Tòa án Nhân dân huyện triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án chính thức được thông qua ngày 16/6/2020, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Luật gồm 4 chương, 42 điều, quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của hòa giải viên tại Tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án; trách nhiệm của Tòa án trong hoạt động hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại và công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.
Mục đích của hoạt động hòa giải, đối thoại tại Toà án là tạo sự thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc để các đương sự ngồi lại với nhau, cùng nhìn nhận lại sự việc, hòa giải, đối thoại góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt trong gia đình và cộng đồng xã hội. Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử. Mặt khác, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan, giúp Nhà nước, đặc biệt là các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết được khối lượng lớn công việc, đồng thời cũng là phương thức giúp hạn chế được nhiều tranh chấp, khiếu kiện kéo dài gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Kể từ khi Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu lực, thực hiện sự chỉ đạo, hướng dẫn của Tòa án nhân dân tỉnh Lai Châu, Tòa án nhân dân huyện Phong Thổ đã thường xuyên triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Sắp xếp, bố trí phòng hòa giải, đối thoại, trang bị cơ sở vật chất theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của đơn vị. Chỉ đạo thực hiện thủ tục hòa giải, đối thoại trước khi Tòa án thụ lý vụ việc với tinh thần giảm các vụ việc phải hòa giải, đối thoại trong tố tụng đến mức thấp nhất. Phân công Thẩm phán phụ trách chung các hoạt động, theo dõi các vụ việc hòa giải, đối thoại tại tòa, phân công cán bộ giúp việc trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án...
Hiện nay, Tòa án nhân dân huyện Phong Thổ có 03 Hòa giải viên, được lựa chọn, bổ nhiệm theo đúng quy định. Các Hòa giải viên đều là những cán bộ hưu trí có nhiều kinh nghiệm thực tiễn công tác tại địa phương, có năng lực, uy tín nghề nghiệp, kinh nghiệm sống phong phú, nhiệt tình với công tác hòa giải và đều đã tham gia lớp tập huấn nghiệp vụ hòa giải, đối thoại do Tòa án nhân dân tối cao tổ chức. Mặc dù cơ sở vật chất tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện còn hạn chế, chưa có phòng hòa giải riêng, chưa có đủ trang thiết bị phục vụ cho hoạt động hòa giải nhưng các hòa giải viên cùng đơn vị đã khắc phục khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ khi được lựa chọn tiến hành hòa giải.
Từ khi triển khai thi hành Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án đến hết tháng 7 năm 2022, đơn vị đã có 25 vụ việc chuyển sang hòa giải, đối thoại, gồm: 06 vụ việc dân sự; 15 vụ việc hôn nhân và gia đình. Kết quả hòa giải: có 17/25 vụ việc hòa giải thành; 08/25 vụ hòa giải không thành, chuyển sang thủ tục giải quyết vụ án dân sự tại Tòa án. Tính đến nay, Tòa án nhân dân huyện Phong Thổ là đơn vị có số vụ việc chuyển sang hòa giải, đối thoại tại tòa án nhiều nhất trong hệ thống Tòa án hai cấp tỉnh Lai Châu. Tuy nhiên, số lượng các vụ việc đã chuyển sang hòa giải, đối thoại còn chiếm tỷ lệ thấp so với số lượng đơn khởi kiện, đơn yêu cầu mà các Tòa án nhận được. Nguyên nhân chủ yếu là do đa số các đương sự, mặc dù đã được nghe phổ biến và giải thích về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, ý nghĩa của việc lựa chọn giải quyết qua hòa giải đối thoại, nhưng do nhận thức chưa đầy đủ về luật nên đương sự vẫn không lựa chọn phương thức hòa giải, đối thoại. Trong quá trình hòa giải, đối thoại, đương sự thường không hợp tác: vắng mặt nơi cư trú, không đến tham gia hòa giải, không cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của hòa giải viên. Bên cạnh đó, người dân thường chọn khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự, hành chính vì người dân còn chưa tin vào hòa giải, đối thoại tại Tòa án với tâm lý e sợ, khó thi hành …
Thực hiện theo chủ trương chung của hệ thống Tòa án Nhân dân, Tòa án Nhân dân huyện xác định triển khai thi hành Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án là một trong các nhiệm vụ công tác trọng tâm hàng năm của đơn vị. Trong thời gian tới, Tòa án Nhân dân huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giúp người dân hiểu rõ hơn ý nghĩa nhân văn sâu sắc của việc hòa giải, đối thoại và đưa Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án thực sự đi vào cuộc sống, trở thành phương thức giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp tốt nhất, hiệu quả nhất trong đời sống, xã hội. Đồng thời, Các Hòa giải viên cũng cần nâng cao hiểu biết pháp luật, trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng thuyết phục và đặc biệt phải có tấm lòng nhân ái, đánh thức được trái tim của các đương sự trong từng vụ việc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần giải quyết hiệu quả các tranh chấp, tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đoàn kết trong Nhân dân.