Thứ năm, 25/04/2024 - 23:28
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển vọng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ rau an toàn ở Mường So

Hiện nay, nhu cầu sử dụng rau sạch, an toàn cho sức khỏe đang được người dân rất quan tâm. Để góp phần bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm rau an toàn, chất lượng, nhiều nông dân ở xã Mường So đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, liên kết cùng nhau sản xuất rau an toàn, cho hiệu quả kinh tế cao.

Nông dân xã Mường So chăm sóc rau cải thảo

 

Có mặt tại ruộng rau của gia đình anh Lò Văn Thím ở bản Huổi Én, xã Mường So đúng lúc anh đang làm cỏ cho những luống cải thảo sắp được thu hoạch. Vừa làm anh Thím vừa cho chúng tôi biết: gia đình anh đã đầu tư vào trồng rau từ nhiều năm nay. Với kinh nghiệm tích lũy được thì ruộng rau của gia đình anh luôn đảm bảo chất lượng và an toàn nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Thời gian này, anh đã liên kết với các hộ khác trong bản trồng 1.500m2 rau cải thảo để cung cấp sản phẩm cho công ty rau củ quả Ngọc Linh ở Sơn La. Trong quá trình chăm sóc ruộng rau, anh Thím đã tuân thủ những hướng dẫn kỹ thuật cho nên cải thảo sinh trưởng phát triển tốt và chuẩn bị cho thu hoạch, với giá bán khoảng 10 nghìn đồng một kg, ruộng cải thảo cho gia đình thu lãi khoảng hơn 30 triệu đồng.

Nông dân xã Mường So trao đổi kinh nghiệm trồng rau

 

Với mục tiêu thay đổi tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng hiệu quả kinh tế cao hơn hình thức kinh tế hộ gia đình và tăng cường sự đoàn kết, liên kết giúp đỡ, chia sẻ khó khăn của nông dân góp phần thúc đẩy các mô hình phát triển kinh tế tại địa phương, thực hiện giảm nghèo bền vững, thời gian qua 12 hộ dân của bản Huổi Én và Huổi Bảo xã Mường So đã liên kết cùng nhau trồng cải thảo theo hướng sản xuất rau an toàn và được công ty rau củ quả Ngọc Linh bao tiêu sản phẩm. Những hộ dân này phần lớn đã có kinh nghiệm trồng rau từ trước nhưng chủ yếu trồng theo kiểu truyền thống, khi tham gia trồng cải thảo, các hộ dân được công ty ứng trước 50% tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thường xuyên được cán bộ  của công ty hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc rau qua ứng dụng Zalo, từ đó giúp các hộ dân hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thay vào đó sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Anh Lò Văn Thân, Chủ tịch Hội nông dân xã Mường So cho biết thêm: mô hình liên kết với doanh nghiệp trồng rau cải thảo đã làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân, bà con đã tận dụng đất ruộng sau thu hoạch lúa mùa để trồng rau vừa cải tạo đất, vừa tạo việc làm, tăng thu nhập, giúp giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, Hội nông dân xã cũng thường xuyên xuống thôn, bản để nắm tình hình, nếu giữa người dân và doanh nghiệp có những khó khăn, vướng mắc sẽ kịp thời báo cáo chính quyền xã giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho người dân cũng như doanh nghiệp.

Việc liên kết trồng và tiêu thụ rau an toàn là cơ sở để bà con nông dân trồng rau trên địa bàn xã Mường So mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, nhằm bảo vệ sức khoẻ người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ đất, môi trường sinh thái và tạo được nền sản xuất rau bền vững. Đây sẽ là hướng đi giúp người nông dân khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của địa phương để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa giá trị cao, góp phần thúc đẩy kinh tế xã Mường So có những bước phát triển mới.


Tác giả: Trịnh Toản
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT tỉnh mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.208
Hôm qua : 2.384