Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ
Ngày 12/7/2023 vừa diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 - phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính – Chủ tịch Ủy ban chuyển đổi số quốc gia dự và chủ trì Hội nghị. Tại điểm cầu huyện Phong Thổ, dự có đồng chí Mai Thị Hồng Sim, Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện.
6 tháng đầu năm 2023, 100% các bộ, ngành, địa phương đã thiết lập, thường xuyên duy trì và phát triển hoạt động của các chuyên trang, chuyên mục về chuyển đổi số trên Cổng Thông tin điện tử của cơ quan, địa phương. Đồng bộ sử dụng biểu trưng Chuyển đổi số quốc gia do Bộ TT&TT đã công bố năm 2022 trên các kênh truyền thông về chuyển đổi số. Đặc biệt, Bộ TT&TT thực hiện phát triển Kênh Zalo OA “Chuyển đổi số quốc gia” trên nền tảng Zalo. Đến tháng 6/2023, kênh đã đạt 140.000 người quan tâm, mỗi bài đăng trung bình có hơn 10.000 lượt tương tác. Đối với Đề án 06, Chính phủ, các bộ, ngành địa phương đã quyết liệt triển khai nhằm mục tiêu “Xây dựng nền hành chính văn minh, phát triển kinh tế, xã hội và phòng chống tội phạm”. Đến nay, các đơn vị đã rà soát, sửa đổi, đơn giản hóa được 388/1.146 TTHC (đạt 34%). Có 15 bộ, cơ quan và 62/63 địa phương đã hoàn thành triển khai hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh trên cơ sở hợp nhất Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử (đạt 92,77%). Ngoài ra, Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 4.409 dịch vụ công trực tuyến. Văn phòng Chính phủ phối hợp tích hợp, cung cấp dịch vụ công. Qua đó hàng năm tiết kiệm cho Nhà nước 2.505 tỷ đổng.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh phát triển chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu và đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần phát huy kết quả đạt được, khắc phục khó khăn đẩy mạnh chuyển đổi số. Phải có sự đột phá trong thực hiện về: nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành; lựa chọn nội dung trọng tâm, trọng điểm thực hiện. Cụ thể, phải tập trung vào 4 ưu tiên đó là: phát triển cơ sở dữ liệu; đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến; phát triển hạ tầng nền tảng công nghệ số; đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin. Đối với Đề án 06 các bộ, ngành, địa phương cần phải quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành. Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện. Phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; huy động nguồn lực, sự tham gia của người dân, cộng đồng doanh nghiệp… Quyết tâm phấn đấu thực hiện kết quả 6 tháng cuối năm phải cao hơn kết quả 6 tháng đầu năm 2023 và năm 2023 phải cao hơn năm 2022.