A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hợp tác xã Biên Cương: Đưa chè cổ thụ đến gần với người tiêu dùng

Mới đi vào hoạt động hơn 1 năm, hợp tác xã (HTX) Biên Cương (xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ) đã cung ứng các sản phẩm chè cổ thụ có chất lượng ra thị trường, được người tiêu dùng lựa chọn. Qua đó, quảng bá sản phẩm hàng hóa của Phong Thổ đến khách hàng gần xa, góp phần giữ gìn và khai thác hiệu quả chè cổ thụ theo hướng bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân.

Men theo tuyến đường dài từ thành phố Lai Châu qua các xã vùng thấp, vùng cao biên giới của huyện Phong Thổ, chúng tôi đến thăm trung tâm xã Mồ Sì San - nơi HTX Biên Cương đặt xưởng sản xuất thứ nhất. Lúc này là giữa buổi sáng, thành viên HTX đang cần mẫn làm việc. Tiếng máy sao vận hành êm êm, hương chè cổ thụ lan tỏa khắp nơi. Tìm hiểu chúng tôi được biết, HTX Biên Cương có 7 thành viên, đi vào hoạt động từ tháng 5/2019 với số vốn điều lệ trên 1 tỷ đồng. HTX đăng ký nhiều vực kinh doanh gồm: thu mua, chế biến chè cổ thụ; ươm cây giống dược liệu (sâm, thất diệp); chăn nuôi tập trung; trồng, chăm sóc, bảo vệ, phát triển rừng... Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, HTX đã thực hiện 2 lĩnh vực kinh doanh là: thu mua, chế biến chè cổ thụ và ươm cây giống dược liệu.
Xác định thu mua, chế biến chè cổ thụ là lĩnh vực chính, HTX đầu tư trên 700 triệu đồng mua 4 máy sao, 2 máy vò, 1 máy sấy. Công suất hoạt động các máy đạt 3 tạ chè tươi/ngày. HTX tiến hành thu mua chè tại 2 điểm thuộc 2 xã Mồ Sì San, Sì Lờ Lầu. Điều quan trọng HTX luôn quan tâm tuyên truyền vai trò của chè cổ thụ đối với bảo vệ môi trường, bảo vệ biên gới, hiệu quả kinh tế chè cổ thụ mang lại. Vận động Nhân dân không khai thác chè ồ ạt mà khai thác theo hướng bền vững gắn liền với công tác bảo vệ, giữ gìn thông qua việc không chặt cây, đốn cành. HTX tổ chức cho Nhân dân đăng ký thu hái chè cổ thụ trên rừng. Hộ gia đình nào đăng ký đầy đủ, sản phẩm chè búp tươi đúng 1 tôm 1 lá, 1 tôm 2 lá, không dập nát, không ôi, HTX mua với giá ổn định 30.000 đồng/kg. Ngược lại, nếu hộ gia đình không đăng ký, chất lượng chè kém sẽ bị mua với giá thấp hơn.
Đại úy Phan Mạnh Thiết – cán bộ Đồn biên phòng Vàng Ma Chải được đơn vị tin tưởng cử sang giúp đỡ HTX Biên Cương trong quá trình hoạt động. Bản thân anh cũng đang là thành viên HTX. Trao đổi với chúng tôi, anh Thiết khẳng định: “HTX Biên Cương là HTX đầu tiên trong tỉnh thành lập, hoạt động trong lĩnh vực thu mua, chế biến chè cổ thụ. Những ngày đầu, HTX gặp không ít khó khăn do kỹ thuật thu hái của bà con còn hạn chế, bảo quản sản phẩm sau thu hái chưa đúng quy trình. Bước sang năm 2020, dịch covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường đầu ra sản phẩm chè phần nào cũng bị ảnh hưởng. Bằng sự cố gắng của các thành viên, năm 2019 HTX sản xuất và cung ứng ra thị trường trong, ngoài tỉnh trên 2 tạ chè khô, giá bán trung bình 2 triệu đồng/kg, thu về gần 400 triệu đồng. 8 tháng đầu năm 2020, HTX sản xuất ra 6 tạ chè khô, đã bán 2/6 tạ chè khô”.
4 mặt hàng: bạch trà, trà xanh, hồng trà, hoàng trà là sản phẩm có chất lượng của HTX Biên Cương được người tiêu dùng yêu thích, lựa chọn. Điều quan trọng các loại chè mọc tự nhiên trên rừng, ở những nơi có độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, quanh năm sương mù bao phủ, tạo cho chè có hương vị thơm đặc trưng. Hơn nữa, chè được sản xuất bằng các loại máy dùng điện, mặc định nhiệt độ phù hợp khi sao, sấy, cho sản phẩm có độ đồng đều, chất lượng đảm bảo. Sản phẩm hoàn chỉnh là những búp chè khô còn nguyên vẹn, không bị đứt gãy, dập nát, đầu búp cong cong đẹp mắt. Mùi thơm của chè nhẹ nhàng, mầu nước bắt mắt, tạo cho người thưởng thức ấn tượng khó quên. Điều này, khác hẳn tình trạng chế biến chè thủ công sử dụng lửa tạo nhiệt độ đồng đều sản phẩm ít, nhiều khi không sao, sấy kịp chè bị cháy, mất thẩm mỹ, giảm chất lượng.
Được biết, hiện nay, toàn huyện Phong Thổ có khoảng 6 nghìn cây chè Shan tuyết, chè hoa đỏ cổ thụ. Hầu hết số chè trên sống tập trung ở khu vực biên giới kéo dài từ các xã Sì Lở Lầu đến Sin Suối Hồ (riêng xã Mồ Sì San có trên 1.000 cây chè cổ thụ, xã Sì Lở Lầu có trên 2.000 cây). Theo Đề án của UBND huyện Phong Thổ về “Bảo tồn và phát triển vùng chè cổ thụ trên địa bàn huyện” đang hoàn thiện để trình UBND tỉnh phê duyệt, từ năm 2021-2025, chè cổ thụ sẽ được trồng mới bổ sung 120 ha ở 6 xã: Sì Lở Lầu, Mồ Sì San, Pa Vây Sử, Hoang Thèn, Tung Qua Lìn, Dào San (Mồ Sì San nhiều nhất 40ha).
Để đạt mục tiêu sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị sản phẩm, bắt kịp xu thế phát triển, tình hình thực tế địa phương, thời gian tới HTX Biên Cương tiếp tục đề nghị Điện lực huyện nâng công suất điện để xưởng sản xuất chè cổ thụ thứ 2 ở xã Sì Lở Lầu hoạt động hiệu quả (trước đây đã có xưởng nhưng điện yếu không hoạt động được). Năm 2020 HTX nâng công suất hoạt động chè búp tươi, dự kiến mở rộng địa điểm thu mua chè sang 2 xã: Pa Vây Sử, Tung Qua Lìn, phấn đấu sản xuất ra trên 1 tấn chè khô. Năm 2021 sản xuất ra 2 tấn chè khô.
Tin tưởng, với cách làm phù hợp, HTX Biên Cương sẽ ngày càng phát triển, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế địa phương, giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đặc biệt, là thúc đẩy phát triển vùng chè cổ thụ gắn với phát triển du lịch nơi biên giới, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương.
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT tỉnh mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 928
Hôm qua : 1.901