Thứ năm, 25/04/2024 - 20:10
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phong Thổ phát triển cây dược liệu

Những năm gần đây, cùng với các huyện, thành phố trong tỉnh, huyện Phong Thổ tích cực khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương để phát triển cây dược liệu, góp phần tăng thu nhập cho người dân, hướng đến xóa đói giảm nghèo bền vững.

Phong Thổ là huyện vùng cao biên giới, nhiều xã có địa hình núi cao trên 1.200m thậm chí trên 1.500m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ. Đây là yếu tố thuận lợi để huyện phát triển cây dược liệu. Bên cạnh đó, qua nghiên cứu, tìm hiểu của cơ quan chuyên môn, Phong Thổ có nguồn dược liệu tự nhiên phong phú, có giá trị y học và kinh tế cao như: sâm Lai Châu, lan kim tuyến, thất diệp nhất chi hoa (hay còn gọi 7 lá 1 hoa), thảo quả… Trước đây, người dân một số xã chủ động trồng cây dược liệu theo hướng tự phát, số lượng ít, khai thác theo hình thức tận diện dẫn đến số lượng và thành phần cây dược liệu giảm dần. Để bảo tồn, khôi phục, phát triển cây dược liệu, những năm gần đây huyện Phong Thổ nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp từ tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc đến hỗ trợ giống, phân bón cho người dân.
Cơ quan chuyên môn và UBND các xã trong huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò của cây dược liệu đối với công tác chăm sóc sức khỏe và phát triển kinh tế. Tuyên truyền những chủ trương, chính sách của tỉnh, huyện liên quan đến công tác bảo tồn, đầu tư phát triển cây dược liệu trên địa bàn. Hướng dẫn Nhân dân kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dược liệu. Từ năm 2017 đến nay thông qua nguồn vốn của các chương trình 135, 30a, một số xã triển khai thực hiện các mô hình nhân rộng cây tam thất, thất diệp nhất chi hoa; hỗ trợ người dân về phân bón, tiền mua giống cây dược liệu khi tham gia mô hình. Hay trước thực tế, nhiều diện tích thảo quả trên địa bàn huyện bị ảnh do giá lạnh, mưa tuyết cuối năm 2013, cán bộ chuyên môn huyện, xã hướng dẫn Nhân dân chăm sóc cho cây thảo quả, tỉa dặm thảo quả vào những chỗ mất khoảng. Nhờ đó, diện tích thảo quả dần được khôi phục.
Theo số liệu thống kê, toàn huyện Phong Thổ hiện có tổng số 1.570,14ha cây dược liệu các loại. Trong đó, cây thảo quả 1.055ha, sa nhân 312ha, thất diệp nhất chi hoa 2,86ha, 0,25ha tam thất bắc, 0,03ha sâm Lai Châu, cây dược liệu khác (gừng, nghệ...) khoảng 200ha. Diện tích cây dược liệu tập trung nhiều ở các xã: Sì Lở Lầu, Mồ Sì San, Tung Qua Lìn, Dào San. Hầu hết các cây dược liệu phát triển tốt, 1 số bắt đầu cho thu hoạch, riêng cây thảo quả có 1.004ha đã cho thu hoạch với năng suất đạt 1,68 tạ/ha, sản lượng 168,77 tấn (năm 2019), đạt 106,6% so với kế hoạch.
Anh Vũ Hữu Lưỡng – Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Phong Thổ cho biết: “Tùy theo chủng loại, độ tuổi mà cây dược liệu có giá bán khác nhau. Ví như cây thất diệp nhất chi hoa có giá trên 1 triệu đồng/kg củ tươi. Đầu ra sản phẩm hiện nay tốt, người dân có dược liệu đến đâu bán hết đến đó, không có tình trạng ứ đọng. Cây dược liệu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương, giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống”.
Tìm hiểu tại xã Bản Lang, chúng tôi được biết xã có 2 loại cây dược liệu chính là thảo quả và sa nhân tím. Cây sa nhân tím có diện tích 31ha trồng tại 4 bản: Nà Vàng, Nà Giang, Thèn Thầu, Sàng Giang. Hiện diện tích sa nhân tím đang phát triển tốt, dự kiến năm 2021 cho thu hoạch. Cây thảo quả có diện tích 100ha năng suất đạt 2 tạ/ha, sản lượng 20 tấn năm 2019. Cây dược liệu góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 24 triệu đồng/người/năm (tăng 9 triệu đồng so với năm 2018). Đây cũng là cây trồng mở ra triển vọng mới trong phát triển kinh tế cho người dân trong xã.
Anh Lý Quẩy Sìn – Bí thư Chi bộ bản Thèn Thầu chia sẻ: “Hiện 80% người dân trong bản trồng sa nhân tím, 90% người dân trồng thảo quả dưới tán rừng. Nguyên nhân do diện tích rừng của bản lớn trong khi cây sa nhân tím dễ trồng, phù hợp khí hậu địa phương, ít sâu bệnh, bà con trong bản ngoài trồng 13ha sa nhân tím năm 2017 theo kế hoạch còn trồng thêm khoảng 7ha, nâng tổng diện tích sa nhân tím của bản lên 20ha. Giờ diện tích sa nhân phát triển tốt đã cao ngang thắt lưng. Với cây thảo quả, bà con trồng cách đây gần 20 năm, diện tích 13ha. Riêng gia đình tôi trồng trên 1ha sa nhân, trên 1ha thảo quả, 1 năm thu được trên 30 triệu từ thảo quả, cao nhất có năm còn thu được 70-80 triệu đồng”.
Hướng tới mục tiêu mở rộng diện tích trồng cây dược liệu đảm bảo phù hợp với từng vùng sinh thái, sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng về điều kiện tự nhiên, xã hội, đầu tháng 3/2020 Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng, ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện “Đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lai Châu” tại huyện. Theo đó, diện tích dược liệu trồng trong giai đoạn 2020-2025 dự kiến là 2ha tại 5 xã: Sì Lờ Lầu, Pa Vây Sử, Mồ Sì San, Dào San, Sin Suối Hồ với 3 loại cây: sâm Lai Châu 0,5ha, Lan kim tuyến 0,5ha, thất diệp nhất chi hoa 1ha.
Tham gia thực hiện Kế hoạch, trong giai đoạn 2020-2025, người dân sẽ được hỗ trợ chi phí mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Huyện cũng sẽ ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ trong việc bảo tồn, chọn tạo giống, xây dựng và hoàn thiện các quy trình xác định thời vụ gieo trồng, bón phân, chăm sóc, thời điểm thu hái và phương thức sơ chế bảo quản. Quan tâm hướng dẫn Nhân dân áp dụng các quy trình tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất, thu hái, bao gói, bảo quản để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm khi tiêu thụ trên thị trường, gắn liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Giai đoạn 2026-2030 huyện tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển trồng các cây dược liệu có lợi thế, bám sát nhu cầu của thị trường theo hướng sản xuất hàng hóa.
Với những giải pháp phù hợp gắn thời gian, lộ trình cụ thể, tin tưởng Phong Thổ sẽ bảo tồn, phát triển, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu. Từ đó, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, đưa nghề trồng cây dược liệu trở thành một nghề có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của huyện.
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT tỉnh mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.025
Hôm qua : 2.384