Thứ sáu, 26/04/2024 - 16:41
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển vọng khoai sâm

Cho sản phẩm có năng suất, chất lượng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế, khoai sâm đang giúp người dân bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ) tăng thu nhập và mở ra hướng phát triển kinh tế mới nơi biên giới.

Trong chuyến công tác gần đây tại bản Sin Suối Hồ chúng tôi tình cờ gặp được những cô gái Mông duyên dáng trong trang phục truyền thống giới thiệu đến khách du lịch món quà từ núi rừng. Đó chính là những củ khoai sâm có hình dạng giống với khoai lang nhưng kích thước to hơn. Phía trong lớp vỏ mỏng, ruột khoai có mầu vàng nhạt, chứa nhiều nước. Khi ăn, khoai sâm hấp dẫn người thưởng thức bởi vị thơm mát, giòn ngọt, ăn lâu mà không thấy chán. Các khách du lịch không ngần ngại quãng đường xa mua khoai sâm về làm quà cho người thân.
Chị Nguyễn Thị Hằng – Du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Đến bản Sin Suối Hồ tôi ấn tượng với vẻ đẹp hoang sơ, hùng vỹ của núi rừng. Tôi rất thích được trải nghiệm cuộc sống, tìm hiểu về nét văn hóa đặc sắc của đồng bào vùng cao. Bây giờ khi chuẩn bị quay về lại có khoai sâm làm quà cho người thân thì quả thật tuyệt vời. Nếu có dịp lên Lai Châu lần nữa, nhất định tôi sẽ trở lại thăm Sin Suối Hồ”.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, khoai sâm được người dân bản Sin Suối Hồ trồng từ năm 2015. Lúc đầu, một vài hộ trong bản mua khoai sâm của bà con bản Sàng Mà Pho (cùng xã) về ăn sống. Thấy khoai sâm có mùi giống nhân sâm, thanh mát nên mua giống về trồng. Ngay sau vụ đầu tiên, khoai sâm đã cho thấy phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu địa phương, sinh trưởng phát triển tốt, ra nhiều củ. Mỗi củ có hàm lượng nước lớn, trọng lượng nặng. Khoai sâm bán cho du khách gần xa với giá 20.000 đồng/kg. Mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét, cao hơn hẳn các cây trồng khác, điều này thôi thúc đông đảo bà con trong bản đưa khoai sâm vào trồng đại trà.
Hiện nay, bản Sin Suối Hồ có 136 hộ thì có đến gần 70 hộ trồng khoai sâm. Hộ ít trồng 200m2, hộ nhiều trồng 500m2. Khoai sâm trồng vào tháng 3 hàng năm, hầu hết trồng trên đất trồng cây ngắn ngày (đỗ các loại) năng suất thấp và tận dụng diện tích đất để hoang. Sau 7 tháng trồng, khoai sâm có thể thu hoạch. Thời gian thu hoạch dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau. Bản chưa thống kê sản lượng chính xác do khoai sâm mang lại nhưng theo ước tính của bà con trung bình mỗi hộ gia đình trồng khoai sâm thu về từ 6-8 triệu đồng/năm.
Theo bà con, trồng khoai sâm không vất vả chỉ cần cày, cuốc làm tơi xốp đất, đánh luống và trồng. 1 năm làm cỏ 1 lần, bón phân chuồng lượng vừa đủ là cây đã cho nhiều củ không cần phải bón phân tổng hợp, giảm kinh phí, công sức đầu tư. “Tiện lợi ở chỗ trồng khoai sâm giúp giải quyết việc làm lúc nông nhàn cho bà con nhất là những người trung tuổi, phụ nữ có con nhỏ, không đi làm ăn xa được. Hơn nữa, khoai sâm bảo quản được lâu (vài tháng nếu đễ chỗ thoáng, mát), củ để héo vỏ ăn càng ngọt. Qua tìm hiểu, khoai sâm còn là loại thuốc quý giúp làm mát gan, giải nhiệt cơ thể, nhuận tràng, nâng cao sức khỏe. Khoai sâm còn là món quà núi rừng mỗi du khách có thể lựa chọn mang về cho người thân, giúp bản giải quyết bài toán về quà cho du khách khi ghé thăm” - Anh Vàng A Chỉnh, Trưởng bản Sin Suối Hồ cho biết.
Gia đình anh Hảng A Nhè là một trong số những hộ trồng khoai sâm nhiều ở bản. Nhìn từ xa vườn khoai sâm như một thảm cúc quỳ với những cây cao trên đầu người, hoa nở mầu vàng rộm. Mỗi thân khoai sâm chỉ to bằng ngón tay nhưng khi đào lên phía gốc chi chít củ, củ nào củ nấy to, nây đều, trông rất thích mắt. Được biết, năm 2017 gia đình anh Nhè trồng 4kg củ giống, đến năm 2019 gia đình đã tăng lên 70kg giống. Trồng khoai sâm rất năng suất, củ to có thể nặng tới 2kg. Trong khi giá bán trung bình được 20.000 đồng/kg, lúc đầu vụ giá rẻ nhất cũng được 15.000 đồng/kg, giáp tết củ già ngọt hơn bán được 30.000 đồng/kg. Hết vụ gia đình anh thu lãi 7 triệu đồng. Hào hứng và hy vọng vào giống cây trồng mới, năm 2020 gia đình anh trồng 3 tạ giống.
Anh Nhè nói: “Các con tôi còn nhỏ, vợ phải làm ở gần nhà. Qua mấy năm liền trồng khoai sâm thấy rất phù hợp, có hiệu quả kinh tế. Năm nay khoai sâm được mùa, củ sai, giá bán ổn định, nhà tôi mới thu một phần nhỏ diện tích đã thu được 2 triệu đồng. Nếu thu cả vườn hứa hẹn giá trị kinh tế tăng lên nhiều lần so với năm trước”.
Khoai sâm đang giúp người dân bản Sin Suối Hồ có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Triển vọng của khoai sâm là rất lớn, tin tưởng đây sẽ là loại cây trồng góp phần giúp địa phương đẩy nhanh quá trình xóa đói giảm nghèo trong thời gian tới
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT tỉnh mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.276
Hôm qua : 2.236