A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội thảo chuyên đề “Công nghệ gắn với phát triển xanh và bền vững”

Sáng nay (29/8), tại Trung tâm Hội nghị Văn hóa tỉnh Lai Châu, Ban Tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam 2022 tại Lai Châu tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Công nghệ gắn với phát triển xanh bền vững”. Các đồng chí: Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Giàng A Tính - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu; Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đồng chủ trì Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo.

Dự Hội thảo còn có bà Tita Thy Nguyễn - Chủ tịch Hội đồng Năng lượng Thế giới Việt Nam và chuyên gia của Hội đồng Năng lượng Thế giới Việt Nam; đại diện lãnh đạo các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ; đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ một số tỉnh, thành trong cả nước.

Về phía tỉnh Lai Châu có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh; đại diện các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, vật liệu trong và ngoài tỉnh.

Hội thảo chuyên đề “Công nghệ gắn với phát triển xanh và bền vững” là một trong chuỗi các sự kiện tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam 2022 tại Lai Châu. Hội thảo nhằm thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng thân thiện với môi trường, khai thác tiềm năng, tài nguyên thiên nhiên tái tạo, hướng tới bảo tồn giá trị văn hóa gắn phát triển kinh tế, triển khai đồng bộ các giải pháp công nghệ số phát triển xanh, bền vững; khuyến khích các doanh nghiệp liên kết đầu tư phát triển công nghệ; sử dụng năng lượng, nhiên liệu giảm thiểu tác động đến môi trường.

Đồng chí Giàng A Tính - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Giàng A Tính - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu nhấn mạnh: Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là xu hướng không thể đảo ngược của thế giới, hướng tới sản xuất và tiêu dùng xanh; giảm phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính; kích thích với biến đổi khí hậu; phát triển công nghệ xanh và các ngành công nghiệp sử dụng ít tài nguyên, áp dụng các biện pháp sản xuất sạch… nhằm buộc các nhà sản xuất chuyển chi phí bảo vệ môi trường vào giá thành sản phẩm; đó cũng là trách nhiệm và nghĩa vụ của nhà quản lý và khuyến khích các nhà sản xuất đầu tư bảo vệ môi trường. 

Trên cơ sở các tham luận của các chuyên gia phân tích những góc nhìn toàn diện hơn đối với các công nghệ hiện đại đang được áp dụng ở một số ngành công nghiệp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các đại biểu quan tâm đến công nghệ sẽ có nhiều sự tương tác, trao đổi với các chuyên gia để làm rõ các vấn đề đang quan tâm…

Thông tin về các tiềm năng, lợi thế của tỉnh Lai Châu được đưa ra tại Hội thảo cho thấy, tỉnh Lai Châu có diện tích tự nhiên 9.068 km2, dân số trên 46 vạn người, có nhiều tiềm năng và thế mạnh, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội như: Điều kiện đất đai, sinh thái thuận lợi để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; có cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng thuận lợi để phát triển các dịch vụ xuất nhập khẩu: với nhiều bản sắc văn hóa phong phú, đặc sắc là tiềm năng để phát triển du lịch. Lai Châu còn được biết đến là nơi có 7/10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam, đó là: Pu Ta Leng 3.096 m; Pu Xi Lung 3.073 m; Bạch Mộc Lương Tử 3.046 m; Khang Su Văn 3.012 m; Tả Liên Sơn 2.993 m; Pờ Ma Lung 2.967 m; Chung Nhứ Vù 2.918 m. Tỉnh có thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều với lượng mưa trung bình hàng năm cao (từ 2.500 - 3.000 mm), là nơi xuất phát của nhiều sông, suối có lưu lượng dồi dào và độ dốc lớn (sông Đà, sông Nậm Mu, sông Nậm Na), có tiềm năng phát triển thủy điện; một số địa phương có tiềm năng về điện gió, điện mặt trời với khoảng trên 1.000 MW.

