Thị trấn Phong Thổ Hiệu quả từ việc hỗ trợ nuôi ong lấy mật theo Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh
Nhờ tận dụng được lợi thế tự nhiên về rừng, đất trồng cây ăn quả, trong những năm gần đây, nghề nuôi ong lấy mật ở thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ đã phát triển mạnh, góp phần phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân.
Thị trấn Phong Thổ có hệ sinh thái phong phú, khí hậu thuận lợi, diện tích đất rừng, diện tích cây ăn quả chiếm tỉ lệ khá cao trên 200 ha, đó là những tiềm năng, lợi thế sẵn có để các hộ dân ở trong thị trấn Phong Thổ tận dụng phát triển nghề nuôi ong lấy mật bằng cách nuôi tự nhiên. Thực hiện Nghị quyết số 07 quy định chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, giai đoạn 2021-2025. Nghị quyết này đã mở hướng làm giàu cho nông dân tỉnh Lai Châu nói chung, nông dân thị trấn Phong Thổ nói riêng. Để sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, huyện Phong Thổ đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Qua đó giúp người dân trong thị trấn hiểu rõ các quy định, nội dung được hỗ trợ theo Nghị quyết. Năm 2022 thị trấn Phong Thổ có 06 hộ gia đinh và 01 hợp tác xã được huyện hỗ trợ 310 thùng ong mới mức giá hỗ trợ là 700 trăm nghìn đồng/thùng.
Điển hình như gia đình anh Lê Quang Hải, ở tổ dân phố Hữu Nghị (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) được hỗ trợ 60 thùng ong lấy mật. Trong quá trình nuôi ong, gia đình anh gặp không ít khó khăn về kỹ thuật chăm sóc đàn ong. Sau một thời gian gia đình anh hiện đã gây lên trên 80 đàn ong, tận dụng diện tích trang trại trồng cây ăn quả của gia đình từ đó anh đã mở rộng thêm nghề nuôi ong lấy mật. Sau gần 1 năm đàn ong của gia đình anh đã thích nghi với điều kiện khí hậu của thị trấn, phát triển tốt, đảm bảo lượng mật khai thác cho gia đình. "Sau khi nghe cán bộ thị trấn Phong Thổ và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tuyên tuyền về chính sách hỗ trợ nuôi ong theo nghị quyết 07, tôi rất phấn khởi. Tôi đã mạnh dạn đăng ký và tiến hành làm thùng nuôi ong theo đúng tiêu chuẩn mà cán bộ hướng dẫn. Được hỗ trợ 60 thùng nuôi ong, với số tiền 42 triệu đồng, gia đình tôi cũng yên tâm hơn khi mở rộng, phát triển đàn ong mật" – anh Hải phấn khởi cho biết. Tương tự như gia đình anh Hải, nhiều hộ dân ở thị trấn cũng được hỗ trợ nuôi ong theo Nghị quyết 07. Các hộ dân đều rất phấn khởi và tự tin khi nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, mạnh dạn phát triển nghề nuôi ong lấy mật.
Đến thăm gia đình anh Vương Hải Quân, là 1 trong 6 hộ được huyện hỗ trợ 30 đàn ong theo Nghị quyết 07. Sau hơn 1 năm đàn ong của gia đình anh phát triển tốt và cho thu nhập ổn định từng bước giúp gia đình anh ổn định cuộc sống. Anh Vương Hải Quân - Thôn Thống Nhất chia sẻ “Từ khi nuôi con ong này tôi thấy rất hiệu quả, ban đầu do chưa có kinh nghiệm nuôi ong nên cũng gặp nhiều khó khăn, sau đó tôi đi học hỏi thêm kinh nghiệm đến nay đàn ong phát triển rất tốt, cho hiệu quả rõ rệt. Một tháng tôi quay 2 lần, mỗi lần được khoảng gần 20 lít mật”.
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Trong những năm qua thị trấn luôn chú trọng việc phát triển kinh tế tập trung theo chuỗi giá trị. Đặc biệt là việc hỗ trợ nuôi ong lấy mật đã từng bước góp phần tạo công ăn việc làm và xây dựng sản phẩm OCOP từ mật ong theo hướng tự nhiên.. Ông Đồng Xuân Cường – Phó chủ tịch UBND thị trấn Phong Thổ cho biết: “Trong định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương trọng tâm là phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết vùng, theo chuỗi giá trị và thu hút đầu tư của các hộ kinh doanh và doanh nghiệp có thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Việc hỗ trợ nuôi ong theo Nghị quyết số 07 đã từng bước giúp tạo việc làm cho người dân và tăng thu nhập xóa đói giảm nghèo, từng bước xây dựng vùng nguyên liệu mật ong đảm bảo chất lượng để xây dựng sản phẩm OCOP từ mật ong của thị trấn Phong Thổ”.
Việc thực hiện Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh Lai Châu về hỗ trợ nuôi ong lấy mật của thị trấn Phong Thổ đã phát huy hiệu quả bước đầu. Trên địa bàn thị trấn đã và đang hình thành một số vùng nuôi ong. Thời gian tới, thị trấn Phong Thổ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung./.