A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chợ của người vùng cao Phong Thổ

Nói đến chợ, đó là nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa phục vụ cho nhu cầu của cuộc sống hàng ngày. Nhưng với người dân các xã vùng cao của huyện Phong Thổ, chợ còn chứa đựng cả những yếu tố về văn hóa, phong tục tập quán và tinh thần gắn kết trong cộng đồng. Mỗi buổi chợ phiên không chỉ có hàng hóa được trao đổi, mà còn là nơi gặp gỡ anh em bạn bè và những câu chuyện về cuộc sống của đồng bào.

Ở huyện biên giới Phong Thổ hiện nay có những buổi chợ phiên nổi tiếng, thu hút được lượng khách du lịch tương đối lớn như chợ phiên Sin Suối Hồ, Dào San, Vàng Ma Chải, Sì Lở Lầu và Huổi Luông. Với mỗi phiên chợ nó lại gắn những nét đặc trưng về văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào biên giới như dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì…Nếu nói đến chợ phiên Sin Suối Hồ, nằm ở xã biên giới Sìn Suối Hồ có độ cao hơn 1.500 m so với mực nước biển, đây có lẽ là một trong những chợ có độ cao lớn nhất ở khu vực tây bắc. Xã biên giới Sin Suối Hồ nằm cách trung tâm huyện khoảng 40 km với hai dân tộc sinh sống chủ yếu là đồng bào Mông, Dao. Chợ tổ chức họp vào thứ 7 hàng tuần, khi chợ diễn ra người dân ở khắp nơi đổ về với đầy đủ các sản vật từ núi rừng như các loại lan rừng, nấm, măng…cùng với đó là nhiều loại nhu yếu phẩm cần tiết cho cuộc sống àng ngày gồm quần áo, giày dép, mắm muối cũng được đem đến để phục vụ cho bà con. Đến chợ không chỉ có đồng bào người địa phương mà còn có nhiều tiểu thương, du khách đổ về đây nhân dịp cuối tuần. Chợ Sin Suối Hồ được bố trí ngăn nắp, sạch sẽ với những dò lan rừng, địa lan được bố trí hai bên đường lên đến chợ. Ấn tượng với nhiều khi khi đến chợ không phải bởi các loại hàng hóa mà chính là sự sạch sẽ, ngăn nắp hiếm có của chợ cũng như cảnh quan thiên nhiên nơi đây.

3

Một góc chợ phiên Sì Lở Lầu

Nói đến chợ phiên ở Phong Thổ không thể không nhắc đến chợ phiên Dào San nằm ở xã biên giới Dào San của huyện Phong Thổ. Đây được coi là chợ trung tâm của 8 xã biên giới khu vực bắc Dào San, huyện Phong Thổ và là điển hình của chợ phiên khu vực tây bắc. Người dân đến họp chợ đương nhiên mang theo những sản vật sẵn có của địa phương đến trao đổi, mua bán. Nhưng chợ phiên Dào San còn chứa đựng văn hóa của các dân tộc trong khu vực, khi chợ diễn ra vào thứ 5 và chủ nhật hàng tuần cũng là lúc các sắc màu văn hóa dân tộc tụ hội và tỏa sáng. Ngay từ sáng sớm tinh mơ, những chàng trai, cô gái người Mông, Hà Nhì, Dao…ở khắp nơi đổ về họp chợ. Họ mang theo những bộ quần áo đẹp, sặc sỡ nhất với hoa văn được thêu cầu kỳ, họa tiết bắt mắt. Khi chợ diễn ra, những chàng trai đem theo khèn Mông thực hiện những động tác múa khèn uyển chuyển, hát những bài hát dân ca, tình yêu và cuộc sống khiến cho cả một góc chợ trở nên sôi động. Với đặc điểm quanh năm mát mẻ, thậm chí có những năm mùa đông nước đóng băng nên khi đến chợ phiên Dào San phải thưởng thức được bát thắng cố nóng hổi, uống được chén rượu ngô với bạn bè là cách mà nhiều người lựa chọn. Những người phụ nữ đến chợ trên lưng đeo gùi, trong những chiếc gùi ấy là ớt, gừng, bí ngô…do nhà từ trồng mang đến chợ bán. Họ gặp nhau không chỉ để trao đổi hàng hóa mà còn chia sẻ cho nhau về cuộc sống, gia đình, con cái và cả chuyện làm ăn xóa đói giảm nghèo. Kết thúc chợ, dù bán được những thứ mang đến chợ hay không các cô, các chị cũng phải vào quán ăn một bát phở trước khi trở về nhà. Trong khi ấy, những người đàn ông cũng vừa đủ hơi rượu làm cho ấm người, xóa đi cái lạnh của vùng cao biên giới. Nhiều phụ nữ vùng cao hiện nay cũng được học bằng lái xe máy, vậy nên dù chồng có hơi rượu đã có các chị đưa về an toàn, không lo vi phạm luật giao thông như trước kia nữa.

