A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ghi nhận “Phiên tòa giả định” tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống tảo hôn

Sáng 11/4, Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật huyện Phong Thổ tổ chức phiên tòa giả định, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống tảo hôn tại xã Lản Nhì Thàng. Đây là lần đầu tiên “Phiên tòa giả định” được tổ chức, là hình thức tuyên truyền trực quan, sinh động, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân và học sinh tham gia.

 

Quang cảnh phiên tòa giả định tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tảo hôn

 

Đồng chí Mai Thị Hồng Sim, Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ phát biểu tại  phiên tòa giả định

 

Với tình huống giả định: Bị cáo là một thanh niên dân tộc Mông 21 tuổi thông qua mạng Faceboook có tình cảm yêu đương với bạn gái 15 tuổi đang là học sinh và có quan hệ tình dục với nhau. Bị cáo và nạn nhân đã được 2 bên gia đình tổ chức cho cưới hỏi theo phong tục tập quán của địa phương, thời điểm này nạn nhân chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn. Sau khi lấy chồng gia đình nhà chồng không cho đi học phải ở nhà hỗ trợ gia đình làm ruộng, nương. Khi nắm được thông tin, Nhà trường nơi nạn nhân đang theo học đã làm đơn tố giác hành vi giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi đến công an xã. Với nội dung dễ hiểu, sát thực tế, trong phần xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử và kiểm sát viên đã khai thác, phân tích hành vi phạm tội của bị cáo, giúp bị cáo hiểu rõ hơn về hậu quả do mình gây ra, đồng thời lồng ghép những câu hỏi mang tính chất tuyên truyền, cảnh tỉnh với bị cáo để giúp người dân hiểu rõ về hệ lụy của tảo hôn ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, sức khỏe tinh thần của con người, đặc biệt là thanh, thiếu niên. Từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, giúp giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn. 

Em Vàng Thị Sang, học sinh lớp 8A1, Trường PTDTBT THCS Lản Nhì Thàng chia sẻ: “Qua phiên tòa giả định này, em hiểu rõ không nên lấy chồng lấy vợ sớm, không chỉ ảnh hưởng đến bản thân, gia đình, đây còn là hành vi vi phạm pháp luật. Em và các bạn sẽ cố gắng học tập để trở thành người có ích cho xã hội”.

Anh:Mùa A Ly, bản Cung Mù Phìn, xã Lản Nhì Thàng cho biết: Đây là lần đầu tiên tôi được dự phiên tòa giả định như thế này, thông qua phiên tòa giúp người dân chúng tôi hiểu rõ những quy định của pháp luật về Hôn nhân gia đình. Bây giờ ở bản vẫn có nhiều người cho con cái lấy chồng lấy vợ sớm, qua phiên tòa này tôi đã hiểu biết được nhiều, sau khi về tối sẽ tuyên truyền cho các con, anh em cho họ hàng và người dân trong bản không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống”.

Một số hình ảnh tại phiên tòa giả định tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tảo hôn

 

Một số hình ảnh tại phiên tòa giả định tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tảo hôn

 

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa và xem xét các tình tiết giảm nhẹ. Kết thúc vụ án, Tòa án Nhân dân huyện tuyên phạt bị cáo 3 năm tù giam với hành vi giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Hai bên gia đình tổ chức đám cưới cho bị cáo và nạn nhân bị chính quyền địa phương nơi cư trú xử phạt vi phạm hành chính tổ chức lấy vợ lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn. Đây là một bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật vừa có tác dụng giáo dục đối với bị cáo, vừa có tác dụng phòng ngừa chung. Dù là phiên tòa giả định nhưng các đơn vị phối hợp tổ chức đã có sự chuẩn bị chu đáo với đầy đủ các thành phần như: thẩm phán chủ tọa phiên tòa, hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên, thư ký, người làm chứng, luật sư bào chữa cho bị cáo…

Ông Đèo Văn Vĩnh,  Trưởng Phòng Tư pháp huyện Phong Thổ cho biết: “Thời gian qua, huyện luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, đặc biệt là về vấn nạn tảo hôn. Để công tác tuyên truyền hiệu quả, đơn vị đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, hình thức tổ chức “Phiên tòa giả định” này là phương pháp tuyên truyền mang tính trực quan sinh động, đã nhận được sự phối hợp tích cực của các cơ quan đơn vị, các đoàn thể chính trị - xã hội. Qua đó, giúp người dân thấy rõ hành vi vi phạm pháp luật và hình thức xử lý đối với hành vi tảo hôn. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho UBND huyện tổ chức thêm các phiên tòa giả định tại các địa phương có tỷ lệ tảo hôn cao để tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong thực hiện đúng các quy định của pháp luật về Hôn nhân và gia đình

Một số hình ảnh tại phiên tòa giả định tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tảo hôn

 

Thông qua "Phiên tòa giả định", huyện Phong Thổ  muốn truyền tải thông điệp đến với Nhân dân về hành vi vi phạm pháp luật và hình thức xử lý đối với hành vi tảo hôn và tổ chức tảo hôn. Đây là hình thức tuyên truyền trực quan, sinh động đem lại hiệu quả thiết thực. Giúp ngăn chặn, giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống trên địa bàn huyện.


Tác giả: Đình Cầu - Đỗ Nguyên
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT tỉnh mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 148
Hôm qua : 860