8.227 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 803 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 94 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. 253 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới; 17 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã phê duyệt Đề án triển khai OCOP cấp tỉnh và đã có 8.340 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên...
Về thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực, triển khai đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ thông qua những chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội. Dự kiến kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo cuối năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 1,2%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo giảm 1% và tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 0,2%...
Về Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong 6 tháng đầu năm 2022, Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ về Chương trình chính sách phát triển cho Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; sử dụng nguồn kinh phí viện trợ để đầu tư phát triển hạ tầng thiết yếu liên xã, phát triển nhân lực vùng dân tộc thiểu số và miền núi; thực hiện hoạt động trao đổi, đề xuất với một số nhà tài trợ, đối tác phát triển về việc hợp tác hỗ trợ nguồn lực tài chính, kỹ thuật, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức triển khai chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...
6 tháng cuối năm 2022, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 tiếp tục hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; tăng cường hiệu quả công tác truyền thông, vận động, huy động tối đa nguồn lực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp Nhân dân tham gia hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu về giảm nghèo đã đề ra; tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025; hướng dẫn các địa phương triển khai các hoạt động đầu tư Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đảm bảo kịp thời, đúng kế hoạch; tập trung tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả đầu tư của Chương trình…
Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện và đề xuất các giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trong 6 tháng cuối năm 2022.
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực của các bộ, ngành liên quan và địa phương trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia 6 tháng đầu năm 2022. Đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung quán triệt, nâng cao vai trò, nhận thức của các cấp chính quyền và cả hệ thống chính trị về các Chương trình mục tiêu quốc gia; lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, tập trung chỉ đạo và bố trí đủ nguồn lực để thực hiện, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của chương trình năm 2022. Các bộ, ngành trung ương liên quan sớm hoàn thiện các thông tư hướng dẫn, kế hoạch để ban hành cho địa phương triển khai thực hiện; đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn từ các chương trình của năm 2022, sớm ban hành kế hoạch thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2025; tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới; nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho cán bộ và người dân về xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế nông thôn...