Thứ tư, 24/04/2024 - 15:46
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng là chính, ứng phó kịp thời

Là địa phương thường xuyên hứng chịu tác động của thiên tai, huyện Phong Thổ chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống và ứng phó trên tinh thần “Phòng là chính, ứng phó kịp thời” nhằm giảm thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Phong Thổ là huyện biên giới nằm ở phía bắc của tỉnh Lai Châu với 17 xã, thị trấn. Trong đó, hầu hết các xã là vùng cao, địa hình phức tạp. Nhiều điểm dân cư sống trên các sườn núi, dốc, chủ yếu là nhà tạm, nhà bán kiên cố. Trong khi đó, từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm trên địa bàn huyện hay xảy ra các trận mưa giông, gió lốc, lũ ống, sạt lở đất chủ yếu về đêm với cường độ lớn trên diện rộng và kéo dài ngày liên tục, làm cho lũ trên các sông suối lên nhanh, mức độ lũ rất lớn. Điều này gây ra thiệt hại đến tài sản và tính mạng của Nhân dân, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Chỉ tính riêng trong năm 2022, thiên tai đã làm thiệt hại 68 nhà ở, 0,12ha cây lâu năm, 0,11ha cây dược liệu; 7,7ha đất ruộng bị sạt lở; 29 con trâu, nghé bị sét đánh; 8 công trình thủy lợi, 22 công trình giao thông, 4 công trình nhà lớp học bị hư hỏng... Tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng trên 8,7 tỷ đồng.
Rút kinh nghiệm, năm nay trước mùa mưa, huyện sớm kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) cấp huyện, xã; phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Thành lập đoàn kiểm tra, hướng dẫn công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai của địa phương. Phân công các thành viên phụ trách từng thôn, cụm dân cư, phân công lực lượng chốt trực tại các điểm xung yếu. Tổ chức diễn tập ở cấp xã, làm cơ sở để các xã, thị trấn khác học hỏi, triển khai ở địa phương.
Đồng chí Trần Bảo Trung - Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Huyện đã ban hành kế hoạch PCTT, xây dựng các phương án ứng phó tại địa phương, các vùng dân cư. Tập trung tuyên truyền các quy định của Luật Phòng chống thiên tai, các văn bản của cấp trên; bản tin cảnh báo thiên tai, cảnh báo tình hình thời tiết cực đoan đến các tầng lớp Nhân dân. Qua đó, giúp Nhân dân nắm được và chủ động các biện pháp phòng, chống, ứng phó bằng cách chủ động chằng chống nhà, không làm nhà ở khu vực có nguy cơ sạt lở, tỉa bớt cành lá với những giàn cây ăn quả cao nguy cơ đổ sập”.

Các lực lượng giúp người dân xã Ma Li Pho (huyện Phong Thổ) chằng chống nhà phòng, chống mưa bão, gió lốc.

Huyện thành lập 17 đội xung kích PCTT&TKCN với 1.332 thành viên; chuẩn bị sẵn các phương tiện tham gia thực hiện TKCN gồm: 23 bộ nhà bạt 16,5m2, 228 chiếc áo phao cứu sinh, 204 chiếc phao tròn, 1 bộ máy phát điện loại YH 6500, 8 thiết bị cảnh báo lượng mưa, 8 loa cầm tay, 15 đôi giày vải, 15 mũ chữa cháy... Chuẩn bị sẵn các nhu yếu phẩm để đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho Nhân dân, đồng thời, bổ sung nội dung chủ động về PCTT vào tiêu chí nông thôn mới cấp xã.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các xã, thị trấn rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở cao, cắm biển cảnh báo. Tổ chức bố trí sắp xếp cho các hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao tại các xã di chuyển đến nơi an toàn. Khi thiên tai xảy ra, UBND huyện kịp thời chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Chủ động huy động nguồn nhân lực, vật tư, trang thiết bị và các nhu yếu phẩm khác tại chỗ để ứng phó. Làm tốt công tác phối hợp giữa các lực lượng công an, quân đội và các ban, ngành đoàn thể trên địa bàn tích cực tham gia ứng phó TKCN khi có thiên tai xảy ra. Nhờ đó, từ đầu mùa mưa đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra 5 trận mưa bão song hậu quả được giảm đến mức thấp nhất và công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại kịp thời với tổng thiệt hại ước tính gần 700 triệu đồng.
Xã Lản Nhì Thàng là cửa ngõ của huyện. Hàng năm vào mùa mưa xã hay chịu tác động của các trận gió lốc, lũ ống, lũ quét nên ngay từ đầu mùa mưa, xã luôn chủ động công tác phòng, chống. Vì vậy, dù xảy ra nhiều trận mưa bão nhưng xã chỉ chịu ảnh hưởng của trận mưa bão, gió lốc xảy ra vào đêm ngày 29, rạng sáng ngày 30/4 vừa qua với 7 ngôi nhà bị tốc mái, bay ngói, bay thưng (tường nhà theo Đề án 645); 100 cây thông bị gãy, ước tính tổng thiệt hại là 130 triệu đồng, không có thiệt hại về người. Các hộ bị thiệt hại chủ yếu ở các bản: Lản Nhì Thàng, Séo Xiên Pho, Chiêu Sải Phìn.
Đồng chí Trịnh Khắc Tấn - Chủ tịch UBND xã Lản Nhì Thàng cho hay: Ngay sau khi thiên tai xảy ra, xã đã huy động các lực lượng cùng bà con Nhân dân các bản khắc phục hậu quả, sửa chữa lại nhà. 7/7 ngôi nhà giờ đã sửa xong, người dân ổn định cuộc sống. Đối với số cây thông bị gãy, cán bộ xã xuống tận nơi kiểm tra, thống kê lập danh sách để báo cáo cấp trên hỗ trợ. Hiện nay, xã đang tuyên truyền, hướng dẫn người dân chằng chống nhà chắc chắn; phát quang các cành cây lớn cạnh nhà. Thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo thời tiết để nắm bắt tình hình, phòng chống hiệu quả; nhanh chóng di chuyển đến nơi ở an toàn khi mưa bão lớn xảy ra.
Thời gian tới, bước vào cao điểm mùa mưa, dự báo tình hình thời tiết còn diễn biến phức tạp, nguy cơ mưa đá, gió lốc còn xảy ra, huyện Phong Thổ tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong việc phòng, chống thiên tai. Đôn đốc Nhân dân chằng chống nhà, chuồng trại, sơ tán các hộ có nguy cơ cao ảnh hưởng thiên tai đến nơi ở an toàn theo phương án đã xây dựng; cắt tỉa cành cây, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, lồng bè nuôi thủy sản. Chỉ đạo Nhân dân thu hoạch sớm hoa màu, lúa, thủy sản để giảm thiểu thiệt hại. Tổ chức trực ban 24/24 giờ tại Văn phòng Ban Chỉ huy để thu thập thông tin, tổng hợp báo cáo, thông báo về diễn biến của thiên tai, ứng phó, thiệt hại cũng như nhận các chỉ đạo của cấp trên để ứng phó kịp thời.


Tác giả: Thanh Hoa
Nguồn:https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/ph%C3%B2ng-l%C3%A0-ch%C3%ADnh-%E1%BB%A9ng-ph%C3%B3-k%E1%BB%8Bp-th%E1%BB%9Di Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT tỉnh mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.664
Hôm qua : 2.017