A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nếp sống văn minh trong việc cưới hỏi trên địa bàn huyện

Cùng với phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, cán bộ và Nhân dân các dân tộc huyện vùng cao biên giới Phong Thổ hăng hái xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới. Từ đó, xóa bỏ dần các phong tục lạc hậu, nâng cao đời sống tinh thần, thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Khi những cánh hoa đào lác đác khoe sắc thắm trên lưng chừng núi, hoa cúc quỳ nở rộ quanh các ngôi nhà và dọc theo tuyến đường ở xã Lản Nhì Thàng cũng là thời điểm Phong Thổ bước vào “mùa” cưới. Gọi là “mùa” cưới bởi đây là một trong số những khoảng thời gian đẹp nhất của năm có đông các đôi trai tài, gái sắc tổ chức Lễ thành hôn về sống chung một nhà, xây dựng cuộc sống mới. Dù không hẹn trước nhưng trong chuyến trở lại Phong Thổ lần này, chúng tôi không khó để bắt gặp hình ảnh đám cưới được tổ chức trang trọng, ấm cúng trong các hộ gia đình đồng bào dân tộc Thái ở thị trấn Phong Thổ. Các cụ ông, cụ bà, người trung tuổi cho đến thanh niên, trẻ nhỏ gương mặt rạng ngời, trên người xúng xính váy áo mới dự đám cưới.

Huyện Phong Thổ có 18 xã, thị trấn trong đó có 14/18 xã, thị trấn đặc biệt khó khăn với 8 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó, dân tộc Dao đông nhất chiếm 36,7%, dân tộc Mông 24,8%, dân tộc Thái 19%, dân tộc Hà Nhì 8,4%, dân tộc Kinh 6,3%, dân tộc Giáy 3,2% còn lại các dân tộc khác. Thực hiện các Quyết định, Thông tư của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế, Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, đầu năm 2015 UBND huyện Phong Thổ ban hành Quyết định số 15/QĐ-UBND quy định cụ thể việc thực hiện nếp sống văn minh trên địa bàn huyện. Đồng thời, yêu cầu các phòng, ban, đoàn thể huyện, UBND các xã, thị trấn phổ biến, quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức và đông đảo Nhân dân.

Đám cưới của đồng bào dân tộc Dao huyện Phong Thổ theo nếp sống văn minh mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc

Đám cưới của đồng bào dân tộc Dao huyện Phong Thổ theo nếp sống văn minh mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc

UBND các xã, thị trấn hướng dẫn các thôn, bản xây dựng quy ước, hương ước phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của địa phương, từng vùng, từng dân tộc. Với vai trò chủ trì, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã phối hợp với Đài Truyền thanh- Truyền hình huyện, các cơ quan liên quan liên quan tuyên truyền, hỗ trợ tích cực việc thực hiện nếp sống văn minh theo đúng quy định; tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

Ông Đèo Văn Dương – Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phong Thổ khẳng định: “Sau 5 năm triển khai, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn huyện có sự chuyển biến rõ nét. Nếu như trước đây trên địa bàn huyện tình trạng kéo, bắt vợ, đi ở rể diễn ra phổ biến, nhiều trường hợp tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, lấy vợ (chồng) theo sự sắp đặt của bố mẹ hai bên gia đình mà không có tình yêu, không có sự tìm hiểu của đôi trai gái. Thậm chí một số gia đình còn tổ chức dài ngày (3-5 ngày), thách cưới bằng bạc trắng hoặc tiền mặt, mổ nhiều trâu, bò, ngựa, ăn uống lãng phí để lại gánh nặng kinh tế cho các cặp vợ chồng trẻ thì giờ đây các hủ tục đã dần bị xóa bỏ thay vào đó là việc tổ chức đám cưới theo lối sống mới văn minh”.

Thời gian tổ chức đám cưới được người dân trong huyện gói gọn 1-2 ngày, việc tổ chức đảm bảo trang trọng, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, không phô trương, không xa hoa lãng phí, không còn tình trạng thách cưới, “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, bắt vợ, đi ở rể giảm hẳn. Chỉ tính riêng trong năm 2018 toàn huyện có 563 đám cưới. 9 tháng đầu năm 2019 có 171 đám cưới. Các đám cưới đều được tổ chức theo đúng quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đăng ký, quản lý hộ tịch, không có đám cưới vi phạm các quy định về nếp sống văn minh.

