Xã Dào San đẩy mạnh phát triển đàn gia súc vững bền
Những năm qua, xã Dào San luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Qua đó, nhiều hộ gia đình đã tích cực thực hiện, góp phần cải thiện đời sống, tăng thu nhập, thúc đẩy chăn nuôi phát triển.
Gia đình anh Sùng A Phàng, bản Hợp 2, xã Dào San cũng như nhiều người dân khác trong bản đều xác định, gia súc là tài sản giá trị, nhất là con trâu và con lợn. Được sự tuyên truyền của cán bộ bản và từ cán bộ chuyên môn của xã, huyện, gia đình anh luôn thực hiện vệ sinh chuồng sạch sẽ, phun tiêu độc khử trùng định kỳ, tiêm phòng đầy đủ các loại vác sin, và cung cấp thức ăn đảm bảo đủ dinh dưỡng, sức đề kháng cho gia súc. Nhờ đó, đàn gia súc với 4 con trâu và hơn 10 con lợn của gia đình luôn phát triển khỏe mạnh.
Xã Dào San hiện có tổng đàn gia súc là 4.197 con. Trong đó đàn trâu 1.344 con, đàn bò 29 con, đàn Dê 102 con và đàn lợn là 2.722 con. Để thúc đẩy chăn nuôi gia súc phát triển, mang lại thu nhập ổn định. Cấp ủy chính quyền xã đã phối hợp với các phòng ban chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăm sóc, phòng dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Đồng thời, vận dụng linh hoạt các chính sách hỗ trợ của nhà nước, của tỉnh, huyện để tái đàn lợn sau thời gian xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi, khuyến khích người dân tận dụng đất đồi và chuyển dần diện tích đất trồng hoa màu kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc. Ngoài ra, xã Dào San còn thường xuyên vận động Nhân dân thực hiện tốt các đợt tiêm phòng cho đàn gia súc về một số loại bệnh dễ mắc như: dịch tả, tụ huyết trùng, lở mồm long móng. Nhờ vậy, đàn gia súc của xã đều phát triển tốt. Đồng chí Ma A Nủ – Quyền Chủ tịch UBND xã Dào San cho biết: ( Để chăm sóc cho đàn gia súc phát triển tốt thì cấp ủy chính quyền xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người chăn nuôi làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, nhất là vào các tháng mùa mưa. Vận động người chăn nuôi chủ động nguồn thức ăn bằng cách trồng cỏ. Bên cạnh đó vận dụng linh hoạt các chính sách để khuyến khích, hỗ trợ người dân vay vốn để mở rộng phát triển quy mô chăn nuôi ..v..v.. )
Bằng các giải pháp và định hướng phù hợp với đặc điểm điều kiện của địa phương trong việc thay đổi phương thức chăn nuôi mới. Đồng thời tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ, quy hoạch khu vực nuôi tập trung theo thế mạnh từng địa bàn. Qua đó, từng bước nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững cho Nhân dân từ chăn nuôi gia súc./.