A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quản lý, bảo vệ chè cổ thụ

Phong Thổ được thiên nhiên ban tặng một hệ sinh thái rừng đa dạng với các loài thực vật phong phú trong đó có nhiều cây chè cổ thụ. Đây là thực vật quý có giá trị kinh tế, lịch sử đang được huyện quan tâm giữ gìn, bảo tồn, phát triển và khai thác gắn với phát triển du lịch.

Trong chuyến công tác gần đây tại huyện Phong Thổ chúng tôi được nghe các cán bộ và người dân say sưa kể về cây chè cổ thụ với những ấn tượng sâu sắc. Anh Tẩn Chin Lùng – Chủ tịch UBND xã Mồ Sì San nói: “Xã Mồ Sì San có 1.694 cây chè cổ thụ trong đó chè Shan tuyết là 1.553 cây, chè hoa đỏ 141 cây. Chè cổ thụ xuất hiện cách đây rất lâu, có những cây trên 1.000 năm tuổi. Bản thân tôi đã nhiều lần tham gia cùng các đồng chí khác đi tìm hiểu, khảo sát thực tế về chè cổ thụ. Mỗi lần đi là một kỷ niệm đáng nhớ với những quãng đường trèo đèo, lội suối, men theo đường rừng suốt 3-4 giờ đồng hồ. Khi đến nơi, tôi thấy mình ở giữa chốn thiên nhiên hoang sơ, hùng vỹ, nổi bật là những cây chè cổ thụ cao lớn hơn 20m. Trên cây, những búp chè mọc ra tua tủa với mầu xanh đầy sức sống”.
Còn theo anh Trang Văn Minh – Phó Chủ tịch UBND xã Hoang Thèn, số chè cổ thụ của xã (580 cây) nằm rải rác trong diện tích rừng sản xuất và một phần vườn nhà hộ gia đình 2 bản: Tả Lèng (390 cây) và Xin Chải (190 cây). Hầu hết các hộ gia đình tự quản lý và thu hái, bán chè búp tươi cho thương lái với giá 80.000 đồng/kg. Trong câu chuyện của mình, ông Lý Quang Lèn – Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Lèng Suôi Chin (xã Hoang Thèn) hồ hởi kể về nguồn thu của gia đình liên quan đến chè cổ thụ. Ấy là vào thời điểm mùa vụ (thường từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm), ông cất công đến 2 bản Tả Lèng, Xin Chải mua chè búp tươi về sấy khô bán sang Lào với giá 1 triệu đồng/kg chè thành phẩm. 1 năm xuất ra thị trường từ 3-4 tạ chè khô, sau khi trừ chi phí gia đình ông Lèn thu lãi trên 30 triệu đồng. Tiền công làm chè khô cộng với việc trồng trọt, chăn nuôi, nâng tổng thu nhập gia đình ông Lèn mỗi năm lên trên 100 triệu đồng.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, huyện Phong Thổ nằm ở phía bắc của tỉnh Lai Châu với địa hình chủ yếu là núi cao, chia cắt phức tạp. Ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, nơi đây xuất hiện khoảng 6 nghìn cây chè Shan tuyết, chè hoa đỏ cổ thụ, tập trung nhiều tại các xã: Sì Lở Lầu, Mồ Sì San, Pa Vây Sử, Dào San, Tung Qua Lìn và Hoang Thèn. Riêng 3 xã: Mồ Sì San, Sì Lở Lầu, Hoang Thèn đã có tổng số 3.282 cây chè cổ thụ. Đại đa số chè cổ thụ trên địa bàn huyện sống ở nơi có sương mù bao phủ quanh năm do đó tạo cho chè có hương, vị thơm, ngon đặc trưng. Đây là yếu tố quan trọng giúp nâng cao chất lượng, thương hiệu chè thành phẩm.