Rời thị trấn Phong Thổ men theo tuyến đường uốn lượn với những ngôi nhà mới xây, điểm tô bằng màu xanh của ngô đang trong giai đoạn vào sữa, chúng tôi tìm về bản Nà Củng (xã Mường So) nơi có 100% đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Ông Đèo Văn Hàn - Bí thư Chi bộ, trưởng bản Nà Củng hồ hởi cho biết, bản có 143 hộ, 639 nhân khẩu. Những năm gần đây, bà con trong bản đoàn kết phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn minh nhất là trong việc cưới. Đôi trai gái đến tuổi trưởng thành tự tìm hiểu, quyết định cuộc sống hôn nhân của mình và mỗi gia đình chỉ tổ chức đám cưới sau khi đã được chính quyền địa phương cấp Giấy chứng nhận kết hôn.

Địa điểm cưới cũng do hai bên gia đình tự thống nhất. Các thủ tục ăn hỏi, rước dâu có sự tân tiến hơn so với trước, đảm bảo theo phong tục tập quán, không phô trương, hình thức, rườm rà, không nặng về đòi hỏi lễ vật. Đơn cử như khi nhà trai sang nhà gái vào ngày tổ chức Lễ thành hôn chỉ cần mang con lợn 15-20kg không phải mang con lợn 50-70kg như trước; sau khi tổ chức đám cưới chú rể không phải ở rể. Trang phục cô dâu chú rể gọn gàng, lịch sự, phù hợp bản sắc văn hóa dân tộc. Âm nhạc trong đám cưới lành mạnh, vui tươi, không mở nhạc trước 6 giờ sáng và sau 22 giờ đêm. Bên cạnh đó, trong bản cũng khuyến khích các gia đình hạn chế sử dụng rượu, bia, thuốc lá tại đám cưới, đặc biệt trong bản đã có 2 đám cưới tổ chức bằng hình thức ăn ngọt (bánh kẹo).

Với đồng bào dân tộc Dao ở bản Ho Sao Chải (xã Khổng Lào) tổ chức đám cưới theo nếp sống mới là một bước tiến quan trọng đóng góp vào sự phát triển của bản. Bởi trước đây do nhận thức còn hạn chế, bà con trong bản thường tổ chức đám cưới dài ngày (có hộ lên đến 4 ngày), nhạc mở cả đêm với âm lượng lớn gây ồn ào ảnh hưởng đến giấc ngủ của hàng xóm. Trong đám cưới, bà con mổ nhiều trâu, bò, ăn không hết gây lãng phí, tốn kém, một số trường hợp kết hôn khi chưa đủ tuổi (bình quân 3-6 trường hợp tảo hôn/năm). Sau khi được tuyên truyền, đưa quy định tổ chức đám cưới vào quy ước, nhận thức và hành động của bà con cơ bản bước sang trang mới.

Anh Phàn Vần Hùng – Trưởng bản Ho Sao Chải nói: “Hiện nay, bà con chỉ tổ chức đám cưới 1-2 ngày, khách mời là người trong gia đình, họ tộc thân thích, bạn bè, đồng nghiệp thân thiết. Cỗ cưới căn cứ theo số lượng khách để mua thực phẩm tại chợ, nhạc đám cưới chấp hành tắt trước 22 giờ. Và, năm 2019 bản không có trường hợp tảo hôn, không có đám cưới trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, không có đám cưới để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, không làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Nhiều năm liền bản giữ vững danh hiệu bản văn hóa”.

Đám cưới là sự kiện vui mừng, mang ý nghĩa lớn trong cuộc đời mỗi người. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới như ở Phong Thổ là hết sức cần thiết và nên được nhân rộng để các gia đình có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, địa phương xây dựng những nét đẹp văn hóa, văn minh theo kịp thời kỳ hội nhập và phát triển.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Bản đồ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT tỉnh mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 168
Hôm qua : 2.325