A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lai Châu: Chỉ số cải cách hành chính tăng 13 bậc – Nỗ lực, cố gắng không ngừng của cả hệ thống chính trị

Theo kết quả công bố chỉ số cải cách hành chính (Par index) năm 2020 vừa được Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ công bố, Par Index của tỉnh Lai Châu tăng 13 bậc so với năm 2019, cao nhất từ trước tới nay, trong đó nhiều chỉ số thành phần tăng cao. Kết quả này là minh chứng cho sự nỗ lực vượt bậc trong công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh Lai Châu trong suốt thời gian qua.

Cụ thể là, chỉ số Par index tỉnh Lai Châu năm 2018 xếp hạng 58/63, 2019 xếp hạng 51/63, 2020 vươn lên xếp hạng 38/63 tỉnh, thành phố, cao nhất từ trước tới nay. Trong đó, nhiều chỉ số thành phần tăng cao như: Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tăng 17 bậc xếp hạng 34/63; tài chính công tăng 19 bậc xếp hạng 16/63; tác động của CCHC đến phát triển kinh tế - xã hội tăng 37 bậc xếp hạng 4/63 và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (Sipas) tăng 8 bậc xếp 36/63 tỉnh, thành phố.

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Giàng Páo Mỷ động viên đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công. 

Để đạt được kết quả này, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Lai Châu đã thẳng thắn nhìn nhận vào những tồn tại, hạn chế của tỉnh, trên cơ sở đó phân tích những nguyên nhân chủ quan, khách quan và đề ra các giải pháp để khắc phục… Nhất là trong năm 2020, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, mà trực tiếp là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Giàng Páo Mỷ, tỉnh Lai Châu đã vận dụng sáng tạo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “biến nguy thành cơ”, quyết liệt chỉ đạo việc thay đổi cách thức làm việc để thích ứng trong tình hình mới. Tỉnh ủy Lai Châu đã tăng cường chỉ đạo ban hành Chỉ thị và Nghị quyết nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. UBND tỉnh đã ban hành các đề án, quyết định, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, điều hành để triển khai thực hiện; các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của tỉnh đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh triển khai nhiều giải pháp mới và sáng tạo để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, góp phần to lớn vào công cuộc phát triển.

Điển hình trong công tác chỉ đạo, điều hành, UBND tỉnh Lai Châu đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), triển khai và chỉ đạo quyết liệt việc gửi nhận văn bản điện tử; tỷ lệ văn bản hành chính được trao đổi dưới dạng điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước đạt 100%. Cùng với đó là khai thác tối đa hiệu quả của hệ thống thư công vụ, hệ thống ký số; sử dụng hình thức họp trực tuyến trên hệ thống giao ban trực tuyến, qua phần mềm Zoom, họp không giấy tờ từ tỉnh đến xã, sử dụng mạng xã hội Zalo, Facebook trong chỉ đạo điều hành đạt hiệu quả cao. Qua đó, đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, làm tốt công tác chỉ đạo điều hành, xử lý công việc mọi lúc, mọi nơi, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp…

Với sự cố gắng, nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành, từ Thủ trưởng đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố, công tác CCHC đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, nhiều đồng chí Bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện, thành phố đã quan tâm, có chỉ đạo cụ thể về việc CCHC trên địa bàn cấp huyện. Công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện, có nhiều đổi mới; cải cách thủ tục hành chính gắn với ứng dụng CNTT, phát triển Chính quyền điện tử đạt được nhiều kết quả tích cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu người dân, doanh nghiệp.

