A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người dân xin ra khỏi hộ nghèo

Những năm gần đây, khi thấy cuộc sống tạm ổn, không thiếu ăn những ngày giáp hạt, nhiều hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Phong Thổ đã chủ động xin ra khỏi hộ nghèo, nhường sự hỗ trợ cho hộ khó khăn hơn.
Không trông chờ, ỷ lại
Tiết trời sang thu se lạnh làm cho cây cối dọc theo tuyến đường từ thành phố Lai Châu về xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ) bắt đầu ngả sang màu vàng. Đây cũng là thời điểm người dân trong đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa mùa. Dừng chân tại gia đình anh Chang A Lứ (bản Sin Suối Hồ), chúng tôi thấy khắp sân chất đầy những bao thóc lớn mới trở về.
Anh Lứ kể: “Bố mất sớm, mẹ đi lấy chồng 2, gia đình tôi và em trai (9 người) sống chung trong căn nhà bố mẹ để lại. Năm 2019, từ 85 triệu đồng bán 4 con trâu, tôi mua vật liệu, nhờ người dựng nhà gỗ này để ở. Khi đó, dồn hết tiền làm nhà. 3 con còn nhỏ, đang trong độ tuổi ăn, học. Nếu là hộ nghèo mỗi năm sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền học cho các con, tiền điện trị giá gần 4 triệu đồng. Số tiền đó rất có ý nghĩa với chúng tôi nhưng tôi nghĩ muốn thoát nghèo bền vững không thể trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà phải tự mình cố gắng”.
Cách nhà anh Lứ không xa, gia đình anh Chang A Tùng cùng bản cũng có chung quan điểm. 3 năm trước, con gái thứ 3 của anh Tùng bị ung thư xương và ung thư máu. Chi phí mua thuốc, ăn ở, đi lại Bệnh việt Việt Đức, Bệnh viện ca Hà Nội gần 100 triệu đồng khiến kinh tế gia đình anh Tùng suy kiệt. Từ hộ trung bình anh Tùng rơi vào hộ nghèo. Không cam chịu, ngay khi sức khỏe con gái khá hơn, anh Tùng làm lụng trả được 20/40 triệu đã vay, làm thêm được 1 nhà tắm trị giá 40 triệu đồng. Cuối năm 2019 anh Tùng xung phong xin ra khỏi hộ nghèo.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, xã Sin Suối Hồ là điển hình trong công tác xóa đói, giảm nghèo của huyện Phong Thổ. Riêng năm 2019, xã có 53 hộ thoát nghèo, trong đó có 18 hộ tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo, nâng tổng số hộ tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo của huyện (từ năm 2015-2019) lên 19 hộ. 100% các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Bản thân các hộ chưa hẳn hết khó khăn song xuất phát từ nhận thức, sự tự giác, lòng tự trọng, muốn được vươn lên bằng chính sức mình các hộ xin ra khỏi hộ nghèo.
Tự lực vươn lên
Huyện Phong Thổ có 17 xã, thị trấn, địa hình nơi đây phức tạp, giao thông khó khăn. Hàng năm, huyện phải hứng chịu tác động của những đợt rét đậm, rét hại, mưa đá, gió lốc, dịch bệnh.... Mong muốn giúp bà con xóa đói, giảm nghèo, huyện Phong Thổ đã tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến người dân. Triển khai có hiệu quả các chương trình: 135, 30a... và có cơ chế khuyến khích, tuyên dương kịp thời những tấm gương tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo.
Anh Vương Biên Thùy – Phó Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Phong Thổ cho biết: “Việc người dân tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo ở Phong Thổ đang nhân lên hành động đẹp trong cộng đồng, khơi dậy nghị lực, quyết tâm thoát nghèo của bà con khắp các bản làng. Bà con đang có cuộc sống tốt hơn. Qua đó, giúp huyện Phong Thổ thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu giảm nghèo (mỗi năm giảm từ 4-6%). Nếu như năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 37,86% thì đến năm 2019 giảm chỉ còn 25,64%. Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 22,85% xuống còn 20,56%.
Gia đình anh Chu A Tế ở bản Ma Lù Thàng 2 (xã Huổi Luông) xung phong xin ra khỏi hộ nghèo từ năm 2017 khi anh vừa xây dựng được ngôi nhà cấp 4 trị giá 120 triệu đồng. Theo lời kể của anh, việc phát triển kinh tế 2 năm gần đây không mấy thuận lợi. Nguồn thu chính của gia đình anh là trên 1.000 gốc chuối bị bệnh chết hết. Dịch Covid -19 khiến anh không đi làm thêm ở ngoài. Anh Tế phải thay thế diện tích chuối chết bằng cỏ voi làm thức ăn cho trâu, anh nuôi thêm 2 con lợn, trồng 2.000m2 lúa thu trên 1 tấn thóc/năm. Hiện nay, anh trả hết 15 triệu đồng vay lúc làm nhà và mua thêm được 1 ti vi, 1 xe máy tổng trị giá gần 30 triệu đồng, nuôi 2 con ăn học đầy đủ.
Với gia đình anh Sùng A Dình ở bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ) sau khi xin ra khỏi hộ nghèo năm 2019 nhanh chóng tìm cơ hội vươn lên. Ngoài trồng lúa, nuôi 3 con trâu, gần đây anh Dình còn cất công đi học hỏi kinh nghiệm làm phở. Đầu tư 16 triệu đồng mua nồi, bát đũa... Vài tháng tới, anh Dình vay thêm vốn ngân hàng để làm quán bán phở ăn sáng, hứa hẹn mang lại nguồn thu mới cho gia đình.
Lan tỏa tình yêu thương
Điều làm chúng tôi không thể quên khi đến với bà con huyện Phong Thổ chính là tình yêu thương, sự sẻ chia giữa con người với con người. Bà con thuộc làu hoàn cảnh những hộ nghèo, khó khăn hơn mình, cần được hỗ trợ. Đây cũng là lý do thúc dục bà con tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo. Từ đó, tình cảm và sự gắn bó trong cộng đồng ngày càng được thắt chặt. Anh Dình nói: “Chúng tôi không có kinh tế giúp nhau nhưng sẵn sàng hỗ trợ nhau ngày công cày bừa, cấy lúa, thu hoạch nông sản hay chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc địa lan. Khi vui cũng như lúc buồn chúng tôi đều có mặt động viên, thăm hỏi”.
Thời gian tới, để tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức của người dân, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn tư tưởng chông chờ, ỷ lại, huyện Phong Thổ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về các chính sách giảm nghèo đến với Nhân dân. Tập trung đào tạo nghề theo nhu cầu người lao động và thị trường đang cần. Kết nối với các doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho người lao động...
Thiết nghĩ, tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo là việc làm tốt, cần được nhân rộng không chỉ ở huyện Phong Thổ mà ở tất cả các huyện, thành phố khác trong tỉnh. Làm được điều này thì tin tưởng rằng phong trào xóa đói giảm nghèo ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần Nhân dân dần được cải thiện, nâng cao.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT tỉnh mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.242
Hôm qua : 2.868