A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phong Thổ trên đà phát triển

Tập trung lãnh, chỉ đạo đúng, trúng trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế của địa phương, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư… sau 20 năm chia tách, xây dựng và phát triển, huyện Phong Thổ đã có nhiều đổi thay tích cực. Chính trị ổn định, kinh tế - xã hội phát triển, quốc phòng - an ninh được giữ vững; diện mạo vùng nông thôn ngày càng khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân từng bước được cải thiện.

Đánh thức tiềm năng, lợi thế
Huyện Phong Thổ mới chính thức ra mắt và đi vào hoạt động từ ngày 22/9/2002. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn song với tinh thần quyết tâm vượt khó, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn cùng vào cuộc phát huy nội lực thúc đẩy địa phương phát triển. Khai thác tiềm năng, lợi thế của huyện về đất đai rộng; nguồn nước dồi dào từ các sông, suối; các tiểu vùng khí hậu đặc trưng khác nhau từ độ cao 250m đến hơn 3.100m... để phát triển nông nghiệp. Quan tâm phát triển những cây trồng có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng như: gạo đặc sản, chè, mắc-ca, cây dược liệu, cây ăn quả ôn đới, nhiệt đới, địa lan...
Bên cạnh đó, huyện tận dụng lợi thế về giao thông với các tuyến đường quốc lộ: 12, 4D, 100, tỉnh lộ 132; Cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng để đẩy mạnh thông thương hàng hóa, cung ứng các mặt hàng ra thị trường, tăng giá trị hàng xuất khẩu. Trên cơ sở đó, làm tốt công tác giải quyết việc làm, giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông sản, tăng thu nhập cho người dân. Huyện sử dụng hiệu quả các nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Thực hiện các mô hình kinh tế mới; quy hoạch hạ tầng nông thôn, các vùng sản xuất, các xã nông thôn mới. Đồng thời, khuyến khích các địa phương phát triển du lịch gắn với bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Đồng chí Trần Bảo Trung - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cùng lãnh đạo thị trấn Phong Thổ thăm và động viên bà con thôn Đoàn Kết giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Đồng chí Trần Bảo Trung - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cùng lãnh đạo thị trấn Phong Thổ thăm và động viên bà con thôn Đoàn Kết giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Những kết quả nổi bật
Với những hướng đi đúng đắn, sau 20 năm chia tách, huyện Phong Thổ có bước tiến vượt bậc: kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh đều đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Hàng năm, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2002, tổng giá trị sản xuất toàn huyện đạt 47,3 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người là 1,05 triệu đồng/năm. Đến hết 6 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị sản xuất đạt 2.910 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người 36 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.
Huyện tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân vào địa bàn đầu tư xây dựng các công trình thủy điện, sản xuất vật liệu xây dựng. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm 2021 là 240.010 triệu đồng trong khi năm 2002 là 41 triệu đồng. Huyện đã tận dụng được thế mạnh của khu kinh tế Cửa khẩu Ma Lù Thàng trong phát triển kinh tế. Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng hoạt động xuất, nhập khẩu vẫn được duy trì. Riêng năm 2021, giá trị xuất khẩu hàng địa phương đạt 23 triệu USD (tăng 5,4 triệu USD so với năm 2020). Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: chuối 41.400 tấn, ngô 13.600 tấn, thảo quả 158 tấn. Hiện, toàn huyện có 16 sản phẩm OCOP, trong đó có 15 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao và 1 sản phẩm đạt 4 sao. Tỷ lệ che phủ rừng của huyện tăng từ 29,5% (năm 2002) lên 44,1% (năm 2022). Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt cao; tổng thu 6 tháng đầu năm thực hiện là 26.618 triệu đồng.
Công tác giáo dục và đào tạo được quan tâm, có chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ huy động học sinh ra lớp, học sinh chuyển lớp, chuyển cấp, học sinh giỏi các cấp đều đạt và vượt chỉ tiêu tỉnh giao. Chất lượng giáo dục vùng cao biên giới, vùng đặc biệt khó khăn được nâng lên. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng từ vùng thấp đến vùng cao. Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, công tác phòng, chống dịch Covid-19 thực hiện hiệu quả. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, thông tin, truyền thanh - truyền hình được đẩy mạnh. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.
Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ, đến nay huyện có 4 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 4,5%. Tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn đảm bảo; quốc phòng - an ninh ổn định; chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Quan hệ đối ngoại với huyện Kim Bình (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) được tăng cường và phát triển.
Động lực hướng tới tương lai
Trên cơ sở những kết quả đạt được, thời gian tới, huyện Phong Thổ tiếp tục phát huy nội lực sẵn có, tranh thủ sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh và các ngành, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Trọng tâm là phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp thông qua việc quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Phấn đấu giai đoạn 2021-2025 trồng 1.000ha chè, khai thác các thế mạnh của cây chè cổ thụ của địa phương. Phát triển diện tích trồng cây mắc-ca, cây lúa tẻ râu, đưa các sản phẩm này vào các siêu thị tại các thành phố lớn. Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các trang trại chăn nuôi lợn thương phẩm, chăn nuôi đại gia súc. Phát triển chăn nuôi thủy sản, cá nước lạnh ở những nơi có điều kiện thuận lợi.
Thực hiện trồng mới một số loại cây lâm nghiệp lấy gỗ. Kêu gọi doanh nghiệp phối hợp với người dân phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Phát triển chuỗi giá trị ngành hàng theo hình thức Nhà nước hướng dẫn và hỗ trợ cung ứng các dịch vụ công, các doanh nghiệp, hợp tác xã tổ chức sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tập trung xây dựng các sản phẩm OCOP trên địa bàn. Đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ tại các xã: Sin Suối Hồ, Dào San, Mồ Sì San. Đồng thời, coi trọng phát triển văn hóa, giáo dục, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng; tăng cường mối quan hệ hữu nghị hợp tác với huyện Kim Bình (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc).
Tin rằng với sự nỗ lực, quyết tâm, đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc trên địa bàn, huyện Phong Thổ sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra. Phấn đấu đến năm 2025, tổng giá trị sản xuất toàn huyện đạt 8.848 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người 45 triệu đồng/người/năm; giá trị xuất khẩu hàng địa phương đạt trên 30 triệu USD... góp phần xây dựng huyện Phong Thổ từng bước phát triển bền vững.


Tác giả: Trần Bảo Trung - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ
Nguồn:https://baolaichau.vn/ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B/phong-th%E1%BB%95-tr%C3%AAn-%C4%91%C3%A0-ph%C3%A1t-tri%E1%BB%83n Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT tỉnh mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 88
Hôm qua : 1.901