A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bừng sáng Sin Suối Hồ

Không khí trong lành, bản làng sạch đẹp, an ninh trật tự (ANTT) đảm bảo, người dân thân thiện, mến khách là những hình ảnh mỗi người khi đến đều dễ dàng mắt thấy, tai nghe và cảm nhận tại bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ). Vậy nhưng, có lẽ không phải ai cũng biết nơi đây từng một thời thuộc diện đặc biệt khó khăn của tỉnh và là “điểm nóng” về tệ nạn ma túy, địa bàn trọng điểm phức tạp về ANTT.

Sin Suối Hồ là bản trung tâm của xã biên giới Sin Suối Hồ, có hơn 149 hộ dân, gần 800 nhân khẩu, 100% dân tộc Mông sinh sống. Trưởng bản Vàng A Chỉnh cho biết: Cách đây hơn 20 năm, nhiều người dân trong bản nghiện rượu và hút thuốc phiện. Say đắm trong sự cám dỗ ấy, bà con không chăm chỉ làm kinh tế, bỏ bê việc học của con em. Vì vậy, bản chìm trong đói nghèo, lạc hậu và kéo theo đó là tệ nạn xã hội tràn lan, tương lai của thế hệ trẻ mịt mù. Với chức trách, nhiệm vụ được giao, tôi rất trăn trở và quyết tâm làm gì đó đổi thay bản nghèo.

Khó khăn không chùn bước, anh Chỉnh chủ động phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền xã, người có uy tín trong bản và lực lượng công an, biên phòng trực tiếp “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” tuyên truyền, vận động người dân cai nghiện ma túy, hạn chế uống rượu, đưa cây, con giống có năng suất cao vào trồng trọt, chăn nuôi. “Để bà con từ bỏ thuốc phiện, tôi phối hợp cùng cán bộ y tế, công an xã, gia đình hỗ trợ người nghiện cai thuốc. Những đêm dài thức trắng chăm sóc, hỗ trợ người thân, dân bản cai nghiện khiến tôi nhớ mãi. Với những nỗ lực của bản thân, cộng đồng dân cư và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành, bản đã xóa được tệ nạn ma túy” - anh Chỉnh chia sẻ thêm.

1

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm người dân bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ đầu tư trồng địa lan mang lại thu nhập cao.

Theo anh Chẻo Quẩy Hòa - Chủ tịch UBND xã, sau khi đuổi được “nàng tiên nâu” ra khỏi bản, bà con nỗ lực phát triển kinh tế. Nhất là thay đổi tư duy sản xuất, chung sức xây dựng nông thôn mới. Năm 2014, nhân dân hiến đất, góp sức xây dựng, thành lập chợ phiên để có nơi giao thương. Tuy nhiên, bước ngoặt chính là đã mạnh dạn học hỏi và đầu tư làm du lịch. Ban đầu chỉ là người dân tự nhắc nhở nhau làm đẹp từng ngõ, từng nhà bằng cách giữ gìn vệ sinh, trồng cây cảnh, hoa địa lan… làm du lịch cộng đồng; xây dựng homestay, hàng quán ăn uống phục vụ khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng. Hiện, bản có 22 hộ gia đình làm homestay; nhân dân trồng 187,7ha chè, 232ha thảo quả, 30.000 cây địa lan. Có được sự thay đổi này ngoài sự nỗ lực của bà con trong bản, phải kể đến sự đóng góp của lực lượng công an, biên phòng đã đồng hành cùng người con trong bản đuổi “nàng tiên nâu”.

Gia đình chị Sùng Thị Mai (người dân trong bản) từng bị đói nghèo đeo bám do có người nghiện thuốc phiện. Khi được cấp ủy, chính quyền xã, bản và lực lượng công an, biên phòng tuyên truyền, chị đã nỗ lực khuyên giải và hỗ trợ người thân cai thuốc phiện. Hiện nay, gia đình chị đang trồng địa lan, thảo quả, chăn nuôi gà, lợn, mỗi năm thu về từ 80-100 triệu đồng.

Chị Mai nói: Tôi rất vui khi thành viên trong gia đình từ bỏ được thuốc phiện, trong bản lại có chợ, thuận tiện buôn bán, mua sắm hàng hóa. Trước đây, muốn bán gì phải xuống chợ huyện, thành phố rất vất vả.

3

Từng là  “điểm nóng” về tệ nạn ma túy giờ đây bản Sin Suối Hồ đã "thay da đổi thịt" trở thành điểm đến lý tưởng dịp tết đến xuân về. Đây là điểm du lịch cộng đồng của tỉnh được giải ở Hạng mục Giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN lần thứ 3.

Dạo quanh bản Sin Suối Hồ vào ngày chợ phiên (sáng thứ 7 hằng tuần), chúng tôi thấy bà con bán nhiều nông sản của gia đình sản xuất hoặc khai thác trong rừng. Những ngôi nhà tổ chim, tổ ong được thiết kế bằng vật liệu là gỗ, tre, đá rất độc đáo. Bản sạch đẹp, không có gia súc thả rông; trước cổng, cửa nhà các hộ đều treo cờ Tổ quốc, trong nhà treo ảnh Bác Hồ. Những kết quả đó có vai trò rất quan trọng từ bản hương ước cùng cam kết thực hiện 5 “không”: Không thuốc phiện, không uống rượu, không thuốc lá, không cờ bạc và không xả rác; duy trì mô hình “Bản du lịch sinh thái an toàn về ANTT”, “Điểm sinh hoạt tôn giáo thuần túy, bảo đảm ANTT”.

Bà Nguyễn Thị Thanh (thành phố Lai Châu) chia sẻ: Trước đây, tôi từng là giáo viên dạy học tại bản. Sau 14 năm quay trở lại, cảnh quan thiên nhiên cùng tư duy của nhân dân thay đổi quá nhiều khiến tôi ngỡ ngàng. Sự phát triển theo hướng tích cực, cảnh vật nên thơ, chất lượng cuộc sống được cải thiện, nâng cao, bà con thân thiện, mọi thứ đều tuyệt vời.

Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, lực lượng công an, biên phòng, nhất là ý chí vươn lên của bà con bản Sin Suối Hồ trong hơn 2 thập kỷ qua đã mang đến những kết quả ấn tượng. Đến nay, bản còn khoảng 10 hộ nghèo; tỷ lệ hộ giàu chiếm 40%. Năm 2015, bản được tỉnh công nhận là điểm du lịch cộng đồng; năm 2019 Hiệp hội Du lịch Việt Nam vinh danh “Làng du lịch cộng đồng tiêu biểu năm 2019”. Đặc biệt, năm 2022, điểm du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ được tôn vinh tại hạng mục giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN lần thứ 3 diễn ra tại Indonesia.

 

Tác giả: Vương Trang
Nguồn:https://www.baolaichau.vn/ph%C3%A1p-lu%E1%BA%ADt/b%E1%BB%ABng-s%C3%A1ng-sin-su%E1%BB%91i-h%E1%BB%93 Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Bản đồ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT tỉnh mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 989
Hôm qua : 1.860