Ban Chỉ đạo 389 quốc gia sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022
Sáng nay (4/8), Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) tổ chức Hội nghị trực tiếp và trực tuyến tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trong cả nước sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì Hội nghị.
Tại điểm cầu tỉnh Lai Châu, đồng chí Giàng A Tính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cùng các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lai Châu tham dự Hội nghị.
6 tháng đầu năm 2022, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng chủ động triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, xây dựng và triển khai kế hoạch công tác năm, kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tập trung lực lượng, phương tiện, sử dụng đồng bộ các biện pháp kết hợp vừa kiểm soát và phòng, chống dịch Covid-19, vừa tích cực, quyết liệt đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Kết quả thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong 6 tháng đầu năm 2022 giảm sâu.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành thống kê kết quả của lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 54.199 vụ việc vi phạm (giảm 25,05% so với cùng kỳ năm 2021) trong đó lực lượng quản lý thị trường phát hiện, xử lý gần 17.305 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính nộp ngân sách Nhà nước trên 137 tỷ đồng. Nhiều vụ việc, vụ án, đối tượng cầm đầu, đường dây ổ nhóm, tụ điểm phức tạp về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên cả nước đã được các lực lượng chức năng phát hiện xử lý kịp thời, nghiêm minh, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi chính đáng người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, đảm bảo an ninh trật tự thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Công tác phối hợp giữa Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành thành viên, các địa phương đặc biệt là những cơ quan chuyên trách được triển khai thường xuyên. Việc tuyên truyền phổ biến pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được quan tâm và chú trọng hơn; công tác khen thưởng các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc đột xuất trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được thực hiện kịp thời, tạo động lực phấn đấu cho các cán bộ, chiến sỹ thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị được giao…
Đối với tỉnh Lai Châu, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã chỉ đạo các ngành tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chủ động phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về hậu quả, tác hại của hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và công tác quản lý giá, bình ổn giá. Tiếp tục tăng cường phối hợp giữa các ngành chức năng thông qua quy chế phối hợp nhằm phát huy hiệu quả trong công tác quản lý địa bàn, qua đó góp phần làm ổn định tình hình an ninh trật tự trên lĩnh vực kinh tế của tỉnh. Cùng với đó, chỉ đạo Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh thường xuyên duy trì trực đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh để tiếp nhận phản ánh thông tin tố giác về hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thông tin tố giác cá nhân, đơn vị chức năng không thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm vụ, có hành vi tiêu cực, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...
Tại Hội nghị, đại biểu các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận, phát biểu ý kiến tập trung vào việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm như: Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện các văn bản về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đặc biệt triển khai thực hiện hiệu quả chỉ đạo chuyên đề công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với mặt hàng thuốc lá điếu, đường cát, xăng dầu, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế; chủ động xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, điều tra phát hiện xử lý nghiêm mọi hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng, khai thác, chia sẻ thông tin, dữ liệu sẵn có phục vụ mục tiêu chung trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; phối hợp thực hiện công tác truyền thông theo phương châm tăng cường về tần suất, đa dạng về hình thức đảm bảo nội dung và chất lượng tuyên truyền; xây dựng chương trình kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Tỉnh Lai Châu đề nghị Ban Chỉ đạo 389 quốc gia mở các lớp tập huấn để nâng cao nghiệp vụ kiểm tra kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính cho các lực lượng chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các địa phương; tăng cường công tác dự báo tình hình, thông tin phương thức, thủ đoạn mới của đối tượng buôn lậu, mặt hàng, lĩnh vực trọng điểm buôn lậu để các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, phương án thanh tra, kiểm tra, kiểm soát có hiệu quả.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã biểu dương sự cố gắng của các lực lượng chức năng, các địa phương trong việc chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Nhấn mạnh hiện nay các hoạt động gian lận thương mại vẫn còn diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đề nghị các lực lượng, các địa phương cần cảnh giác với các phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng, kể cả các hoạt động trên không gian mạng, cần tăng cường thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trong công tác phòng tránh. Cần nhận diện được những vấn đề nổi cộm hiện nay để kịp thời chỉ đạo, kiến nghị sửa đổi các chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng, việc phối hợp, chia sẻ các thông tin giữa các lực lượng là việc làm hết sức cần thiết, các đơn vị, địa phương cần huy động sự vào cuộc của người dân trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác phòng, chống tội phạm. Chủ động xây dựng các kế hoạch phù hợp với tình hình mới, kiên quyết làm giảm số vụ hàng giả, buôn lậu và gian lận thương mại. Nêu cao vai trò của các cơ quan truyền thông trong việc nêu các vụ vi phạm, vận động người dân tham gia vào công tác tố giác tội phạm...