A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng chống kết hôn sớm

Huyện Phong Thổ có 18 xã, thị trấn trong đó có 13 xã biên giới với 79.508 dân cư. Tổng số trẻ em dưới 16 tuổi 26.472, số trẻ em nữ 13.341. Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt 446 trẻ, số trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt 13.207 trẻ. Lực lượng trẻ em đông, trong khi đó phong tục tập quán người dân lạc hậu đã đặt ra nhiều thách thức lớn đối với vấn đề tảo hôn.

Với mục tiêu giúp mọi trẻ em được hiểu về quyền của mình và được bảo vệ khỏi những tác hại của việc kết hôn sớm. Góp phần nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số nhằm giảm tình trạng kết hôn trẻ em. UBND huyện Phong Thổ đã phối hợp với Tổ chức PLan vùng Lai Châu triển khai Dự án phòng chống kết hôn trẻ em (KHTE) từ tháng 9/2016 – 9/2019. 6 bản điểm có trẻ em trong độ tuổi từ 12 – 18 tuổi, các bậc phụ huynh có con trong độ tuổi từ 12 – 18 tuổi, 4 trường Trung học cơ sở và 1 trường Trung học Phổ thông của 3 xã Hoang Thèn, Bản Lang, Dào San được hưởng lợi từ Dự án.

1

Trẻ em gái trường THCS Bản Lang tham gia thảo luận nhóm và chia sẻ những vấn đề liên quan đến quyền trẻ em gái hưởng ứng Chiến dịch truyền thông Trẻ em gái bình đẳng.

Trước đây thực trạng KHTE trên địa bàn các xã trong vùng Dự án diễn ra phức tạp. Tỷ lệ tảo hôn cao. Sau 3 năm triển khai Ban Dự án phòng chống KHTE huyện đã thực hiện các hoạt động hỗ trợ thiết lập nhóm, thành lập Ban bảo vệ trẻ em ở cơ sở, kết nối với các tổ chức, địa phương liên quan nắm bắt tình hình thực tế của từng địa phương để có những chỉ đạo kịp thời trong công tác phòng chống trẻ em kết hôn sớm. Phối hợp với Tổ chức Plan tại Lai Châu, tổ chức tập huấn về sức khỏe sinh sản vị thành niên, quyền trẻ em. Phối hợp với các nhà trường giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản và nhận thức sâu sắc hệ hụy của tảo hôn. Các hoạt động của Dự án đã thực sự phát huy hiệu quả tích cực. Nổi bật là việc thành lập, vận hành được 11 câu lạc bộ Quyền trẻ em với hơn 330 thành viên tham gia. Thành lập nhóm thanh niên phát triển kinh tế ở 2 xã Bản Lang và Dào San. Từ đó tạo hướng làm kinh tế mới cho thanh niên địa phương tăng thu nhập từ các hoạt động sản xuất an toàn.

Được sự hỗ trợ của Tổ chức Plan tại Lai Châu, Ban Dự án đã tổ chức Diễn đàn “Trẻ em với vấn đề kết hôn trẻ em” tại xã Bản Lang với sự tham gia của câu lạc bộ Quyền trẻ em gái các xã vùng Dự án. Tổ chức liên hoan truyền thông “Phòng chống kết hôn sớm, kết hôn trẻ em” tại xã Dào San. Qua những chương trình này, các em đã được bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề kết hôn sớm. Em Dì Thị Sinh lớp 9A, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Dào San chia sẻ: Tham gia câu lạc bộ Quyền trẻ em, em được tìm hiểu các vấn đề quyền trẻ em, sức khỏe sinh sản, hậu quả của KHTE. Được chia sẻ những ý kiến của mình cho bạn bè, cha mẹ về những vấn đề giới tính, tâm lý tuổi mới lớn. Em đã mạnh dạn truyền thông về quyền trẻ em và hậu quả kết hôn sớm cho các bạn cùng lớp được biết.

Đặc biệt tại xã Bản Lang, một số em học sinh nam, nữ sau khi học xong lớp 9 không chỉ được tìm hiểu các vấn đề giới tính, sức khỏe sinh sản mà còn định hướng nghề nghiệp như trường hợp em Vàng Xa Gậy, Lý Mìn Kim, Phàn Vần Bằng ở bản Nà Giang. Điển hình có em Phàn Xa Tâm đã tự tìm cho mình cách giải quyết khỏi tình trạng kết hôn sớm, thuyết phục được cha mẹ cho đi học tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện, em được tham gia diễn đàn trẻ em tại Hà Nội, dự Hội nghị thượng đỉnh trẻ em tại Thái Lan. Trở thành một tấm gương cho các bạn khác noi theo.

3

Thi Rung chuông vàng tím hiểu về quyền trẻ em và phòng chống KHTE tại trường THCS xã Nậm Xe.

Dự án đã hỗ trợ các bậc cha mẹ trong vùng Dự án thành lập 6 câu lạc bộ cha mẹ tại 6 bản thuộc 3 xã dự án với 180 người tham gia. Tổ chức 4 lớp tập huấn về quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em và tiếp cận dựa trên niềm tự hào cho 120 cha mẹ là thành viên câu lạc bộ. Nhờ đó, vai trò cha mẹ được thúc đẩy. Suy nghĩ của các bậc cha mẹ về vấn đề kết hôn của con trẻ đã thay đổi tích cực.

Đến nay tổng số trường hợp kết hôn trẻ em tại 3 xã thực hiện Dự án đã giảm qua các năm từ 107 trường hợp (2017) xuống còn 68 trường hợp (2018), 41 trường hợp (2019). Số trẻ em sinh ra từ các trường hợp tảo hôn trên địa bàn các xã Dự án được đăng ký giấy khai sinh đầy đủ. Tình trạng trẻ em kết hôn sớm, tỷ lệ trẻ em kết hôn sớm tại các xã triển khai Dự án thấp hơn xã không triển khai Dự án. Ông Nguyễn Huy Hoàng - Quản Lý Plan vùng Lai Châu cho biết: Vấn đề tảo hôn là vấn đề bức xúc trong nhiều năm qua. Để có thể bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em gái chúng tôi tập trung vào 3 mục tiêu chính. Đó là, trẻ em trai, gái vị thành niên phòng tránh được kết hôn sớm và tiếp tục tới trường. Các em có thể tự đưa ra quyết định việc kết hôn của mình. Tổ chức Plan tại Lai Châu sẽ cùng với địa phương tuyên truyền cho các gia đình nâng cao nhận thức về giới, dẫn dắt phòng chống kết hôn trẻ em. Chính quyền địa phương có hành động để bảo vệ phòng chống KHTE.

Hy vọng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành tình trạng kết hôn trẻ em trên địa bàn huyện ngày càng được đẩy lùi hơn nữa.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT tỉnh mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 92
Hôm qua : 2.325