A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phụ nữ Phong Thổ sáng tạo trong lao động sản xuất

Nhằm giúp phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm bền vững, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Phong Thổ đã thực hiện hiệu quả Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”. Các hoạt động thiết thực đã tạo cơ hội để phụ nữ tự tin, mạnh dạn vươn lên trong cuộc sống, làm giàu chính đáng.

Chị Sùng Thị Le (người mặc trang phục truyền thống dân tộc Mông) chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn khách đến du lịch tại bản Sin Suối Hồ

 

Các sản phẩm thổ cẩm của chị Sùng Thị Le và phụ nữ Sin Suối Hồ được trưng bày và kết nối tiêu thụ tại Hội nghị khởi nghiệp sáng tạo.

 

Chị Sùng Thị Le là người dân tộc Mông sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Sin Suối Hồ. Trước đây, khi chưa bén duyên với du lịch, chị làm cô đỡ thôn bản và quanh quẩn với ruộng, nương. Năm 2018, chị tham gia Hợp tác xã Trái tim để thỏa mãn niềm đam mê làm du lịch của mình. Năm 2021, chị đi học lớp thuyết minh viên do tỉnh tổ chức và trở thành hướng dẫn viên du lịch, thường dẫn các đoàn khách trong nước và quốc tế thăm quan, trải nghiệm bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ và các tỉnh phía Bắc. Chị Sùng Thị Le tâm sự: nhận thấy nhu cầu của khách du lịch khi đến với Sin Suối Hồ, tôi đã cùng gia đình xây dựng các bull-ga-low cho khách nghỉ lại; trực tiếp làm những sản phẩm thổ cẩm từ vải lanh truyền thống như: túi, mũ, trang phục, phục vụ nhu cầu mua làm quà lưu niệm của du khách đặc biệt là khách nước ngoài. Bên cạnh đó, tôi còn kết nối tiêu thụ các sản phẩm cho người dân trong bản như nông sản địa phương, các mặt hàng từ thổ cẩm và các hoạt động trải nghiệm khác.

Phụ nữ xã Mù Sang nuôi trâu sinh sản

 

Xã Mù Sang là xã vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn của huyện Phong Thổ. Tuy còn gặp nhiều khó khăn trong đời sống nhưng chị em phụ nữ xã Mù Sang luôn cố gắng, nỗ lực phát triển kinh tế dựa trên thế mạnh của địa phương. Trong đó mô hình nuôi trâu sinh sản được chị em, phụ nữ lựa chọn thực hiện bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế. Chị Tẩn Thị Dở - Chủ tịch Hội LHPN xã Mù Sang chia sẻ: tham gia mô hình nuôi trâu có 5 hộ đều là phụ nữ ở các bản Tung Trung Vang và Mù Sang. Mô hình được triển khai từ năm 2020 với số lượng ban đầu là 21 con, mỗi hộ tham gia được vay vốn 50 triệu đồng của Ngân hàng chính sách xã hội huyện. Sau 3 năm thực hiện, nhờ thay đổi tư duy sản xuất từ thả rông như trước đây sang chăn thả, làm chuồng trại phòng chống rét cho trâu, đến nay đàn trâu đã tăng lên 31 con và đã có 1 hộ bán 3 con cho thu nhập 150 triệu đồng.

Phụ nữ xã Mù Sang nuôi trâu sinh sản

 

Huyện phong thổ có gần 12.800 hội viên phụ nữ sinh hoạt tại 18 hội cơ sở. Trong thời gian qua, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo các cơ sở Hội thực hiện hiệu quả các nội dung của Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” thông qua tư vấn giới thiệu việc làm, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp phát triển kinh doanh cho phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp; hỗ trợ pháp lý, xây dựng thương hiệu, cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu gạo Tẻ râu Phong Thổ cho hội viên, phụ nữ; phối hợp, tạo điều kiện cho Hợp tác xã Biên Cương, xã Mồ Sì San xây dựng thương hiệu “Chè cổ thụ xã Mồ Sì San”; xây dựng 02 mô hình chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm như: mô hình cây ăn quả ôn đới tại xã Dào San; mô hình trồng cây ăn quả ổi, táo, xoài tại các xã Mường So, Khổng Lào, Huổi Luông, Nậm Xe; hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm: chè cổ thụ, mật ong xã Hoang Thèn; địa lan xã Sin Suối Hồ. Bên cạnh đó, Hội đã tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề “Khởi nghiệp và xây dựng kế hoạch kinh doanh”, “Xây dựng và phát triển mô hình kinh doanh”, “Ứng dụng nền tảng công nghệ số trong việc quảng bá, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc thù địa phương". Ngoài ra, các cấp Hội còn hỗ trợ phụ nữ kết nối các nguồn lực, tiếp cận nguồn vốn thực hiện hóa ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp bằng việc duy trì các hoạt động ủy thác với Ngân hàng chính sách xã hội. Đến thời điểm hiện tại Hội LHPN huyện quản lý 661 tổ, 2.132 hộ vay với tổng dư nợ trên 121,6 tỷ đồng; duy trì sinh hoạt 12 nhóm tiết kiệm và vay vốn thôn bản với 244 thành viên, tổng số tiền gần 410 triệu đồng cho 132 hộ vay để phát triển kinh tế gia đình. Đồng chí Tòng Thị Thơm, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Phong Thổ cho biết: trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục nắm bắt nhu cầu và định hướng hỗ trợ vốn, trang thiết bị để hiện thực hóa ý tưởng khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo của hội viên. Phối hợp tổ chức các buổi giao lưu, truyền cảm hứng, vực dậy tinh thần khởi nghiệp thông qua các câu chuyện phụ nữ khởi nghiệp thành công. Đề xuất với UBND huyện tiếp tục quan tâm, có chính sách hỗ trợ phù hợp với những doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt ban hành những chính sách đặc thù đối với doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ trong chuyển đổi số. 

Có thể thấy rằng các hoạt động hỗ trợ của các cấp Hội đã tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện Phong Thổ tiếp cận mọi nguồn lực để khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, đầu tư sản xuất và phát triển kinh tế gia đình bền vững. Sự đồng hành đó được Hội LHPN huyện Phong Thổ xác định là việc làm cần sự bền bỉ, lâu dài để giúp hội viên, phụ nữ không ngừng nỗ lực, duy trì doanh nghiệp, mô hình kinh tế của gia đình hoạt động ngày càng hiệu quả và đi đến thành công.


Tác giả: Trịnh Toản
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT tỉnh mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.888
Hôm qua : 2.092