Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai xây dựng, VTVL trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập
Sáng ngày 8/12/2023, Bộ nội vụ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai xây dựng, quản lý vị trí việc làm (VTVL) trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Dự tại điểm cầu huyện Phong Thổ có đồng chí Trần Bảo Trung – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện.
Theo báo cáo của Bộ nội vụ, việc xây dựng danh mục VTVL, bản mô tả công việc và khung năng lực của VTVL cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã giai đoạn từ năm 2019 đến nay được đặt dưới sự chỉ đạo thống nhất của Thường trực Ban Bí thư và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Nghị định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực. Các VTVL được xây dựng với mức độ khái quát cao theo chức năng nhiệm vụ của từng ngành, lĩnh vực từ Trung ương đến địa phương, có tính đến mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động, phạm vi đối tượng phục vụ, quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ của công việc theo chức năng, nhiệm vụ tương ứng với từng ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức. Các VTVL được thiết kế gắn với yêu cầu kết quả sản phẩm đầu ra theo từng chức năng, nhiệm vụ tương ứng với từng ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức. Việc xác định VTVL theo hướng dẫn thống nhất của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực bảo đảm tính thống nhất, liên thông trong hệ thống các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp, khắc phục toàn bộ tồn tại, hạn chế đối với việc xác định VTVL gắn với ngạch tối thiểu như quy định trước đây. Các Bộ, ngành Trung ương và địa phương đã triển khai xây dựng và phê duyệt VTVL đối với các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và thực hiện tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chức, viên chức theo VTVL nên có điều kiện tiếp cận và điều chỉnh kịp thời theo phân cấp của Chính phủ, vừa bảo đảm tính kế thừa và vừa đáp ứng yêu cầu thống nhất, liên thông, đồng bộ về xây dựng và quản lý VTVL trong hệ thống chính trị. Kết quả, cả nước đã xây dựng được 840 VTVL trong cơ quan, tổ chức hành chính, 31 VTVL trong cơ quan thuộc Chính phủ, 559 VTVL trong đơn vị sự nghiệp công lập, 17 VTVL cán bộ, công chức cấp xã. Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế về xây dựng và quản lý VTVL trong hệ thống chính trị theo quy định Đảng, Quốc hội và của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực; gắn việc phê duyệt VTVL trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện tinh giản biên chế công chức và giảm biên chế viên chức hưởng lương ngân sách nhà nước; đổi mới công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá công chức, viên chức theo VTVL gắn với kết quả sản phẩm đầu ra và thực hiện trả lương theo VTVL phù hợp với lộ trình cải cách chính sách tiền lương.