Phong Thổ tăng cường PBGDPL cho thanh, thiếu niên
Xác định việc tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho thanh thiếu niên nhất là các em học sinh trong các đơn vị trường trên địa bàn huyện Phong Thổ rất cần thiết trong tình hình hiện nay và cần sự chung tay của nhiều ngành không chỉ riêng ngành giáo dục. Thông qua các hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục sẽ giúp các em nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật và hướng tới chân, thiện, mỹ.
Những năm gần đây, Phòng Giáo dục và Đào tạo và các nhà trường trên địa bàn huyện Phong Thổ đã tăng cường công tác tuyên truyền PBGDPL sâu rộng, liên tục với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với đặc điểm của từng trường học. Vì vậy, các nhà trường đã tổ chức 190 buổi tuyên truyền PBGDPL lồng ghép trong các tiết dạy môn GDCD, đạo đức, sinh hoạt ngoại khóa, qua đó đã phổ biến pháp luật cho trên 18.000 lượt cán bộ giáo viên, học sinh cấp tiểu học và THCS. Năm 2023, nhằm sinh động hóa hình thức tuyên truyền PBGDPL, các đơn vị trường đã đưa các nội dung tuyên truyền pháp luật lồng ghép vào các cuộc thi, trò chơi. Điển hình như Hội thi “Rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức pháp luật” tại trường tiểu học và trung học cơ sở (TH&THCS) số 1 Bản Lang đã tạo sự hứng khởi cho học sinh tham gia. Nội dung PBGDPL tập trung vào các quy định pháp luật, chính sách thiết thực, liên quan đến thanh, thiếu niên, như: lao đông, việc làm; Luật dân sư; hình sự; hôn nhân và gia đình; bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; giao thông đường bộ; phòng, chống các tê ̣nạn xã hội, bình đẳng giới; bạo lực học đường. Đây là những vấn đề bức thiết rất cần lứa tuổi thanh, thiếu niên nhận thức đầy đủ và đúng đắn. Em Liềng Thị Huyền, lớp 8A, trường TH&THCS số 1 Bản Lang tâm sự: sau các buổi ngoại khóa, bản thân em đã nhận thức rõ nguyên nhân dẫn đến tảo hôn từ đó giúp em biết cách phòng tránh và sẽ cố gắng hết sức để không trở thành nạn nhân của vấn nạn này. Em sẽ dành nhiều thời gian để học tập, trang bị cho bản thân thật nhiều kiến thức giúp cho bản thân phát triển toàn diện hơn. Bên cạnh đó em cũng cố gắng tuyên truyền đến tất cả các bạn học sinh trong trường, người thân và cộng đồng để cùng chung tay đẩy lùi nạn tảo hôn.
Cô Vũ Thị Hồng Gấm, Phó Hiệu trưởng Trường TH&THCS số 1 Bản Lang chia sẻ: Giáo dục pháp luật trong nhà trường là nhiệm vụ quan trọng trong công tác giáo dục chung bởi lứa tuổi học sinh THCS có tâm sinh lý đang thay đổi, dễ là nạn nhân của các hành vi tiêu cực của xã hội. Thông qua các hội thi dưới hình thức sân khấu hóa, các em được tiếp cận pháp luật trực tiếp, bền bỉ, qua đó rèn luyện các kỹ năng sống, thực hành, trải nghiệm để giúp các em nắm vững những kiến thức cơ bản về pháp luật đặc biệt là tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống từ đó xây dựng môi trường học tập lành mạnh, các em trở thành những công dân tốt.
Việc tuyên truyền PBGDPL cho thanh, thiếu niên hiện nay đang được cấp ủy chính quyền, các đoàn thể, đơn vị quan tâm chú trọng, đặc biệt là phát huy hiệu quả trong việc truyền thông tại các đơn vị trường. Chỉ tính riêng năm 2022, huyện Phong Thổ đã tổ chức PBGDPL cho gần 13.000 thanh, thiếu niên, trong đó hơn 900 lượt thanh, thiếu niên khu vực thành thị và hơn 12.000 lượt thanh, thiếu niên khu vực nông thôn được PBGDPL. Đối với Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện đã tổ chức 18 buổi tuyên truyền cho hơn 11.000 cán bộ, giáo viên, học sinh trên địa bàn các xã, thị trấn góp phần nâng cao ý thức thượng tôn hiến pháp, pháp luật, tạo thói quen học tập, tìm hiểu pháp luật cho đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh. Đồng chí Đồng Thị Hồng, Phó trưởng Phòng Tư Pháp huyện Phong Thổ cho biết: trước đây, thực trạng các em học sinh bậc THCS bỏ học ở nhà lấy chồng, vi phạm luật ATGT rất nhiều vì thế các cơ quan chuyên môn của huyện, các xã, thị trấn đã có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, PBGDPL bằng nhiều hình thức như các hội thi trực tiếp, các cuộc thi online đã thu hút nhiều em tham gia, đồng thời huyện còn thường xuyên tổ chức tuyên truyền lồng ghép vào các cuộc họp thôn bản để phụ huynh và gia đình phối hợp tham gia giáo dục các em được tốt hơn cho nên hiện nay đã có sự thay đổi rõ rệt, các em đã chấp hành tốt luật an toàn giao thông, tình trạng tảo hôn ngày càng giảm.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên rất cần thiết. Bởi Thanh, thiếu niên là những người tuổi đời còn trẻ, năng động, sáng tạo, nhưng còn thiếu kinh nghiệm sống nên dễ bị lôi kéo thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Chính vì vậy, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên cần được thực hiện đồng bộ với các chủ trương, nhất là cụ thể hóa Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030” nhằm nâng cao hiểu biết xã hội, kỹ năng sống và giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống cho thanh, thiếu niên.