Sau 18 năm chia tách và thành lập, tỉnh Lai Châu đã sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ, phát huy nội lực, tận dụng các tiềm năng, thế mạnh sẵn có để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định mục tiêu xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế - xã hội đạt mức trung bình của cả nước. Để hiện thực hóa các mục tiêu đã xác định, tỉnh Lai Châu đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, trồng rừng, trồng dược liệu, phát triển du lịch gắn với bản sắc văn hóa... Tỉnh cũng đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh như: Phát triển nông, lâm nghiệp (phát triển mắc ca, trồng rừng sản xuất, phát triển dược liệu...); công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; phát triển du lịch; đầu tư các dự án điện gió.... Và mong muốn được đón các nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu và đến đầu tư tại tỉnh với những công nghệ hiện đại gắn với phát triển xanh, bền vững.

Đại diện chuyên gia phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các diễn giả, chuyên gia chia sẻ các tham luận: Thí điểm bộ chỉ số “Tam giác vàng năng lượng”; mô hình làng thông minh gắn với năng lượng, chuyển đổi số nông thôn, định hướng phát triển xanh và bền vững; chuyển đổi năng lượng: Giải pháp và ứng dụng cho Lai Châu; chia sẻ một số công nghệ khai thác, chế biến đất hiếm và giải pháp bảo vệ môi trường…

Đại diện nhà đầu tư lĩnh vực năng lượng phát biểu tại Hội thảo.

Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu tập trung vào các vấn đề liên quan đến chủ đề “Công nghệ gắn với phát triển xanh và bền vững” như thúc đẩy phát triển năng lượng xanh; phát triển kinh tế số; kinh nghiệm, giải pháp, công tác quản lý Nhà nước, thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã… trong lĩnh vực công nghệ gắn với phát triển xanh và bền vững. Đồng thời khuyến nghị một số vấn đề đối với tỉnh Lai Châu cần quan tâm thời gian tới trong triển khai, áp dụng công nghệ gắn với phát triển xanh và bền vững như: Trong phát triển du lịch, cần xác định người dân là trung tâm, khuyến khích các ý tưởng, sáng kiến phát triển du lịch cộng đồng với mô hình làng/xã thông minh, chuyển đổi số bao trùm là du lịch sinh thái xanh, kinh tế xanh, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Về phát triển năng lượng điện gió, điện mặt trời thì cần có chủ trương của Chính phủ, của tỉnh, tạo cơ sở để các đơn vị, doanh nghiệp, tập đoàn liên kết triển khai, phát huy tiềm năng phát triển năng lượng tại địa phương…

Đồng chí Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phát biểu kết luận Hội thảo.

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đề nghị tỉnh Lai Châu cần tiếp tục duy trì, đẩy mạnh phát triển xanh, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Đây được coi là “đặc sản” hiện có của tỉnh Lai Châu cũng như của các tỉnh miền núi phía Bắc. Đồng thời, tỉnh nên phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá thí điểm áp dụng chỉ số tam giác vàng chuyển năng lượng xanh thành nền kinh tế tuần hoàn; có cơ chế hỗ trợ đặc thù trong áp dụng ứng dụng công nghệ mới theo mô hình Start up để Lai Châu trở thành nơi hấp dẫn trong áp dụng các mô hình công nghệ mới; tiếp tục thay đổi tư duy mới, lựa chọn công nghệ phù hợp để thực hiện chuyển đổi. Ngay sau Hội thảo cần triển khai ngay một số dự án, đưa những kinh nghiệm ứng dụng của Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam 2022 tại Lai Châu vào thực tiễn, cụ thể…


Tác giả: Nguyễn Nga
Nguồn:https://laichau.gov.vn/tin-tuc-su-kien/hoat-dong-cua-lanh-dao-tinh/hoi-thao-chuyen-de-cong-nghe-gan-voi-phat-trien-xanh-va-ben-vung-.html Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT tỉnh mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 826
Hôm qua : 1.985