Tiết đọc thư viện khơi dậy đam mê đọc sách cho học sinh tiểu học ở Phong Thổ
Với sự nỗ lực không ngừng trong triển khai thực hiện Tiết đọc thư viện ở bậc tiểu học, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Thổ đang khơi dậy đam mê đọc sách trong các em học sinh và lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.

Đã thành thông lệ, hàng tuần cô và trò lớp 3A2, Trường Tiểu học thị trấn Phong Thổ lại có mặt tại thư viện nhà trường để tham gia Tiết đọc thư viện. Trong không gian thoáng, sáng, sạch sẽ với rất nhiều các đầu sách, báo được sắp xếp ngăn nắp, cô và trò cùng tìm hiểu về nội dung những cuốn sách theo chủ điểm. Các em học sinh có cơ hội đọc sách, chia sẻ những thông điệp hay tiếp nhận từ câu chuyện. Đó là những trải nghiệm khó quên, giúp các em có thêm kiến thức và hình thành những kỹ năng sống cần thiết. Em Nguyễn Khánh Linh - Học sinh lớp 3A2 chia sẻ: Trong các tiết học ở trường em rất thích Tiết đọc thư viện vì ở đây có không gian rộng để em đọc các cuốn sách, đặc biệt là những cuốn sách về lịch sử nước nhà, những cuốn sách này đã giúp em hiểu hơn về dân tộc và lịch sử của đất nước Việt Nam.

Trường Tiểu học thị trấn Phong Thổ có 23 lớp, 683 học sinh. Thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp trên nhà trường đang duy trì việc đưa Tiết đọc thư viện vào giảng dạy hàng tuần. Khối lớp 1 và khối lớp 2 mỗi năm học sẽ học 30 tiết. Khối lớp 3,4,5 học 15 tiết trong năm học. Trong suốt các Tiết đọc thư viện, các em học sinh luôn có sự đồng hành, hướng dẫn của giáo viên và nhân viên thư viện. Các em được học cả tiết đọc chung và tiết lựa chọn sách đọc nghiên cứu trong không gian mở không nhất thiết phải bó buộc ngồi tại ghế tập trung mà có thể ngồi theo góc, theo nhóm nhỏ. Thầy giáo Nguyễn Tuấn Anh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Phong Thổ cho biết thêm: Để hoạt động của thư viện nhà trường đạt hiệu quả, Ban giám hiệu đã chú trọng đến việc tổ chức các hoạt động thư viện. Căn cứ vào kế hoạch hàng năm, xây dựng Tiết đọc thư viện phù hợp với từng khối lớp, từ khối 1 đến khối 5, đồng thời giao cho một đồng chí trong Bán giám hiệu phụ trách và giao cho giáo viên chủ nhiệm nghiên cứu lựa chọn các nội dung, xây dựng tiết đọc phù hợp cho các em học sinh. Song song với đó, Ban giám hiệu nhà trường phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh, tham mưu chính quyền địa phương tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục nhằm huy động các nguồn lực từ xã hội để bổ sung sách, truyện làm phong phú tài nguyên thư viện.
Theo số liệu thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Thổ, hiện nay toàn huyện có 13 thư viện tại các trường tiểu học. Trong đó, có 7 thư viện đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 53,8% tổng số thư viện đang có. Các thư viện đang hoạt động hiệu quả; các Tiết đọc thư viện được các trường duy trì thường xuyên theo đúng kế hoạch. Phòng Giáo dục luôn quan tâm chỉ đạo các trường triển khai nhiều giải pháp để tăng cường cơ sở vật chất cho thư viện cũng như tập huấn cho giáo viên làm công tác thư viện. Qua tập huấn các giáo viên nắm chắc chuyên môn, nghiệp vụ, hướng dẫn cho các em học sinh cách đọc sách, viết cảm xúc, duy trì thời gian dạy và đọc trong Tiết đọc thư viện hiệu quả. Đồng chí Nguyễn Vương Hùng – Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phong Thổ cho biết: Tiết đọc thư viện là tiết học nằm trong thời khóa biểu của bậc học tiểu học. Hàng tuần các em có Tiết đọc thư viện. Tiết học này được giáo viên chủ nhiệm và thủ thư hướng dẫn. Các em vừa đọc sách vừa có thể viết cảm xúc, tạo hứng thú, khắc sâu nội dung câu chuyện. Nhìn chung qua tiết đọc thư viện giúp các em hiểu biết nhiều hơn về các câu chuyện mà các tác giả, tác phẩm nêu, ngoài ra vận dụng năng lực đọc, viết, môn tiếng việt được củng cố, các kỹ năng của các em được nâng lên.
Việc triển khai các Tiết đọc thư viện tại bậc tiểu học trên địa bàn huyện Phong Thổ đang đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả tích cực. Đây là cơ hội để các em học sinh hình thành thói quen đọc sách, phát triển ngôn ngữ, khả năng diễn đạt, cách hành văn, viết văn. Tiết đọc thư viện cũng giúp các em có tư duy độc lập, tự tìm tòi mở mang kiến thức, từng bước lan tỏa phong trào đọc sách và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.