Thứ năm, 25/04/2024 - 16:57
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị

Xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị luôn là chủ trương được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Chính bởi vậy, những năm qua cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Ma Lù Thàng luôn thực hiện tốt việc đảm bảo an ninh, an toàn đường biên, mốc giới là cơ sở để xây dựng đường biên giới hòa bình; đẩy mạnh hoạt động giao lưu, trao đổi nhằm tô thắm thêm tình hữu nghị giữa hai bên biên giới.
Đồn biên phòng Ma Lù Thàng đứng chân trên địa bàn xã biên giới Ma Li Pho, huyện Phong Thổ với 5 dân tộc anh em cùng sinh sống gồm Kinh, Dao, Thái, Hoa và Khơ Mú. Đồn có nhiệm vụ bảo vệ, quản lý hơn 13 km đường biên bao gồm các mốc từ 65(2) cho đến 66 (2) và 67(2). Đây cũng là đồn có cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng, hoạt động giao thương, xuất nhập cảnh thường xuyên diễn ra giữa hai bên biên giới. Sau khi hoạt động phân giới cắm mốc được hoàn thiện, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của xã ổn định, chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc được giữ vững. Đặc biệt, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai bên biên giới mà cụ thể là giữa đồn biên phòng Ma Lù Thàng, chính quyền và Nhân dân xã Ma ly Pho với chính quyền và Nhân dân thị trấn Kim Thủy Hà, huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) ngày càng được củng cố vững chắc. Đời sống Nhân dân không ngừng được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần khi hết năm 2019 thu nhập bình quân đầu người của xã đạ trên 33 triệu đồng/người/năm; cùng với Mường So và Khổng Lào được công nhận trước đó, Ma Li Pho đã được Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh công nhận là xã nông thôn mới năm 2018.
Những thành quả trên đạt được có sự đóng góp quyết định, quan trọng của Đồn biên phòng Ma Lù Thàng, chính quyền và Nhân dân trong xã trong việc xây dựng được đường biên giới hòa bình, hữu nghị. Nhất là thực hiện tốt Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào toàn dân tham gia xây dựng, bảo vệ biên giới. Thực hiện chỉ thị trên, Nhân dân các dân tộc trong xã cùng chính quyền phối hợp chặt chẽ với Đồn cửa khẩu Ma Lù Thàng trong xây dựng các kế hoạch cùng tuần tra, kiểm soát đường biên, mốc giới, giữ gìn an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Cũng từ phong trào toàn dân tham gia xây dựng, bảo vệ biên giới mà đến nay đã có 100% các hộ gia đình ở các bản tham gia vào các tổ tự quản đường biên, mốc giới; 9/9 bản thành lập được các tổ tự quản bảo vệ đường biên, mốc giới. Trong năm 2019, Đồn biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng tham gia tuần tra, bảo vệ đường biên, mốc giới được 215 lần/860 người tham gia. Qua tuần tra đã phát hiện và đấu tranh ngăn chặn, xử lý các hoạt động cư dân phía đối diện vượt biên chăn thả gia súc, khai thác lâm thổ sản trái phép. Trong 10 năm qua trên địa bàn không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự, các vụ việc được giải quyết kịp thời, đúng pháp luật. Trung bình hàng tháng các tổ tự quản thực hiện từ 3-7 buổi tuần tra cùng cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng, đồng thời duy trì thường xuyên các hoạt động tuần tra, kiểm soát biên giới ở khu vực địa giới hành chính của bản.
Ngoài duy trì chế độ tuần tra, kiểm soát thường xuyên, đơn vị còn làm tốt công tác phối hợp tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật cũng như các chủ trương, chính sách của Đảng, các văn kiện pháp lý về biên giới tới Nhân dân trên địa bàn xã. Qua tuyền truyền, người dân đã từng bước nâng cao nhận thức về trách nhiệm của mình trong tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới, xây dựng đường biên hòa bình, ổn định. Trong những năm qua, Nhân dân trên địa bàn xã đã cung cấp hàng nghìn thông tin có giá trị để Đồn phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới và đấu tranh phòng chống tội phạm.
Thiếu tá Nguyễn Thành Long- Chính trị viên Đồn biên phòng Ma Lù Thàng cho biết. Giữ an toàn đường biên, mốc giới và xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị để người dân yê tâm phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là mục tiêu hướng tới của đơn vị. Để thực hiện công việc đó hiệu quả chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân các quy định của Đảng, nhà nước về bảo vệ chủ quyền biên giới. Nhất là các văn bản, pháp lý về biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc như: Nghị định thư về phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới, Hiệp định về quản lý cửa khẩu… cùng với đó, thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Nói về tình hữu nghị giữa hai đất nước, hai dân tộc đã được vun đắp từ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông. Đến cửa khẩu Ma Lù Thàng, trên tấm biển lớn đặt ở khu xuất quan hàng hóa là hình ảnh của hai lãnh tụ cùng phương châm 16 chữ vàng trong quan hệ hai nước “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”. Phương châm ấy đã và đang được cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân hai bên biên giới trân trọng, giữ gìn. Nhân dịp các ngày lễ, tết lớn của phía ta và bạn đều có thư chúc mừng qua lại. Qua đó đã góp phần tăng cường, củng cố mối quan hệ đoàn kết hữu nghị giữa lực lượng bảo vệ biên giới hai bên. Với những vấn đề tồn tại, các bên tiến hành giải quyết trên cơ sở  tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế cũng như các thỏa thuận mà lãnh đạo hai bên đã thống nhất.
Từ việc xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị ở xã biên giới Ma Li Pho, các hoạt động buôn bán, làm ăn giữa Nhân dân hai bên biên giới ổn định, kinh tế phát triển. Mối quan hệ giữa Đồn biên phòng, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân hai bên biên giới được củng cố góp phần củng cố thêm tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai đất nước, hai dân tộc nói chung.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT tỉnh mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.873
Hôm qua : 2.384