Nỗ lực cho mùa vàng bội thu
Gieo cấy lúa đúng khung lịch thời vụ, tập trung chăm sóc tốt diện tích đã gieo cấy… là những giải pháp huyện Phong Thổ triển khai nhằm hướng tới một vụ mùa bội thu.
Phong Thổ là huyện biên giới, có địa hình chủ yếu là núi cao, vào thời điểm mùa khô, lượng nước sản xuất thiếu nên nhiều diện tích chỉ có thể canh tác một vụ. Để giúp người dân nâng cao hệ số sử dụng đất trên cùng đơn vị diện tích cũng như đảm bảo nguồn lương thực, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động Nhân dân tập trung toàn bộ máy móc, nhân lực làm đất. Đồng thời, tiến hành gieo cấy lúa vụ đông xuân đúng khung lịch thời vụ (bắt đầu từ tháng 1/2023 đến hết tháng 2/2023).
Khuyến khích bà con tùy theo điều kiện địa hình, nguồn nước để lựa chọn giống lúa, hình thức gieo, cấy lúa cho phù hợp. Hướng dẫn người dân cách phòng, chống rét cho lúa mạ và ngay khi thời tiết nắng ấm tiến hành gieo, cấy, tỉa dặm… đảm bảo cho lúa sinh trưởng và phát triển tốt.
Người dân bản Phiêng Đanh (xã Mường So) tỉa dặm cho lúa.
Đồng chí Vũ Hữu Lưỡng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ cho biết: “Vụ đông xuân năm nay, huyện Phong Thổ dự kiến gieo cấy 738ha, đến thời điểm này cơ bản người dân gieo cấy xong diện tích, đảm bảo theo đúng kế hoạch. Trong đó, diện tích lúa trà muộn vừa gieo cấy xong; trà trung đang bén rễ, hồi xanh; trà sớm đang đẻ nhánh và đẻ nhánh rộ”.
Bà con đang tiến hành các biện pháp tỉa dặm, bón phân cho lúa trà sớm và trà trung, tập trung ở các xã: Mường So, Khổng Lào. Đáng mừng nhất trong vụ đông xuân năm nay, bà con một số xã vùng cao như: Sì Lở Lầu, Vàng Ma Chải đã mạnh dạn đưa các giống lúa mới VNR20, TBR255 vào cấy. Từ đó, mở ra cơ hội có thêm nguồn lương thực phục vụ đời sống hàng ngày, phát triển chăn nuôi và cung ứng ra thị trường.
Đến thăm cánh đồng lúa ở xã Mường So, nơi bà con bản Phiêng Đanh đang canh tác chúng tôi nhận thấy diện tích lúa ở đây đang phát triển tốt. Rất đông bà con đang tranh thủ thời tiết nắng ấm để tỉa dặm, bón phân cho lúa.
Chị Điêu Thị Kiện - người dân bản Phiêng Đanh nói: “Nguồn thu nhập chính của gia đình tôi chỉ từ chăn nuôi lợn, gà và trồng lúa, ngô nên trong tất cả các vụ canh tác tôi đều cố gắng chăm sóc lúa cẩn thận, theo đúng hướng dẫn của cán bộ chuyên môn. Riêng trong vụ đông xuân này, gia đình tôi gieo cấy gần 1.000m2 lúa với 100% giống JO2. Mới đầu trời lạnh cây phát triển chậm nhưng giờ nắng ấm cây hồi xanh phát triển rất nhanh. Gia đình tôi đã tỉa dặm 2 buổi, dự kiến chỉ vài buổi nữa là sẽ xong cả 2 ruộng”.
Điều tiết lượng nước vào ruộng và bón phân cân đối cũng là giải pháp được nhiều người dân huyện Phong Thổ lựa chọn để lúa phát triển tốt.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, không chỉ gia đình chị Kiện mà các gia đình khác trên địa bàn xã Mường So cũng hoàn thành việc gieo cấy lúa. 196/196ha lúa đã gieo cấy xong. Cán bộ xã đang hướng dẫn người dân đẩy nhanh tiến độ tỉa dặm, bón phân đợt 1 cho lúa, thường xuyên thăm đồng, điều tiết lượng nước vào ruộng để cây phát triển nhanh, hạn chế sâu bệnh. Xã phấn đấu bình quân lương thực đầu người của xã tăng từ 283kg/người/năm (năm 2022) lên 304kg/người/năm (năm 2023).
Với xã Khổng Lào - nơi được coi là vựa lúa lớn của huyện những ngày này cũng có rất đông bà con ra đồng chăm sóc lúa. Ông Mào Văn Nghin - người dân bản Phai Cát bộc bạch, vụ đông xuân năm trước ruộng lúa của gia đình tôi được mùa, có lương thực để ăn và bán ra thị trường, tôi rất vui. Bây giờ thăm đồng thấy lúa có biểu hiện bị bệnh rầy nâu nên tôi mua thuốc về phun ngay, cơ bản sâu bệnh bị đẩy lùi.
Theo dự báo, thời gian tới thời tiết nắng ấm, kèm theo mưa rào, là điều kiện để lúa phát triển nhanh nhưng cũng là yếu tố khiến sâu bệnh phát sinh gây hại mạnh. Các cán bộ nông nghiệp tiếp tục đồng hành, hướng dẫn bà con biện phòng trừ kết hợp bón phân cân đối trong từng giai đoạn của lúa.
Hy vọng với sự nỗ lực của cán bộ và bà con, vụ đông xuân năm nay huyện Phong Thổ sẽ có một mùa vàng bội thu.