Tuy nhiên, điều các cán bộ xã, huyện trăn trở là chè cổ thụ sinh trưởng, phát triển hoàn toàn tự nhiên nên năng suất thấp. Một số bà con chưa thực sự quan tâm bảo vệ và đầu tư chăm sóc chè. Bên cạnh đó, việc thu hái chè gặp trở ngại do: chiều cao cây lớn, địa hình phức tạp, giao thông đi lại hết sức khó khăn. Trong quá trình thu hái còn có nơi, có chỗ chưa đúng quy cách. Bà con còn bẻ cành, chặt thân cây làm điểm tựa trèo khi hái. Lúc hái chè xong, bà con chưa biết bảo quản cho chè không bị ôi, mất chất. Công tác chế biến theo kiểu truyền thống, dụng cụ chế biến còn sơ sài, chưa đúng kỹ thuật làm cho chất vị tốt, đặc trưng của chè Phong Thổ bị biến đổi. Về mẫu mã, bao bì sản phẩm trước đây còn sơ sài, đựng vào túi nylon thông thường rồi buộc lạt nên không có thông tin về sản phẩm trên gói. Biện pháp và phương pháp giới thiệu sản phẩm chưa chủ động, thiếu chuyên nghiệp.
 Để giữ gìn diện tích chè cổ hiện có, thực hiện các biện pháp thu hái, khai thác đúng theo quy trình, ngày 16/3/2020, UBND huyện Phong Thổ đã ban hành Công văn số 443/UBND-NN về việc tăng cường quản lý, bảo vệ và khai thác diện tích cây chè cổ thụ gửi đến các xã. Theo đó, UBND huyện yêu cầu UBND các xã có chè cổ thụ tổ chức rà soát và giao quản lý vùng chè cho các bản, nhóm hộ, hộ gia đình để quản lý. Chỉ đạo các bản tổ chức họp dân, xây dựng quy chế thu hái, đưa quy chế khai thác chè vào quy ước, hương ước bản. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, vận động Nhân dân thu hái theo hướng dẫn của xã, không được đốn hạ, khai thác triệt để ảnh hưởng đến sự sinh trưởng phát triển của cây. Chỉ đạo các lực lượng công an, kiểm lâm viên, bảo lâm xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nếu phát hiện trường hợp vi phạm xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nhờ đó, diện tích chè cổ được bảo vệ, góp phần nâng cao độ che phủ rừng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Và từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn xã Mồ Sì San thành lập hợp tác xã (HTX) Biên Cương thực hiện xây dựng bao bì và sản xuất các sản phẩm: chè xanh, hồng trà, bạch trà…. từ chè cổ thụ cung ứng ra thị trường với giá từ 2,5-3,5 triệu đồng/kg.
Anh Vũ Hữu Lưỡng – Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ cho biết: “Hướng đến mục tiêu bảo tồn và phát triển chè cổ thụ gắn với hợp tác, liên kết trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm, vừa qua Phòng tham mưu cho UBND huyện xây dựng Đề án về “Bảo tồn và phát triển vùng chè cổ thụ trên địa bàn huyện Phong Thổ” hiện đang hoàn thiện để trình UBND tỉnh phê duyệt. Trong Đề án, UBND huyện đề ra 5 nhiệm vụ, 7 giải pháp thực hiện thời gian tới như: đầu tư hạ tầng, máy móc, trang thiết bị, bao bì, nhãn mắc trong việc chế biến và bảo quản chè. Đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch tại vùng chè cổ. Trồng mới bổ sung 120ha chè Shan tuyết, chè hoa đỏ vào diện tích rừng thưa hoặc diện tích nương rẫy…
Tin tưởng, với sự quan tâm, vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn, ủng hộ của Nhân dân, huyện Phong Thổ sẽ quản lý, bảo vệ tốt và phát triển bền vững vùng chè cổ thụ, xây dựng thành công nhãn hiệu “Chè cổ thụ Phong Thổ” vào năm 2025 theo đúng mục tiêu đề ra.
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT tỉnh mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.673
Hôm qua : 2.319