A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thêm cơ hội cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên

Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã giúp người dân vượt qua khó khăn, có thêm cơ hội và động lực để vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Phong Thổ là huyện vùng cao biên giới, có diện tích tự nhiên 102.924,85ha, 93% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở 171 bản thuộc 17 xã, thị trấn (trong đó, 118/171 bản đặc biệt khó khăn). Kết cấu hạ tầng của huyện dù đã được đầu tư nhưng còn thiếu và chưa đồng bộ. Kinh tế tập trung vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ tái nghèo còn xảy ra.
Để giúp Nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh việc vận động người dân phát huy sức mạnh nội lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế địa phương, triển khai sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, huyện Phong Thổ còn sử dụng tốt các nguồn vốn đầu tư, tạo đà cho bà con vươn lên. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là một điển hình. Ngay khi có chủ trương, UBND huyện đã nhanh chóng triển khai thông qua việc ban hành văn bản rà soát nhu cầu vốn thực hiện, thành lập Ban chỉ đạo, giao cơ quan Thường trực (Phòng Dân tộc) chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn trong quá trình phân bổ vốn, tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo đúng quy định.
Nhờ đó, chương trình đã nhanh chóng đi vào cuộc sống với tổng kế hoạch vốn năm 2022 được giao là 86.811 triệu đồng (vốn đầu tư 52.389 triệu đồng, vốn sự nghiệp 34.422 triệu đồng). Đến nay, đã giải ngân vốn đầu tư được 44.404 triệu đồng, giải ngân vốn sự nghiệp 5.541 triệu đồng. Từ các nguồn vốn này, nhiều tiểu dự án được triển khai ở các xã, thị trấn hỗ trợ cho người dân về: thùng đựng nước sinh hoạt; xây dựng các công trình thủy lợi, trường học, đường giao thông nông thôn, đường ra khu sản xuất; triển khai các hoạt động phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; phát huy vai trò của người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào… Thông qua chương trình đã làm thay đổi nhận thức của người dân; tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống giảm đáng kể; việc đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng, diện mạo vùng nông thôn đổi thay tích cực.

Đường giao thông từ bản Bản Lang 2 đến khu sản xuất Vàng Y Chí, bản Sàng Giang (xã Bản Lang, huyện Phong Thổ) đang trong quá trình thi công, tuyến đường hoàn thành sẽ tạo nhiều thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa.

Từ thị trấn Phong Thổ chúng tôi đến thăm xã Bản Lang - một trong những địa phương được thụ hưởng trực tiếp các nội dung của chương trình với tổng mức đầu tư trên 16 tỷ đồng. Tại đây, nhiều công trình: sửa chữa nước sinh hoạt tập trung bản Nà Đoong; nâng cấp, cải tạo đường; xây dựng phòng lớp học... đang được triển khai xây dựng.
Đồng chí Nguyễn Văn Thủy - Chủ tịch UBND xã Bản Lang chia sẻ: “Trong quá trình triển khai, xã vận động người dân hiến đất làm các công trình giao thông, nước sạch… Từ khi có các công trình, bộ mặt nông thôn của xã khởi sắc. Đặc biệt là việc xây dựng đường giao thông nông thôn, đường ra khu sản xuất giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa được dễ dàng, bà con phấn khởi trồng sắn, riềng, các loại cây ăn quả… Thời gian tới, xã vận động bà con quản lý, sử dụng hiệu quả công trình sau đầu tư, mở rộng sản xuất ở những nơi đường đã được đầu tư xây dựng”.
Đối với xã Lản Nhì Thàng, thụ hưởng chương trình đã có 15 hộ thuộc các bản: Cung Mù Phìn, Lản Nhì Thàng, Sì Lèng Chải; Séo Xiên Pho, Hồng Thu Mán, Hồng Thu Mông được hỗ trợ thùng đựng nước. 30 hộ dân được đào tạo nghề trồng cây địa lan. 120 lượt người được tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. 58 hộ nghèo được vay trên 3 tỷ đồng theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP để làm nhà ở, mua đất sản xuất, đất làm nhà. Tuyến đường đi bản Séo Xiên Pho đang được nâng cấp, cải tạo rộng rãi, sạch đẹp hơn.
Anh Tẩn Lao Lải bản Chiêu Sải Phìn (xã Lản Nhì Thàng) nói: “Gia đình tôi là hộ nghèo, kinh tế rất khó khăn, nhiều năm ở trong ngôi nhà gỗ chật hẹp, diện tích 40m2, lợp proximang bị xuống cấp, thường xuyên thấm dột vào mùa mưa. Năm 2022, may mắn gia đình tôi được vay 40 triệu đồng cùng với số tiền tiết kiệm, vay mượn chúng tôi đã làm ngôi nhà gỗ mới với diện tích 80m2, lợp tôn, tổng chi phí trên 100 triệu đồng. Có nhà, gia đình tôi yên tâm sinh sống để phát triển kinh tế”.
Năm 2022 là năm đầu tiên huyện Phong Thổ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bên cạnh kết quả tích cực đạt được thì vẫn còn có khó khăn, vướng mắc như: một số nội dung văn bản chưa thống nhất giữa các thông tư; có dự án đã phân bổ vốn nhưng chưa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện… Điều này khiến một số nội dung thuộc chương trình chưa được triển khai. Có thể kể đến việc chưa mở được lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc, chưa thực hiện được nội dung về bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em…
Thời gian tới, huyện Phong Thổ tiếp tục đề nghị các bộ, ban ngành chủ quản chương trình sớm ban hành các văn bản hướng dẫn còn thiếu để có căn cứ thực hiện. Tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện chương trình nhằm đảm bảo tính công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ, sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân… để chương trình thực sự là động lực để đồng bào vươn lên.

 

Tác giả: Thanh Hoa
Nguồn:https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/th%C3%AAm-c%C6%A1-h%E1%BB%99i-cho-%C4%91%E1%BB%93ng-b%C3%A0o-d%C3%A2n-t%E1%BB%99c-thi%E1%BB%83u-s%E1%BB%91-v%C6%B0%C6%A1n-l%C3%AAn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Bản đồ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT tỉnh mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 106
Hôm qua : 1.539