Phong Thổ triển vọng từ mô hình nuôi ong lấy mật
Thực hiện Nghị quyết 07 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu quy định chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 - 2025, năm 2022, trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Phong Thổ đã hỗ trợ cho các hộ dân nuôi ong mật trên địa bàn. Hiện đàn ong đang sinh trưởng, phát triển tốt, các hộ chăn nuôi đã tuân thủ đúng kỹ thuật được hướng dẫn.
Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi ong của gia đình ông Lò Văn Nông ở thôn Thống Nhất, thị trấn Phong Thổ khi ông đang tất bật với công việc vệ sinh thùng ong. Tham gia mô hình, ông Nông được hỗ trợ kinh phí nuôi 30 thùng ong mật. Cũng như nhiều hộ khác, khi mới tham gia mô hình, ông Nông chưa có kinh nghiệm nuôi ong, chưa am hiểu về tập tính của đàn ong do vậy việc chăm sóc đàn ong còn nhiều bỡ ngỡ. Tuy nhiên, ông đã được cán bộ chuyên môn hướng dẫn tỉ mỉ cho nên chỉ trong một thời gian ngắn, ông Nông đã nắm vững kỹ thuật nuôi ong lấy mật và thường xuyên hướng dẫn lại cho những hộ cùng tham gia mô hình. Ông Lò Văn Nông chia sẻ: tham gia mô hình tôi thấy nuôi ong mật tốn ít thời gian và công chăm sóc nhưng đòi hỏi người nuôi phải khéo léo, tỉ mỉ và cần mẫn. Để nuôi hiệu quả, tôi lựa chọn giống tốt, chọn địa điểm đặt đàn ong tại khu vực trồng cây ăn quả của gia đình, theo dõi hằng ngày khi thấy số lượng ong trong thùng nhiều sẽ tiến hành tách sang thùng mới để ong làm tổ.
Mô hình nuôi ong mật có 1 hợp tác xã, 18 hộ gia đình ở các xã Khổng Lào, Dào San, Mù Sang, Hoang Thèn và thị trấn Phong Thổ tham gia với 600 thùng ong được hỗ trợ ban đầu, tổng kinh phí hỗ trợ là 420 triệu đồng. Các hộ tham gia mô hình được cán bộ trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Phong Thổ thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật dọn vệ sinh khu vực nuôi ong, kỹ thuật chăm sóc ong như: vệ sinh thùng ong, ủ ấm cho ong, tiêu diệt sâu, bệnh hại... Hiện nay, đàn ong đang sinh trưởng, phát triển mạnh, một số hộ chăn nuôi đã bắt đầu tăng đàn với số lượng khoảng 30 thùng. Theo đánh giá, mô hình nuôi ong mật mang lại hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với các điều kiện khí hậu, phù hợp với trình độ lao động tại địa phương; đồng thời, thùng ong được các hộ đặt ở nơi nhiều hoa sẽ cho số lượng, chất lượng mật cao hơn và sẽ cho thu hoạch từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm. Trung bình một thùng ong có thể cho thu được khoảng 6 lít mật, chất lượng mật ong được nâng cao sẽ mang lại doanh thu một năm khoảng 700 nghìn đồng một thùng. Đồng chí Lý A Chú, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Phong Thổ cho biết: để triển khai có hiệu quả mô hình nuôi ong lấy mật, chúng tôi đã cử cán bộ chuyên môn đến các thôn bản tuyên truyền, vận động người dân tham gia, qua đó lựa chọn những hộ có tâm huyết với nghề nuôi ong để hỗ trợ. Thời gian tới, cơ quan chuyên môn chúng tôi tiếp tục phối hợp hướng dẫn cho bà con về kỹ thuật nuôi ong, đồng thời giúp người dân tăng đàn, dự kiến sẽ nhân đôi số lượng thùng ong so với ban đầu, từ đó giúp người dân nâng cao thu nhập.
Mô hình nuôi ong mật đã tạo cơ hội cho người dân huyện Phong Thổ tiếp cận với kỹ thuật mới về nuôi ong, giúp dần xóa bỏ được tập quán nuôi ong tự phát, giảm sự lây lan dịch bệnh, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp đặc biệt là ngành trồng trọt do được đàn ong thụ phấn cho hoa. Đồng thời giúp lao động địa phương có tư duy sản xuất nông sản chất lượng, phục vụ nhu cầu của thị trường góp phần nâng cao thu nhập.