Trên giải biên giới gần 100 km của huyện Phong Thổ, có một chợ phiên khá đặc biệt là chợ phiên Sì Lở Lầu ở xã Sì Lở Lầu. Điều đặc biệt ở chợ này đó là việc họp vào ngày những con có sừng trong 12 con giáp như trong lịch âm truyền thống. Nhiều người gọi chợ là chợ lùi vì cứ 6 ngày họ chợ một lần, theo đó nếu tuần này ngày con dê họp vào thứ năm thì tuần sau sẽ họp vào ngày con trâu thứ tư. Với người Dao ở xã Sì Lờ Lầu, người Hà Nhì ở xã Ma Ly Chải hay nhiều dân tộc khác ở các xã lân cận, đi chợ phiên đã trở thành thói quen, một nét sinh hoạt văn hóa đã ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào. Nhất là những ngày cuối năm, khi bà con đi sắm tết không khí của trợ cũng nhộn nhịp hơn hẳn những ngày thường. Nhiều nam, nữ thanh niên người địa phương đi chợ cũng là để gặp gỡ, tìm hiểu rồi nên duyên vợ chồng cũng chính ở chợ phiên này. Đến chợ Sì Lờ Lầu phải ghé vào quán ăn của bác Tẩn Phủ Quẩy là người dân địa phương, bởi theo nhiều người đi chợ phiên nếu đến chợ mà chưa vào quán thì coi như chưa đến. Quán ăn nhỏ khói ngi ngút cả một góc chợ có món bún tàu ngon nổi tiếng khắp vùng biên giới phía bắc Dào San.

Nói về các chợ phiên của huyện Phong Thổ, ông Đèo Văn Dương cho biết. Với người dân vùng cao Phong Thổ đi chợ không chỉ để buôn bán, trao đổi hàng hóa mà đó còn là nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của đồng bào. Khi đến chợ, bà con còn chia sẻ cho nhau về kinh nghiệm phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; là nơi các chàng trai, cô gái tìm hiểu, đến với nhau. Mỗi một chợ phiên có những điểm giống, khác nhau phụ thuộc vào văn hóa của mỗi dân tộc, song có một đặc điểm dễ nhận thấy đó là chợ phiên chính là nơi hội tụ văn hóa của các dân tộc một cách khá rõ nét.

Trên tuyến biên giới của huyện Phong Thổ, không chỉ có những chợ phiên như đã nêu ở trên mà còn một số chợ khác đã được hình thành từ lâu đời như chợ phiên Vàng Ma Chải ở xã Vàng Ma Chải, chợ Pô Tô ở xã Huổi Luông. Mỗi phiên chợ ấy đều chứa đựng những nét văn hóa đặc trưng gắn với lịch với lịch sử định cư của mỗi dân tộc. Dù trong bất cứ giai đoạn nào, các dân tộc trên địa bàn huyện luôn đoàn kết, thống nhất cùng nhau xây dựng và bảo vệ quê hương. Đặc biệt như trong giai đoạn hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước các dân tộc ngày càng ấm no, giầu đẹp với biểu hiện rõ nét nhất đó chính là sự nhộn nhịp, đầy đủ của các chợ phiên biên giới; tinh hoa văn hóa các dân tộc vẫn hội tụ và tỏa sáng trong mỗi phiên chợ ấy.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT tỉnh mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 85
Hôm qua : 2.325