Thị trấn Phong Thổ chú trọng phát triển diện tích cây ăn quả
Để phát huy tiềm năng về đất đai và nhu cầu của thị trường, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Phong Thổ đã và đang mở rộng diện tích trồng cây ăn quả thay thế cho nhiều cây trồng khác. Đây thực sự là bước chuyển đổi hợp lý, mang lại giá trị kinh tế cao. Do đó, các địa phương trên địa bàn huyện, nhất là thị trấn Phong Thổ cần thận trọng, phát triển, mở rộng diện tích theo quy hoạch, hướng tới nâng cao chất lượng sản phẩm cây ăn quả, bảo đảm sự phát triển bền vững.
Thị trấn Phong Thổ hiện có tổng diện tích 4.493,08ha đất tự nhiên, trong đó tổng diện tích gieo trồng 513,96ha; Tổng diện tích cây lượng thực 246,55ha, sản lượng đạt 986,13 tấn; Bình quân lượng thực đầu người đạt 176,5 kg/người/năm, đạt 116% kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/người/năm, tăng 10 triệu đồng so với năm 2020. Thời gian qua thị trấn xác định việc tận dụng lợi thế về điều kiện khí hậu, đất đai của địa phương thì việc đẩy mạnh phát triển vùng cây ăn quả luôn là hướng đi đúng góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người nông dân.
Trồng và phát triển cây lương thực là hướng phát triển kinh tế chính của người dân thị trấn Phong Thổ hơn 10 năm trở về trước. Tuy nhiên, với quyết tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thị trấn Phong Thổ chú trọng phát triển cây ăn quả theo từng vùng. Tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích một số cây trồng có giá trị kinh tế thấp, đất hoang hóa, đồi dốc sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế. Theo đồng chí Lò Văn Thực – Chủ tịch Hội nông dân thị trấn Phong Thổ cho biết: ‘’Thời gian vừa rồi, HND thị trấn đã tuyên truyền cho bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với các diện tích kém hiệu quả, rà soát các diện tích còn lại để trồng mía. Tới đây thị trấn cũng mong muốn cấp ủy chính quyền quan tâm, đầu tư cây, con giống cho bà con nông dân trên địa bàn thị trấn tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hộ gia đình’’
Để đẩy mạnh phát triển cây ăn quả, đem lại hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân, thị trấn đã được UBND huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện quan tâm chỉ đạo cử cán bộ xuống tuyên truyền, hướng dẫn, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng; áp dụng các biện pháp kỹ thuật để triển khai phát triển diện tích trồng cây ăn quả. Điển hình như, phối hợp với Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tiến hành khảo sát, đánh giá vùng trồng cây chanh leo, dứa; Công ty TNHH MTV Trường Phát Lai Châu triển khai trồng 1ha nho công nghệ cao tại thôn Vàng Bó. Các mô hình đều do các Công ty thuê đất, thuê người dân trên địa bàn trồng, chăm sóc; cử cán bộ kỹ thuật “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc; áp dụng cách trồng trong nhà lưới và các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng. Đồng thời ký kết bao tiêu sản phẩm sau khi thu hoạch.
Cùng với đó, thị trấn cũng chú trọng phát triển các mô hình trồng mía theo hình thức liên kết giữa hợp tác xã với người dân. Đến nay, trên địa bàn có tổng 11ha trồng mía, trong đó 6,4ha đã cho thu hoạch. Chú trọng phát triển, hình thành vùng trồng chuối tập trung ở các thôn, bản như Nậm Pậy, Vàng Bó, Thống Nhất... Hiện, toàn thị trấn có 100 ha chuối cho sản phẩm với năng suất đạt 4,71 tấn/ha. Ngoài ra, các sản phẩm chuối chủ yếu xuất khẩu sang thị trường nước ngoài và phát triển theo hướng liên kết chuỗi giá trị tạo ra sản phẩm thương hiệu gắn với tiêu thụ sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Đại - Trưởng thôn Thống Nhất chia sẻ:‘’ Trong mấy năm vừa qua sau khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thôn Thống Nhất cũng đã có một số mô hình như trồng cây táo đại, mít lai….. Qua thời gian trồng, chăm sóc cũng đã cho bà con nông dân khoản thu nhập rất tốt. Từ diện tích cây ăn quả đã trồng tuy là cây ngắn ngày nhưng đã góp phần mang lại tác dụng phủ xanh đất trống đồi núi chọc, phủ xanh cho địa phương’’
Tuy nhiên, hiện nay đầu ra cho sản phẩm các loại cây ăn quả trên địa bàn vẫn là buôn bán nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ người dân tại địa phương và một số khách đi qua. Để diện tích cây ăn quả phát triển và có đầu ra ổn định người dân cũng như cấp ủy chính quyền địa phương đang tập trung sản xuất thành chuỗi giá trị tạo ra kinh tế cao cho người nông dân.