A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao hiệu quả mô hình cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em tại cộng đồng

Trong nhiều năm gần đây, việc quan tâm cải thiện bữa ăn, chế độ dinh dưỡng của cha mẹ, nhà trường trên địa bàn xã Khổng Lào (huyện Phong Thổ) đã có sự thay đổi đáng kể, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi cũng giảm đi đáng kể. Có được điều này cũng một phần nhờ vào sự góp sức của dự án Plan.

Khổng Lào là xã vùng thấp, nội địa của huyện Phong Thổ, với 11 bản, 854 hộ (trong đó hộ nghèo chiến 11%), điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, hầu hết cha mẹ đều thiếu kỹ năng hỗ trợ trẻ học tại nhà và thiếu kiến thức trong việc chăm sóc trẻ em nên tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi tương đối cao. “Mặc dù năm 2016, toàn xã ghi nhận tình trạng giảm tỷ lệ trẻ duy dinh dưỡng thể thấp còi trong xã đã giảm đáng kể, nhưng tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân vẫn duy trì ở mức cao, nhất là ở các bản xa. Trước thực trạng đó, năm 2017, với sự hỗ trợ của Văn phòng Plan Lai Châu và Ban điều hiều dự án tại xã, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã nhanh chóng thành lập 5 nhóm trẻ dưới 3 tuổi (nhóm U3) tại các bản: Co Muông, Phai Cát, bản Cang, bản Đớ và bản Nậm Khay với 122 trẻ tham gia sinh hoạt theo chế độ của dự án Plan đề ra”, bà Vương Thị Thếm – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Khổng Lào chia sẻ.

Và chế độ đề ra được nhắc đến chính là sự thay đổi từ nhận thức của phụ huynh và cách tiếp cận bữa ăn của trẻ trong tiến trình thay đổi chế độ dinh dưỡng cho trẻ hàng ngày. Với việc các nhóm U3 sinh hoạt 1 tháng 1 lần dưới sự hướng dẫn của các tình nguyện viên, các vấn đề như: vai trò của cha mẹ trong chăm sóc và phát triển trẻ thơ, tăng cường kỹ năng chăm sóc, hỗ trợ trẻ phát triển ngôn ngữ, nhận thức, giúp trẻ mạnh dạn, tự tin hơn; truyền thông cho các bà mẹ chăm sóc sớm ngay từ khi trẻ còn trong bụng mẹ; hướng dẫn các bà mẹ phương pháp nuôi con theo khoa học đã từng bước góp phần cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em trên địa bàn tỉnh… lần lượt được các bậc phụ huynh quan tâm, hiểu biết tận tình và thay đổi từng bước trong cách chăm sóc con cái của mình. Tôi từng có dịp đến thăm một nhóm trẻ U3 ở bản Phai Cát . Thoạt nhìn từ xa, tôi còn ngỡ đây là một lớp nhà trẻ. Trông đứa trẻ nào cũng nhanh nhẹn, hoạt bát. Hôm ấy, buổi sinh hoạt của nhóm nói về những kiến thức liên quan đến kỹ thuật nông nghiệp, dinh dưỡng. Cụ thể như: cung cấp chất béo và đạm, gạo và các lương thực cung cấp tinh bột, rau cung cấp vitamin… Đây là những kiến thức cơ bản để cha mẹ phân loại thức ăn theo 4 nhóm dinh dưỡng, thay đổi món ăn thường xuyên cho các bé để ăn được nhiều và hấp thụ tốt hơn. Sau khi truyền tải những kiến thức cơ bản, chị Lò Thị Bính - tình nguyện viên của nhóm còn lấy rất nhiều ví dụ kết hợp như: khi trẻ 7 – 12 tháng, các mẹ đã nấu bột cho bé thay vì nhai mớm cơm theo cách vẫn làm từ trước đây hay trẻ trên 1 tuổi nên ninh cháo nguyên hạt kết hợp với thức ăn thô (thịt, cá, rau củ băm nhuyễn) để bé tập phản ứng nhai, nuốt… Ngoài ra, khi tham gia nhóm, cha mẹ còn được cùng nhau chia sẻ các mô hình, cách làm hay về trồng rau sạch, nuôi chim cút, nuôi gà lấy trứng, bắt cua, ốc, ếch, lươn ngoài đồng để thay đổi khâu phần cho con; sử dụng và chế tạo những vật dụng đơn giản tại địa phương làm đồ chơi cho con… Chị Vàng Thị Phượng - phụ huynh tham gia nhóm vui vẻ nói: “đúng là đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Trước đây, gia đình nuôi con theo kiểu “mặc kệ”, “thích ăn gì thì ăn”, giờ đây, tham gia vào nhóm rồi mới thấy mình đang nuôi con sai cách. Từ ngày sinh hoạt nhóm đến giờ cũng được 2 năm rồi, tôi đã áp dụng, tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm quý báu trong chăm sóc con cái, giờ con tôi lớn phổng phao, mỗi năm tăng gần 2 kg…”.

KL1

 

Các bậc cha mẹ tham gia Hội thi Nuôi con khỏe - Dạy con ngoan để nâng cao kiến thức chăm sóc con cái

Có thể thấy, việc chăm sóc trẻ tốt chính là hiệu quả góp phần giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng và nâng cao thể lực, trí lực cho trẻ ở độ tuổi mầm non, đồng thời làm tiền đề để phát triển cao lớn những năm tiếp theo. Bà Thếm chia sẻ thêm: “Các buổi sinh hoạt nhóm này đã tạo môi trường thân thiện để cha mẹ có thể trao đổi những khó khăn trong quá trình nuôi dạy trẻ tại gia đình; giúp gắn kết tình cảm cha mẹ và con cái, hơn hết là giúp trẻ có thể tự tin, khỏe mạnh trước người lạ, đám đông được tiếp xúc với những đồ dùng, đồ chơi phù hợp với khả năng khám phá, tư duy và nhân cách ở trẻ”. So với những trẻ không được tham gia sinh hoạt nhóm, tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi giảm qua các năm, năm 2017 là 25,4%, năm 2018 là 22,7%, năm 2019 còn 20%. Điều này cho thấy, hoạt động của các nhóm U3 là kênh truyền thông hiệu quả nhất đối với hội Liên hiệp phụ nữ trong quá trình tuyên truyền, vận động, giáo dục phổ biến pháp luật về chăm sóc, bảo vệ trẻ em trên địa bàn xã.

Ngoài ra, hàng năm Hội Phụ nữ xã còn phối hợp với tổ chức Plan sáng kiến cho các nhóm U3 như: làm đồ chơi ngoài trời như xích đu; mô hình nuôi chim cút cho 28 hộ, mỗi hộ 70 con… với những việc làm thiết thực như trên, chúng tôi tin rằng, những năm tiếp theo tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở xã ngày càng giảm sâu, góp phần nâng cao sức khỏe cho trẻ em nơi vùng cao.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT tỉnh mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 89
Hôm qua : 2.325