A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vui xuân lễ hội Gầu Tào xã Dào San huyện Phong Thổ

Những ngày đầu năm mới, trong tiết trời lạnh và sương mờ đặc trưng của vùng núi cao Tây Bắc, từng tốp đồng bào các dân tộc ở các xã vùng cao huyện Phong Thổ trong sắc màu thổ cẩm rực rỡ lại nô nức kéo về trung tâm xã Dào San (huyện Phong Thổ ) cùng chung vui lễ hội Gầu Tào. Đây là lễ hội đầu xuân được mong chờ nhất trong năm, được tổ chức gắn liền với Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Mông.

Lễ hội Gầu Tào được tổ chức trên cao nguyên Dào San vào đầu năm như một hoạt động thường niên mừng Đảng, mừng Xuân. Xưa kia Lễ hội Gầu tào thường do các gia đình người Mông giàu có đứng ra tổ chức, nhằm mong thần linh ban cho năm mới có nhiều con cháu, lúa xếp đầy bồ, ngô treo đầy gác. Ngày mở hội Gầu tào thường chọn ngày thìn hoặc ngày sửu trong tháng đầu tiên của năm mới. Người ta chọn một cây tre to, cao, chắc chắn để làm cây nêu, trồng ở giữa một bãi đất bằng phẳng, rộng rãi. Trên cây nêu mang một bầu rượu, túm thóc nương, bắp ngô và những dải băng nhiều màu sắc để kính thần linh trên trời, dưới đất. Mấy người trai làng khỏe mạnh làm thịt một chú trâu béo để làm cỗ cúng, các cô gái trẻ đẹp thì xúng xính trong điệu múa truyền thống dâng trời. Người chủ lễ thường là già làng, trưởng bản có uy tín, thay mặt bà con thực hiện nghi lễ huyền bí, linh thiêng, trước khi tất cả cùng bước vào phần “Hội” vui vẻ và náo nhiệt kéo dài suốt ba ngày.

Lễ hội Gầu Tào là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Mông xã Dào San mỗi khi tết đến, xuân về. Lễ hội gồm có 2 phần, phần lễ và phần hội. Trong phần Lễ là nghi thức cúng trang trọng tại khu vực cây nêu để bày tỏ lòng kính trọng, biết ơn trời đất, cầu mong sơn thần thổ địa phù hộ độ trì ban cho bà con Nhân dân một năm mới khỏe mạnh, người người yên vui, các gia đình có con trai nối dõi tông đường để chăm sóc tổ tiên dòng họ, mùa màng bội thu ngô lúa đầy sàn, gia súc, gia cầm sinh sôi, phát triển. Đến với phần Hội mọi người được hòa mình vào các môn thể thao, lời ca, điệu múa truyền thống của dân tộc Mông.

 Lễ hội Gầu Tào được coi là lễ hội tiêu biểu, thể hiện nét văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông huyện Phong Thổ đầu năm mới, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá phi vật thể độc đáo của đồng bào dân tộc Mông, là sân chơi bổ ích, tạo điều kiện cho các nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ quần chúng có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và nêu  cao  tinh  thần  trách  nhiệm  của  mình  trong  việc  giữ gìn  những nét văn hóa truyền thống  của  dân  tộc Mông nói riêng và văn hóa các dân tộc  trong  cộng đồng các  dân tộc Việt Nam nói chung. Góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa  Việt  Nam  tiên  tiến, đậm đà bản  sắc  dân  tộc. Bên  cạnh đó, còn  góp  phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của địa phương. Người đến hội để xem múa, nghe hát, chơi các trò chơi dân gian. Các thiếu nữ khoe sắc trong những bộ trang phục đẹp nhất của dân tộc mình, thanh niên trai tráng thì ra sức thi tài trong các trò chơi dân gian, môn thể thao dân tộc như đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ... Hai bên đường, một số chiếc lán tạm được dựng lên để làm nơi nghỉ chân, thưởng thức các món ăn dân tộc do những người nông dân miền núi tự tay chế biến từ sản vật của núi rừng...Lễ hội Gầu tào là tín hiệu báo mùa xuân về, là điểm hẹn văn hóa đáng trân quý, giữ gìn của con người Lai Châu. Sau đó, bà con lại lên nương, xuống đồng, bắt tay vào lao động sản xuất với niềm tin và hy vọng về một năm mới ấm no, hạnh phúc.

Năm nay lễ hội Gầu tào được tổ chức vào ngày 17-18 tháng 2/2024 dương lịch( tức ngày 8-9/01/2024 năm Giáp thìn). Được tổ chức tại sân Lễ hội “Gầu Tào” xã Dào San - huyện Phong Thổ (Trung tâm xã Dào San, huyện Phong Thổ). Lễ hội được tổ chức với các nội dung sau:

1. Thi văn nghệ: Tổ chức thi vào buổi chiều và tối ngày 17/02/2023(tức tối 08/01 Âm lịch). Mỗi đơn vị xây dựng 01 chương trình văn nghệ mang bản sắc văn hóa dân tộc Mông, bao gồm 02 thể loại tương ứng với 03 tiết mục. Trong đó tiết mục ca( gồm đơn ca, song ca, tốp ca, hát múa); Múa ( múa đơn, múa đôi, múa tập thể chất liệu dân gian dân tộc Mông); Múa thổi khèn Mông: Ca ngợi Quê hương, Đất nước, con người Việt nam.

2. Thi không gian trưng bày văn hóa dân tộc Mông:  Các  đoàn  tiến  hành  dựng,  trang  trí  không  gian  từ ngày 15/02/2024(tức  ngày  06/01/2024  Âm  lịch).   Hoàn   thiện  trước 16h00   ngày 16/02/2024 (tức  ngày  07/01/2024  Âm  lịch). Thời  gian  chấm điểm không gian trưng bày vào 10h00 ngày 18/02/2024(tức ngày 09/01 Âm lịch)

3. Thi Ẩm thực:

+ Thi nấu Thắng cố Mỗi đơn vị cử 01 đội gồm 05 người tham gia thi nấu thắng cố, đảm bảo các yếu  tố:  Ngon,  sạch, đảm  bảo  vệ sinh  an  toàn  thực  phẩm, cân đối dinh dưỡng.

+ Thi giã bánh giầy: Mỗi đơn vị cử 01 đội gồm 6 người tham gia thi giã bánh giầy tại khu vực mà BTC chuẩn bị, các đoàn sẽ đồng loạt thi giã cùng một lúc.

4. Thi khéo tay hay nghề: Gồm có thi Thêu hoa văn trên vải, thi Chế tác khèn Mông.

5. Thi các môn thể thao: Các môn thể thao thi tại lễ hội bao gồm: Thi Bắn nỏ; Đẩy gậy; Ném pao; cầu lông gà…

Để góp phần cho Lễ hội diễn ra thành công tốt đẹp. Trân trọng kính mời bà con Nhân dân và Du khách gần, xa đến với xã Dào San để xem và cổ vũ cho Lễ hội.

Một số hình ảnh tại Lễ Hội Gầu Tào xã Dào San, huyện Phong Thổ
Một số hình ảnh tại Lễ Hội Gầu Tào xã Dào San, huyện Phong Thổ

Một số hình ảnh tại Lễ Hội Gầu Tào xã Dào San, huyện Phong Thổ

 

Một số hình ảnh tại Lễ Hội Gầu Tào xã Dào San, huyện Phong Thổ

 


Tác giả: Hà Vân - Trung tâm VHTT&TT
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT tỉnh mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 990
Hôm qua : 2.013