Nhờ đó, TTHC được giải quyết nhanh chóng, gọn nhẹ, góp phần đắc lực trong hiện đại hóa hành chính trên địa bàn. Đến nay, Lai Châu đã cung cấp 1.037 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 trên tổng 1.900 dịch vụ công và tích hợp đạt 65,24% dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia (đứng top 5 tỉnh có tỷ lệ tích hợp dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia cao nhất trong cả nước)… Thông qua ứng dụng CNTT, giải quyết TTHC không tiếp xúc, thanh toán phí không dùng tiền mặt góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Tỉnh Lai Châu tiếp tục rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm thời gian giải quyết  TTHC. Năm 2020, trung bình cắt giảm được 32,6% thời gian giải quyết TTHC; thời gian cắt giảm cao nhất đạt 66,7%... Tỷ lệ trả kết quả hồ sơ TTHC cho người dân, tổ chức đúng và trước hạn của các cơ quan hành chính nhà nước đạt trên 99%. Công tác cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, thời gian thành lập doanh nghiệp đã tạo niềm tin cho tổ chức, cá nhân, cải thiện sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Nhờ vậy, chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2020 (Sipas) tăng 8 bậc so với năm 2019; theo thống kê mức độ hài lòng của người sử dụng đối với dịch vụ, thì hiện trên Cổng dịch vụ công tỉnh Lai Châu tỷ lệ rất hài lòng đạt trên 98%...

Cùng với đó, tỉnh Lai Châu cũng đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp cải cách hành chính mới nhằm đổi mới cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện đổi mới cơ chế tài chính công, cụ thể hóa với những hoạt động, nhiệm vụ cụ thể, thiết thực như: Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận một cửa các cấp; hàng năm tổ chức đánh giá, xếp loại công tác CCHC của các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng, UBND các huyện, thành phố; tổ chức nhiều diễn đàn đối thoại với doanh nghiệp; thành lập Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ của các sở, ban, ngành đặc biệt là những nhiệm vụ liên quan tới người dân, doanh nghiệp; các huyện, thành phố thành lập Tổ công tác do Chủ tịch UBND huyện hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Tỉnh ứng dụng CNTT trong chỉ đạo, điều hành, kết nối với Nhân dân như xây dựng và sử dụng có hiệu quả Fanpage Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19, bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp và khai thác hiệu quả giải pháp triển khai dịch vụ tra cứu trạng thái, kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính qua tin nhắn (SMS Brandname)... được Bộ Nội vụ ghi nhận.

Trong các chỉ số thành phần tăng cao, phải kể đến chỉ số thành phần đánh giá tác động CCHC đến kinh tế - xã hội của tỉnh tăng 37 bậc xếp hạng 4/63 tỉnh, thành phố. Để đạt được kết quả này, trong 2 năm vừa qua, tỉnh Lai Châu đã chú trọng giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư; đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp; quan tâm tổ chức các diễn đàn đối thoại, gặp mặt giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp thông qua Chương trình Cà phê Doanh nhân; tăng cường thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp tư nhân và Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh… Nhờ vậy, một số doanh nghiệp trên địa bàn mở rộng đầu tư trong các lĩnh vực như nông nghiệp, thủy điện…

Nhằm tiếp tục nâng cao thứ hạng, chất lượng chỉ số cải cách hành chính, thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ Vừ A Tiến cho biết: Thời gian tới, tỉnh Lai Châu tiếp tục chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, tập trung vào những biện pháp, giải pháp mới mang tính đột phá, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tiễn, nhằm khơi thông nguồn lực, tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi. Ban hành Đề án về đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các quy định về hoạt động kinh doanh theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, không gắn với địa giới hành chính, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp theo Quyết định số 468/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, nâng cao hơn nữa hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của tỉnh. Tăng cường đổi mới, cải tiến phương thức làm việc nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động và sắp xếp, tinh gọn hệ thống tổ chức cơ quan hành chính Nhà nước các cấp theo quy định. Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm trong thực thi công vụ. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính phủ số. Tiếp tục triển khai có hiệu quả việc gửi nhận văn bản điện tử giữa các cấp chính quyền; việc họp trực tuyến và xử lý công việc trên môi trường điện tử…

Với sự cố gắng, nỗ lực và nhiều giải pháp thiết thực được đưa ra của tỉnh Lai Châu, có thể tin tưởng rằng năm 2021, Lai Châu sẽ tiếp tục nâng thứ hạng về chỉ số Par index.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Bản đồ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT tỉnh mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 541
Hôm qua : 2.343